Bệnh viện vùng cao Trạm Tấu đang xuống cấp
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2011 | 3:31:42 PM
YBĐT - Trong những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) luôn phải hoạt động trong điều kiện rất khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, thiếu trang thiết bị; đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn bất hợp lý, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn...
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trạm Tấu khám chữa bệnh cho nhân dân.
|
Từ thiếu nhân lực và trang thiết bị...
Đưa chúng tôi đi thực tế xuống các khoa, phòng của Bệnh viện đang xuống cấp, chật chội, ông Nguyễn Văn Xuân - Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu cho hay: “Bệnh viện hiện có 45 giường bệnh, theo quy định thì phải có 12 bác sỹ, nhưng hiện tại mới chỉ có 5. Bệnh viện đang thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học; cơ sở vật chất chật chội, xuống cấp, thiếu một số phòng, khoa chuyên môn; trang thiết bị thiếu và cũ... đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân trong huyện”.
Những điều ông Xuân phản ảnh đã hiện hữu ngay trước mắt chúng tôi. Hệ thống rãnh thoát nước trước khu nhà điều trị nội trú cho bệnh nhân không có tấm đan bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu, ngay sát các phòng bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú. Trong phòng điều trị nội trú chẳng có gì cải thiện hơn, giường chiếu xộc xệch, dát giường gẫy hỏng, thậm chí một số giường bệnh không có chiếu... không khí ẩm mốc rất khó chịu.
Do sự xuống cấp về cơ sở vật chất của Bệnh viện nên nhiều cán bộ đang công tác ở huyện Trạm Tấu không may mắc bệnh phải điều trị nội trú thì hầu như không ai dám vào nằm viện mà đều xin điều trị ngoại trú hoặc chuyển bệnh viện khác nhưng với người dân nghèo thì chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Qua khu điều trị nội trú tầng 1, rẽ sang ngôi nhà ngang đã xuống cấp là đến Phòng xét nghiệm của Bệnh viện. Phòng xét nghiệm chỉ rộng vài mét vuông, không thấy có máy móc gì hiện đại ngoài một chiếc máy sinh hoá máu đã không còn sử dụng được nữa.
Chị Bùi Thị Đũi - Kỹ thuật viên Phòng xét nghiệm phàn nàn: “Cái máy sinh hoá máu này đã hỏng lâu rồi, Bệnh viện mang đi tận Hà Nội sửa nhưng không được. Hiện tại, Phòng xét nghiệm thiếu rất nhiều trang thiết bị như: tủ sấy, nồi hấp, máy phân tích nước tiểu và một số vật dụng khác. Bệnh viện hiện rơi vào tình cảnh “có xoong mà không có gạo” để nấu”.
Phải làm việc trong điều kiện như vậy nhưng các cán bộ, y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Trạm Tấu cũng không có khoản thu nhập gì khác ngoài lương và chút ít tiền trực. Có lẽ do môi trường làm việc và thu nhập không đảm bảo cuộc sống nên cũng khó có thể điều chuyển bác sỹ lên Trạm Tấu công tác.
Trong Báo cáo tổng kết năm 2009, phương hướng nhiệm vụ năm 2010 của Bệnh viện kiến nghị: “Đề nghị Sở Y tế tăng cường bác sỹ chuyên khoa cho Bệnh viện; đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Y tế xem xét tăng kinh phí giường bệnh phù hợp với chỉ tiêu biên chế giao theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn mức định biên sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước để Bệnh viện có đủ kinh phí tối thiểu phục vụ cho hoạt động…”
Những kiến nghị về nhân sự của Bệnh viện chưa được đáp ứng thì năm 2010, lại có 3 bác sỹ và 1 dược sỹ đang làm việc tại đây xin chuyển công tác về vùng thấp; đầu năm 2011 lại có thêm một bác sỹ mới đi đào tạo chuyên tu về cũng tiếp tục xin chuyển công tác về thành phố Yên Bái...
Phòng điều trị nội trú của Bệnh viện xuống cấp.
...Đến hoạt động chuyên môn hạn chế
Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, thiếu bác sỹ... Song số người đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện lại tăng khá cao so với những năm trước, như vậy chất lượng khám, chữa bệnh không thể được đảm bảo.
Năm 2009, Bệnh viện đã khám bệnh cho 12.950 lượt người, tăng 131,5% so với năm 2008; điều trị nội trú cho 2.678 bệnh nhân, tăng 135,6%, kết quả khỏi bệnh 2.287 người, chuyển bệnh nặng 11 người, không thay đổi 27 người và có 8 trường hợp đã bị tử vong vì bệnh quá nặng do ngộ độc đưa đến Bệnh viện muộn, viêm phổi cấp ở trẻ suy dinh dưỡng và phụ sản đẻ rau bong non chuyển đến viện muộn.
Năm 2010, Bệnh viện khám bệnh cho 16.917 lượt người, điều trị nội trú cho 2.605 bệnh nhân, số bệnh nhân tử vong 5 người... 6 tháng đầu năm 2011, Bệnh viện đã khám bệnh cho 4.893 lượt người; điều trị nội trú cho 828 bệnh nhân. Điều đó chứng minh cho thực tế với khối lượng công việc khá lớn Bệnh viện lại thiếu bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa thì đương nhiên chất lượng khám, chữa bệnh khó có thể cao được.
Do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp nên việc phẫu thuật của Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2009, tổng số lần phẫu thuật của Bệnh viện là 12 lần, thủ thuật 342 lần; năm 2010, tổng số lần phẫu thuật là 5 lần, 6 tháng đầu năm 2011 chưa phẫu thuật một lần nào. Hiện nay, nhà mổ của Bệnh viện đã xuống cấp không thể đưa vào sử dụng, không đủ buồng điều trị bệnh nhân và phòng làm việc cho cán bộ chuyên môn, Bệnh viện cũng chưa có đường điện ưu tiên, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuyên môn như cấp cứu và điều trị bệnh nhân...
Giải pháp khắc phục
Để công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân huyện vùng cao Trạm Tấu được cải thiện hơn, trước mắt, Sở Y tế cần có giải pháp về công tác cán bộ tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu, sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo để điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đồng thời, phải nhanh chóng tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho Bệnh viện, hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật mới để đưa trang thiết bị hiện đại vào khám bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, tỉnh cần sớm quan tâm và bố trí nguồn vốn cơ bản để Bệnh viện đảm bảo được cơ sở vật chất hoạt động.
Ngành y tế cũng cần tham mưu cho tỉnh đề ra được những chính sách ưu đãi “dành riêng” cho cán bộ có trình độ có tâm huyết, sẵn sàng đi công tác tại các xã, các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, có như vậy mới “giữ chân” được đội ngũ bác sỹ sẵn sàng cống hiến và làm việc lâu dài tại vùng cao. Bởi lẽ để đi học trở thành bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II là cả một quá trình phấn đấu của cá nhân mỗi người nhưng chúng ta, lại không có chính sách ưu đãi phù hợp nên không riêng ở Trạm Tấu mà ở một số bệnh viện khác trong tỉnh cũng đã và đang xảy ra tình trạng “chảy máu” bác sỹ.
Bên cạnh đó, để các bệnh viện vùng cao hoạt động ổn định, hiệu quả cao cần phải có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, nguồn và đào tạo nguồn nhân lực “y tế” cho vùng cao cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện tuyến huyện. Có như vậy mới phần nào đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là đối tượng nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của Trạm Tấu nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
M.H
Các tin khác
YBĐT - Tích cực phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình tham gia công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Quy - Phó chủ tịch Hội CCB phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ luôn nêu cao phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, sống gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hội viên và con cái học tập, noi theo.
YBĐT - Ngày 22/7, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) – Ban vận động Quỹ vì người nghèo đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo” năm 2010; sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011. Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Chung tay xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo năm 2011”
YBĐT - Mô hình "thư viện xanh" của Trường Tiểu học Nam Cường hoạt động từ đầu năm học 2010-2011 với khoảng trên 200 đầu sách.
YBĐT - Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Yên Bái với Viễn thông Yên Bái (VNPT Yên Bái), hội nông dân huyện Yên Bình, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và TP Yên Bái đã phối hợp với VNPT Yên Bái tổ chức 4 lớp tập huấn tin học căn bản cho 200 cán bộ hội nông dân cơ sở.