Không uống rượu, bia buổi trưa và ngày làm việc: Những cái được lớn

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2011 | 9:16:11 AM

YBĐT - Rượu, bia không chỉ là một tệ nạn mà còn là một căn bệnh thực sự đang làm tổn hại đến sức khỏe của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

80% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép.
80% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép.

Sẽ không còn hình ảnh phản cảm

Uống rượu, bia vào buổi trưa trong ngày, giờ làm việc không chỉ là nguyên nhân gây mất thời gian, tiền bạc cũng như hiệu quả lao động, mà còn là tác nhân làm mất đi hình ảnh đẹp của cán bộ, công chức và đảng viên với nhân dân. Thực sự không lấy gì làm hay ho, khi tới một công sở từ tỉnh, huyện, đến xã phường nào đó bắt gặp hình ảnh người cán bộ, công chức  nhà nước tiếp dân, tiếp cơ sở với gương mặt đỏ lừ, hơi thở nồng nặc rượu bia, đôi mắt lừ đừ gây khó chịu cho người đối diện.

Tệ hơn, “tửu nhập ngôn xuất”, sau rượu, bia say có người nói năng không chuẩn xác, có lúc lại nóng nảy vô cớ …làm mất lòng dân, mất lòng đồng nghiệp. Cũng có người uống rượu buổi trưa mãi chiều muộn mới tới làm việc hoặc có đến đúng giờ nhưng tiếp xúc với lãnh đạo, với đồng nghiệp, với dân ở cơ sở không mấy tự tin. Cũng có người ngồi làm việc nhưng ngủ gà, ngủ gật đến hết chiều…rồi uể oải ra về. Rồi còn có tình trạng bỏ bê công việc để “du hành tửu”. Vừa uống xong bữa rượu trưa lại chuyển sang uống bia hiệp hai, rồi lại vào hiệp ba bữa tối. Nhức đầu hơn là gặp nhiều chẳng còn chuyện nói các bạn rượu lại lôi chuyện người nọ, người kia trong cơ quan ra bình phẩm, gây lắm chuyện rắc rối đau đầu.

Thật buồn là đã có người, có nơi cho rằng, cán bộ công chức Nhà nước phải biết uống rượu bia mới làm được việc, vì uống rượu, bia trước và sau khi làm việc là “thủ tục hành chính”, là “thói quen của mình”… Khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị thì phải “đón tiếp chu đáo” bằng rượu. Người uống được nhiều thường được ngợi khen là “tửu lượng cao”, “dạ dày i - nốc”, là có “thần kinh thép”.

Có người còn nửa đùa nửa thật coi “việc uống được rượu là một tiêu chí để tuyển cán bộ”. Yên Bái, những ngày tháng Giêng này khi về huyện và xã công tác, cán bộ, công chức sau tết vào giờ trưa vẫn triền miên nhà nối nhà mời nhau uống rượu. Lắm khi cán bộ, tỉnh, xã, xuống huyện công tác muốn gặp mà không gặp được, vì cán bộ đi uống rượu ở bản, mà có gặp được thì tiếp xúc với người say, làm việc thật khó khăn và…khó chịu.

Phóng viên YBĐT đã đi thực tế tìm hiểu cho thấy đa số cán bộ công chức, đảng viên đồng tình việc không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc, sẽ đảm bảo được sức khỏe để thực hiện tốt công việc của mình. Cán bộ, công chức, đảng viên được gần gũi với người thân và gia đình không sa đà vào rượu bia; tai nạn giao thông được ngăn chặn; phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên được gìn giữ. Người dân mong sau chủ trương này sẽ không còn bắt gặp những hình ảnh phản cảm ấy từ những “công bộc”, “người đầy tớ trung thành”, cán bộ của dân như Bác Hồ mong muốn!

Chất xám được phát huy

Không chỉ hao tiền, tốn của, làm giảm hiệu quả lao động mà người uống nhiều rượu, bia sẽ bị suy yếu chất lượng cuộc sống, tổn thương trí não dẫn đến loạn hành vi. Với đối tượng là công chức, viên chức thành phần lao động sử dụng chất xám được coi là tinh túy của xã hội, mức độ thiệt hại cho chính bản thân và cộng đồng từ uống rượu trưa và giờ làm việc còn nặng nề hơn rất nhiều. Giao dịch và làm việc trên bàn nhậu càng rộng rãi thì tham nhũng, suy đồi, tan vỡ hạnh phúc gia đình và nguy hại sức khỏe càng đe dọa.

Rượu, bia không chỉ là một tệ nạn mà còn là một căn bệnh thực sự đang làm tổn hại đến sức khỏe của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo các bác sĩ chuyên khoa: chất cồn trong rượu, bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tổ chức gan, phá hủy chất xám và chất trắng của não. Khi chụp cắt lớp có thể thấy hình ảnh bộ não của người nghiện rượu, bia lâu ngày có những nốt thủng lỗ chỗ. Nghiêm trọng hơn là tất cả các tổn thương này sẽ không hồi phục cho dù người bệnh có dừng sử dụng rượu hay không.

Biểu hiện lâm sàng cho thấy người bệnh sẽ nói rất nhiều, khả năng ghi nhớ kém dần và khả năng phân tích, tư duy gần như không còn. Rượu gây nên hội chứng Korsakoff – là hội chứng quên thuận chiều, lúc này người nghiện rượu, bia không còn khả năng ghi nhận những thông tin mới. Chưa kể tới rượu, bia còn là tác nhân gây nên nhiều bệnh như: tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, dạ dày, đại tràng, gan…

Về cơ chế sinh học, rượu, bia gây tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương (bộ não) nên y học đã xếp người nghiện rượu vào nhóm bệnh tâm thần. Giới y học cũng đưa ra nhận định, rượu được xếp ngang hàng với tệ nạn ma túy. Chính vì vậy, chỉ sau vài lần uống rượu, con người đã bị thay đổi chuyển hóa cơ bản một số tế bào não ở những vùng điều khiển nhân cách, nhận thức, phán đoán, ngôn ngữ, thị giác…Những tế bào não bị tác động bởi rượu, bia sau đó sẽ hoạt động bất thường. Uống nhiều rượu gây ngộ độc cấp có thể dẫn tới tử vong.

Uống rượu nhiều cũng kéo theo việc hấp thu dinh dưỡng kém khiến thiếu protein máu, thiếu vitamin B1…dẫn đến tình trạng kém tập trung, dễ bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Đáng nói là chứng bệnh này rơi vào tầng lớp công chức, viên chức sẽ trở thành quốc nạn. Bởi lẽ nhóm người này vốn được học hành đào tạo nghiêm chỉnh, sử dụng chất xám để lao động.

Việc uống rượu lâu ngày thành một thói quen khiến họ tự tin với tửu lượng của mình, trong khi thực tế việc kiểm soát tư duy và hành vi ngày càng kém đi. Người bệnh uống vào nói năng lảm nhảm, không nhớ mình nói gì, làm gì, dù chỉ một lượng nhỏ rượu. Nguyên nhân là do các tế bào thần kinh người nghiện rượu đã bị no chất cồn, do phải chịu đựng việc nhồi rượu từ ngày này sang ngày khác, nên hành vi của công chức nghiện rượu sẽ càng trở nên loạn xạ, hiệu quả lao động giảm và khả năng kiểm soát hành vi dần bị triệt tiêu.

Rõ ràng tác hại của rượu không chỉ tàn phá cơ thể và tinh thần người uống mà nó còn gây biết bao hậu quả khác cho xã hội như: tội ác, tai nạn giao thông, thiệt hại về tiền của và sức lao động, suy thoái về đạo đức và cả giống nòi. Chủ trương cán bộ, đảng viên, công chức không uống rượu vào giờ buổi trưa và trong ngày làm việc hiện nay là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, là giải pháp quan trọng để bảo vệ và phát huy hiệu quả nguồn chất xám đang có trong cán bộ, công chức, viên chức.

Minh Thành

Các tin khác

Ngày 1-3, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, lúc 14 giờ 45 ngày 1-3, chuyến bay mang số hiệu QR614 bay từ Doha (UAE) chở 50 lao động Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Vào lúc 6h ngày 1/3, chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo để đón thêm nhiều lao động Việt Nam về nước.

Công an xã Bản Công (Trạm Tấu) triển khai kế hoạch phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

YBĐT - Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Công an xã Cao Phạ đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác đảm bảo giữ vững ANTT trên địa bàn...

Tư thương giao dịch mua gỗ rừng trồng của người dân xã Văn Lãng.

YBĐT - Về Văn Lãng (Yên Bình) mùa xuân này chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay rất lớn ở đây, những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà xây khang trang đã tô điểm cho Văn Lãng diện mạo mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục