Vũ Linh xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở
- Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2011 | 10:11:27 AM
YBĐT - Năm 2002, thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình chính thức được công nhận làng văn hoá, đến năm 2004, thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện.
Các nữ đại biểu dân tộc thiểu số trong ngày hội.
|
Với 68 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Tày, sau 2 năm ra mắt xây dựng làng văn hóa, đến năm 2002, thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình chính thức được công nhận làng văn hoá, đến năm 2004, thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Từ Đồng Bội, tiếp đến là thôn Ngòi Tu, làng Mấy, Đá Trắng và làng Ngần đồng loạt ra mắt xây dựng làng văn hóa. Từ thành công bước đầu này, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có sức lan tỏa lớn đén 13 thôn, bản, làm thay đổi diện mạo ở một xã thuần nông Vũ Linh.
Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, UBND xã Vũ Linh đã thành lập Ban vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", đồng thời hàng năm xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, triển khai thực hiện sâu rộng từ tổ chức Đảng đến các ban ngành, đoàn thể và các thôn. Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào, cán bộ và nhân dân trong xã luôn đoàn kết, hăng hái thi đua thực hiện.
Đồng chí Trần Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là với đồng bào Dao, Tày trong xã còn mang nặng các hủ tục trong nếp sống cách nghĩ, song bằng sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả một hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi công việc đều được nhân dân bàn bạc, đồng tình ủng hộ và thực hiện đạt chất lượng cao. Các quy ước, hương ước làng xã được thực hiện đến từng gia đình, thôn bản và phát huy hiệu quả. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm xã có từ 90 đến 95% hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, kết quả bình xét có từ 80 đến 85% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Vào ngày Đại đoàn kết toàn dân, các khu dân cư còn tổ chức biểu dương, khen thưởng những gia đình văn hoá tiêu biểu, góp phần quan trọng động viên và nêu cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân. Tất cả các đôi nam nữ trước khi tổ chức lễ cưới đều được UBND xã tổ chức đăng ký kết hôn, trao giấy chứng nhận kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, trước sự chứng kiến của đại diện hai bên gia đình.
Sau đó, đại diện hai bên gia đình phải ký cam kết với UBND xã tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hoá mới với 4 nội dung: Tổ chức ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự, lễ cưới diễn ra trang trọng, lịch sự, không sử dụng loa đài quá công suất, quá giờ quy định, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người xung quanh. Các thôn đều xây dựng được phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, phát huy và và sáng tạo văn hoá của đồng bào, nhất là những bản sắc văn hóa đặc trưng trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày, người Dao quần trắng trong xã.
Song song với đó, công tác xã hội hoá giáo dục luôn được cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cơ sở thôn, các gia đình quan tâm, từ đó huy động nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục. Trung tâm Học tập cộng đồng và Hội Khuyến học của xã hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần cổ vũ, động viên các thầy cô giáo, các em học sinh vượt khó vươn lên trong học tập, giành nhiều thành tích cao.
Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cũng đạt nhiều kết quả, nhân dân luôn đoàn kết, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm liền an ninh trật tự, an toàn xã hội được duy trì.
Các tổ hoà giải kịp thời phát hiện và giải quyết sớm những mâu thuẫn ở khu dân cư nên không có khiếu kiện đông người. Các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, tăng cường quản lý, rèn luyện, giáo dục đạo đức lối sống đối với từng cán bộ, công chức chuyên trách và đảng viên, xây dựng tác phong lề lối làm việc của cán bộ văn minh, lịch sự.
Đời sống nhân dân có ổn định mới là nền tảng vững chắc để địa phương triển khai và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Từ quan điểm đó, xã phát động các phong trào thi đua hăng say lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô vừa và nhỏ dược triển khai đến tất cả các thôn, bản và hộ gia đình.
Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tổng hợp, kinh tế hộ gia đình có mức thu nhập từ vài chục triệu đến trăm triệu mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9,39% năm 2010. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng cao, 90% số hộ dân có phương tiện nghe nhìn, gần 70% hộ dân được sử dụng nước sạch hơp vệ sinh, 65% hộ dân có phương tiện cơ giới đi lại. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Vũ Linh thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thanh Tân
Các tin khác
Ngày 18-1, Bộ GD-ĐT đã công bố danh mục mã trường, mã đơn vị đăng ký dự thi (ĐKDT), mã tỉnh và bảng phân chia khu vực (KV) tuyển sinh phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.
Trong 2 ngày 17 - 18/1, hàng loạt học sinh ở Trường THCS và THPT Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên bị ngất xỉu, co giật mạnh phải đưa đi cấp cứu.
Ngày 18-1, Bộ GD-ĐT đã công bố danh mục mã trường, mã đơn vị đăng ký dự thi (ĐKDT), mã tỉnh và bảng phân chia khu vực (KV) tuyển sinh phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.