Tuyển 600 trí thức dưới 30 tuổi làm lãnh đạo xã

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/2/2011 | 8:43:29 AM

Thanh niên có trình độ đại học, là đoàn viên hoặc đảng viên dưới 30 tuổi sẽ có cơ hội làm phó chủ tịch UBND của 600 xã trên toàn quốc. Dự án thí điểm mới được Thủ tướng phê duyệt.

Trí thức tốt nghiệp đại học dưới 30 tuổi sẽ có nhiều cơ hội trở thành lãnh đạo địa phương.
Trí thức tốt nghiệp đại học dưới 30 tuổi sẽ có nhiều cơ hội trở thành lãnh đạo địa phương.

Theo dự án, người tham gia (đội viên dự án) là thanh niên quốc tịch Việt Nam, đang công tác ở trong và ngoài nước, đáp ứng các điều kiện: dưới 30 tuổi, có trình độ đại học; là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt.

Những người đáp ứng đủ tiêu chí trên còn phải cam kết làm việc ít nhất 5 năm tại các xã thuộc huyện nghèo theo phân công. Trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có sáng kiến đổi mới thì thời gian làm việc trong dự án cũng không được dưới 3 năm.

Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý dự án cho biết, việc tuyển chọn các ứng viên dựa trên nguyên tắc "bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, công bằng và dân chủ", ưu tiên người thuộc tỉnh có huyện nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương, người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có kinh nghiệm trong quản lý hành chính.

Trách nhiệm và quyền lợi của đội viên được quy định rất chi tiết. Theo đó, họ phải thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường theo quy định; thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của đội viên dự án theo quy định của cơ quan quản lý dự án.

Trường hợp tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc tại các xã thuộc huyện nghèo thì phải bồi thường cho nhà nước kinh phí hỗ trợ ban đầu, kinh phí bồi dưỡng trước khi bố trí làm phó chủ tịch UBND xã theo quy định của pháp luật.

Đội viên dự án được hưởng các chế độ, chính sách áp dụng đối với chức danh phó chủ tịch UBND xã, các chế độ, chính sách hỗ trợ khác áp dụng đối với thanh niên tình nguyện; được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, chính trị - xã hội tại địa phương và có kế hoạch bồi dưỡng để phát triển Đảng nếu chưa phải là đảng viên; được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội viên các đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội viên dự án có nhu cầu tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương thì được xem xét quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng. Nếu không có nhu cầu thì được giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.

Dự án được triển khai ở 600 trong tổng số 894 xã thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo cả nước. Theo đó, mỗi xã của huyện nghèo được bổ sung một người về làm việc với chức danh Phó chủ tịch UBND xã.

Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2011-2012) triển khai thử nghiệm tại 5 tỉnh gồm Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum. Số lượng dự kiến là 100 người, được bố trí về 100 trên tổng số 185 xã của 5 tỉnh trên.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2013 tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí làm phó chủ tịch UBND xã đối với những thành viên dự án còn lại. Việc bố trí cán bộ về các xã thuộc huyện nghèo kết thúc trước 31/12/2014.

Qua điều tra, khảo sát và hỏi ý kiến 724 cán bộ, công chức của 680 xã thuộc 59 huyện trong tổng số 62 huyện nghèo năm 2010 cho thấy: Trình độ phổ thông (từ lớp 5 đến lớp 12) có 36 người, chiếm 6,13%; trình độ sơ cấp và trung cấp có 368 người, chiếm 62,69%; trình độ cao đẳng và đại học có 183 người, chiếm 31,18%.

Hầu hết cán bộ, công chức ở xã được hỏi ý kiến đều đề nghị tăng cường về xã những người được đào tạo các chuyên ngành như: kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông, lâm nghiệp và thủy sản… Trong đó, nhóm ngành có nhu cầu cao là kinh tế, chiếm tỷ lệ 62,43%; nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 49,86%; khoa học - kỹ thuật, chiếm 33,43%; văn hóa - xã hội, chiếm 28,59%; xây dựng, giao thông vận tải và môi trường, chiếm 28,18% và chuyên ngành luật, chiếm tỷ lệ 27,21%.

Mục tiêu dự án là tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp chính quyền xã thuộc các huyện nghèo thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước...
 
(Theo VnExpress)

Các tin khác
Nghệ nhân hát dân ca Tày ở xã Minh Xuân (Lục Yên) tích cực truyền dạy cho con cháu.

YBĐT - Gia đình là tế bào của xã hội. Môi trường văn hóa gia đình là yếu tố quyết định sự hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống của các thành viên.

YBĐT - Tết Tân Mão vừa qua, nhiều hộ gia đình chính sách khó khăn và hộ nghèo của thành phố Yên Bái được đón năm mới trong những căn nhà khang trang, kiên cố, đó là nỗ lực không nhỏ của các cấp chính quyền thành phố Yên Bái.

YBĐT - Cũng như ở nhiều nơi khác, hiện nay tình trạng bạo lực học đường ở Trấn Yên tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ IV đã thu hút đông đảo các tập thể và cá nhân tham gia.

YBĐT - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật là một sân chơi trí tuệ, bổ ích thu hút được mọi thành phần tham gia, góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục