Số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam còn thấp hơn mức bình quân trong khu vực

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2011 | 2:11:34 PM

Sáng 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Công nhân ngành dệt may thường phải tăng ca để hoàn thành đơn hàng đúng hạn.
Công nhân ngành dệt may thường phải tăng ca để hoàn thành đơn hàng đúng hạn.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đọc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ luật Lao động (sửa đổi) áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: người lao động Việt Nam (bao gồm người làm việc theo theo hợp đồng lao động; người học nghề, tập nghề, người giúp việc gia đình và một số loại lao động khác); người sử dụng lao động; người nước ngoài làm việc cho các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác). 

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã nhấn mạnh một số vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thỏa ước lao động tập thể ngành; về giờ làm thêm; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu; giải quyết tranh chấp lao động.

Về giờ làm thêm, dự thảo quy định theo hướng người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù.  

Dung hòa giữa 2 loại ý kiến về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Chính phủ đề nghị chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ công an nhân dân…

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng khẳng định, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về dự thảo Bộ luật Lao động nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật.

Liên quan đến các nội dung cụ thể trong dự thảo Bộ luật Lao động, Báo cáo cho rằng, cần bổ sung quy định cơ cấu cụ thể của tiền lương cũng như quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động. Đồng thời, cần làm rõ phạm vi tham gia của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương. Báo cáo đặt câu hỏi: “Dự án Bộ luật Lao động vẫn giữ lại quy định về thang lương, bảng lương nhưng bỏ quy định đăng ký mà chỉ sao gửi đến các cơ quan tổ chức liên quan… Cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục giữ quy định này không, quy định này mang lại lợi ích thiết thực gì cho người lao động”?

Cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ về thời gian làm thêm, song Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu bổ sung giới hạn “chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành nghề cụ thể; theo độ tuổi nhất định; có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ”… 

Về thời gian nghỉ thai sản, Thường trực Ủy ban này cho rằng, nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, Hiến pháp tới đây sẽ được sửa đổi, trong đó có nhiều vấn đề về quyền và nghĩa vụ công dân liên quan đến người lao động, do đó, cần nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Lao động với Hiến pháp.

Về thỏa ước lao động, ông Phan Trung Lý cho biết, các nước thường có thỏa ước  mẫu, các doanh nghiệp căn cứ vào đó để lập thỏa ước phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. “Không nên có thỏa ước áp dụng chung cho cả một ngành, vì mỗi doanh nghiệp vẫn có những đặc thù khác nhau”, ông nói. Ông Phan Trung Lý cho rằng, không nên quy định tăng giờ làm thêm, hạn chế việc sử dụng lao động tùy tiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành quan điểm của ông Phan Trung Lý về thỏa ước lao động tập thể mẫu. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển đồng tình “nới” rộng thời gian làm việc ngoài giờ. Liên quan đến Quỹ quốc gia về việc làm, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ nguyên tắc xây dựng, sử dụng quỹ để không trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm… “Cứ sinh ra một quỹ là nảy sinh rất nhiều vấn đề”, ông bình luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu câu hỏi: nên chăng Bộ luật Lao động có thể quy định thêm một ngày nghỉ Tết âm lịch. “Hiện nay số ngày nghỉ dịp này là 4 ngày, thường “kẹp” một ngày đi làm vào giữa kỳ nghỉ. Ngày đó cũng rất ít cơ quan đơn vị làm việc thực chất”.

 Ban soạn thảo Bộ luật Lao động cho biết chưa đưa vấn đề này vào dự thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từng chủ trì Ban soạn thảo Bộ luật với tư cách  Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tán đồng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội và cung cấp thêm thông tin, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Lực lượng Cảnh sát cơ động thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

YBĐT - Những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn được giữ vững. Thành tích chung đó có sự góp sức rất lớn của các tổ chức đoàn thể.

Cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Đào Minh)

YBĐT - Luật BHYT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2009. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được hưởng quyền lợi từ quỹ BHYT, người nghèo được khám, chữa bệnh kịp thời và chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.

YBĐT - Được thành lập tháng 6/2011, Khoa Vô sinh thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Yên Bái với những trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đã mang lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục