Yên Bái: Một cái tết no đủ, không lãng phí
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 9:38:46 AM
YBĐT - Tết Nguyên đán Tân Mão đã qua, câu chuyện "thời sự" nhất lúc này là thị trường bình ổn giá cả.
Sau tết, các chợ ở thành phố Yên Bái không có loại rau xanh nào giá dưới 20.000 đồng/kg. (Ảnh: minh họa)
|
Nhìn lại cái tết Tân Mão có rất nhiều câu chuyện như: no, đủ và không thừa; giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh; tâm lý chuyển từ ăn tết sang chơi tết ngày càng hình thành.
Giá cả làm tết "chóng mặt "! Chắc chắn là như vậy, cả năm 2010 giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân đều tăng; các mặt hàng như thịt, cá, gà, rau, gạo... càng tăng mạnh. Thịt lợn mông 80 nghìn đồng/kg, gà cả lông 120 nghìn đồng/kg; gà mổ sẵn 150 nghìn đồng/kg.
Đặc biệt những mặt hàng nhỏ, khối lượng sử dụng rất ít trong dịp tết giá tăng càng mạnh so với năm trước: mộc nhĩ, tết trước 5000 đồng/lạng thì năm nay là 12 nghìn đồng; miến đao Giới Phiên, đầu vụ các bà buôn bán 22 nghìn đồng/kg, áp tết các bà thông báo "40 nghìn đồng một cân không mua được để bán".
Dân gian thường có câu "Ăn rau cho đỡ xót ruột", nhưng đến tết càng ăn rau càng thấy xót! Mấy ngày trước và sau tết, tại các chợ ở thành phố Yên Bái không có loại rau nào dưới 20 nghìn đồng/kg; một số loại rau dùng để ăn lẩu và rau thơm, giá lên đến trên 30 nghìn đồng.
Bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng tăng từ 15 đến 25% so với tết trước. "Đỉnh" nhất của sự tăng giá là các loại hoa tươi, hai ngày cuối năm (29 và 30 tháng Chạp), hoa hồng ở thành phố Yên Bái, Cổ Phúc(Trấn Yên) và Yên Bình giá bán 7 nghìn đồng/bông; hoa cúc 10 nghìn đồng một cành; các lẵng hoa nhỏ giá từ 250 đến 350 nghìn đồng/lẵng; đào bích năm nay rét đậm kéo dài nên nghẹn lại không nở được, đào vùng cao chuyển về trông như cành củi khô, tìm kỹ mới thấy mấy cái nụ mà người bán cứ hét 700 đến 800 nghìn đồng/cành; riêng quất thì tươi đẹp, nhiều quả hơn nhưng giá thấp nhất cùng 300 - 400 nghìn đồng/cây nhỏ, 700 đến 1 triệu đồng/cây to.
"Cái gì cùng đắt nên mua vừa phải thôi", đó là suy nghĩ của rất nhiều người và chính điều này khiến sức mua có phần giảm so với tết trước, Cô Hà bán thịt lợn ở chợ Cổ Phúc cho biết: "Mọi năm ngày 29 và 30 mỗi hôm tôi phải bán 7 đến 10 con lợn, năm nay cả ngày 29 bán được có 4 con". Cô Hà cho biết thêm, ngoài chuyện giá cả tăng cao, mặt hàng thịt lợn bán chậm còn bởi phong trào mua lợn "cắp nách" hoặc mua lợn "sạch" từ vùng nông thôn về mổ chia nhau của người dân đang rất phổ biến.
Những tết trước đầu đường Đoàn Thị Điểm phường Hồng Hà (TP Yên Bái) như một rừng đào bích, còn năm nay lác đác vài chục cây. Anh Lập, người chuyên buôn đào ở đây tâm sự: "Tết đến mua mấy cây về bán cho đỡ nhớ nghề thôi. Đào năm nay kém hoa lắm, những cây đẹp thì giá như trên mây xanh". Và đúng như lời nói của anh Lập: "Đào chủ yếu là kém hoa, cây nào nhiều hoa lại rất đắt", vì thế mà phòng khách trong nhiều gia đình không có cành đào.
Ông Nguyễn Văn Ước tự động viên mình... "Hơn triệu cành đào, thời buổi lạm phát, khủng hoảng kinh tế, tôi có hấp đâu mà mua. Chơi ba ngày tết đem ném ra đường, còn làm khổ thêm mấy bà quét rác!".
Giá cả quá đắt đỏ thì chi tiêu phải tiết kiệm; lo một cái tết no đủ, không được dư thừa là hướng phấn đấu của các bà nội trợ. Tội gì mua cho lắm, ngày tết ăn được bao nhiêu, vả lại mùng hai chợ lại họp, khi ấy cần gì thì mua, vừa tươi, vừa ngon. Tuy vậy, những gì không đừng được thì phải mua; ngày tết nhất thiết phải có con gà thắp hương tổ tiên, ông bà; trên bàn cũng phải có đĩa bánh kẹo; rượu thì quên ngay rượu ngoại, tìm lấy lò nào rượu ta, đảm bảo chất lượng mua lấy mấy can, còn bia thì cũng chỉ một thùng, đề phòng nắng nóng, uống cho giải nhiệt; ban thờ phải có hộp mứt cho đẹp ngũ quả, thế thôi! Không ít người đã cho rằng, sự phân hóa giàu nghèo dễ nhận thấy nhất là dịp tết đến.
Giống như mọi năm chợ tết năm nay có người cũng mua giỏ quà 150 nghìn đồng, cũng có người bê giỏ quà giá tiền triệu. Phần lớn người dân chỉ mua lọ hoa nhỏ để bày phòng khách hoặc có những nhà không có hoa thì ngược lại nhiều nhà vẫn chơi lan, chơi ly, chơi hoa tulip, có người còn làm chậu mai Nam Bộ to đùng nhưng nhìn chung sự xa hoa, lãng phí gần như không có và vui hơn là nhà nào cũng có tết; nghèo mấy thì cũng lo cho con tấm quần, manh áo, bát cơm, đĩa thịt; khó khăn quá đã có chính quyền, đoàn thể và nhất là các nhà hảo tâm chăm lo để dù nhiều, dù ít thì nhà nào cũng có tết.
Khi cuộc sống của người dân đã được nâng lên thì miếng ăn không phải là chuyện đáng bàn, giống như chuyện người xưa quan niệm: "Cả năm có ba ngày tết" còn ngày này thì "Ngày nào chẳng có thịt, có rượu, đâu cứ phải tết". Mức sống tăng lên khiến người dân có tâm lý chuyển từ ăn tết sang chơi tết, tiếc là Yên Bái còn quá ít điểm vui chơi giải trí để cả nhà du xuân. Ngày tết đưa nhau về thăm ông bà, bố mẹ, đi lễ đền, chùa hoặc tụ hội hát hò cho tưng bừng, vui vẻ để mùng bốn, mùng năm là ra đồng, lên rừng hay vào các công trường, xưởng máy để lao động sản xuất.
Lê Phiên
Các tin khác
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Đến năm học 2013 - 2014 tất cả các cơ sở giáo dục mầm non sẽ sử dụng bộ chuẩn phát triển này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 159/2006 về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30.4.1975 trở về trước.
Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc đề nghị tiếp tục rà soát các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức bình xét, lập, phê duyệt danh sách bổ sung.
Các tỉnh miền Bắc đêm và sáng nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều trời nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ rải rác.