Thi hành án dân sự ở Yên Bình: Nỗ lực giảm án tồn đọng

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2011 | 9:42:30 AM

YBĐT - Theo Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Bình, trung bình mỗi năm án mới thụ lý trên địa bàn phải thi hành trên 300 vụ việc các loại.

Đó là con số không hề nhỏ và đơn giản bởi có những việc đối tượng phải thi hành án lại ở địa bàn các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tích Cốc… cách xa trung tâm huyện tới 100 km. Việc chấp hành viên phải xuống cơ sở tìm gặp đương sự quả là những câu chuyện dài không mệt mỏi.

Là huyện vùng thấp, nhưng Yên Bình có địa bàn khá rộng tới 24 xã và 2 thị trấn. Những năm gần đây, cùng với việc phát triển khá nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội, công tác án dân sự cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp với nhiều nội dung khác nhau như: tranh chấp đất đai, phân chia tài sản trong hôn nhân gia đình, ma túy, đánh bạc, mua bán người, trộm cắp tài sản… ngày càng tăng cả về số việc và tiền.

Với chức năng là thi hành các bản án đã có quyết định hiệu lực của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, mặc dù chỉ có 11 cán bộ biên chế nhưng trung bình mỗi năm một chấp hành viên thi hành từ 90 đến 130 vụ việc, đây là con số không nhỏ bởi huyện Yên Bình có những xã cách trung tâm huyện tới 100 km như: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tích Cốc, Cảm Nhân…. 

Có những trường hợp sau khi hết thời gian cải tạo tại trại giam, không về sống với gia đình, bỏ đi nơi khác sinh sống không có địa chỉ, đối tượng phải thi hành án không có việc làm và thu nhập ổn định, không có tài sản… đang là những vấn đề đối với các cơ quan thi hành án hiện nay.

Năm 2011, tổng số án tồn đọng của các năm trước chuyển sang và án mới phải thi hành lên tới 416 việc, với số tiền trên 1 tỷ 815 triệu đồng. Đến thời điểm này, với nỗ lực cố gắng của các chấp hành viên, chúng tôi đã giải quyết xong hoàn toàn 301 việc, bằng trên 346 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục cũng đình chỉ 4 việc với số tiền gần 10 triệu đồng, miễn giảm 3 việc trên 15 triệu đồng, trả đơn 7 việc trên 561 triệu đồng và ủy thác 14 việc trên 57 triệu đồng.

Đồng chí Trần Thế Hùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện cho biết: “Cán bộ xuống cơ sở tìm gặp đương sự, luôn có sự phối hợp với cán bộ chính quyền địa phương và công an viên, do vậy cũng hạn chế phần nào hành vi chống đối, chây ỳ. Có cả trường hợp đối tượng sống trên các đảo hồ, anh em cũng phải thuê thuyền máy đến tìm gặp…Hiện nay, mỗi chấp hành viên của huyện thực hiện từ 10 đến 15 ngày đi cơ sở, trong khi đó, công tác phí hỗ trợ cho anh em trung bình 800.000 ngàn đồng/ người/ tháng, phương tiện chủ yếu là tự túc, chỗ ăn, nghỉ chủ yếu là nhờ vào chính quyền địa phương và nhà dân”.

Chấp hành viên Trần Thị Hoa, đã 13 năm gắn bó với nghề, tâm sự: “Nam giới thì còn đỡ, chứ con gái là vất vả lắm. Thường mỗi chuyến đi cơ sở mất 3 ngày, mọi việc gia đình đành thoái thác cho chồng giúp vậy. Mặc dù cũng được ưu tiên các địa bàn gần, nhưng trung bình 1 năm cũng đến 100 việc. Nhiều khi xuống cơ sở tìm gặp đương sự đã khó, mà thuyết phục họ thực hiện theo quyết định của tòa án lại càng khó hơn. Nhiều trường hợp thấy cán bộ thi hành án xuống là họ bỏ chốn, người nhà thì thoái thác trách nhiệm không thanh toán, có trường hợp tòa án xử xong là họ tẩu tán ngay tài sản, hay gia đình đương sự không có tài sản để thi hành… Đây là những khó khăn rất lớn cho công tác thi hành án”.

Từ năm 1997 đến nay, Yên Bình còn 57 việc với số tiền trên 735 triệu đồng không có điều kiện thi hành. Điển hình như vụ việc của đối tượng Nông Thị Thanh, trú tại thôn Tân Lập, xã Bảo Ái. Đối tượng phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy từ năm 1999, với số tiền phạt 20 triệu 050 ngàn đồng.

Hiện Thanh không có khả năng lao động, gia đình đặc biệt khó khăn. Một số trường hợp khác ở các xã Xuân Lai, Cảm Nhân, Phúc An, nợ tiền của Công ty VinaShin, từ tiền dự án trồng cà phê của những năm trước đây. Theo Luật Thi hành án, cơ quan thi hành án không được phép cưỡng chế. Lợi dụng kẽ hở này, tiền án phí, tiền bồi thường trả nợ nhiều vụ việc không thu hồi được, dẫn đến tình trạng cơ quan thi hành án đành phải trả đơn yêu cầu thi hành án.

Để giảm thiểu số việc và tiền tồn đọng, Chi cục THADS huyện Yên Bình, tiếp tục phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương đôn đốc đối tượng thi hành án cơ sở. Đơn vị cũng mong muốn được bổ sung kinh phí, mở rộng, nâng cấp trụ sở làm việc, xây kho vật chứng… để thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thạch Phong

Các tin khác
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

YBĐT - Việc ký kết chương trình phối hợp với 17 sở, ban, ngành của BHXH tỉnh Yên Bái trong hơn 10 năm qua đã tạo được sự đồng thuận khá cao trong quá trình triển khai nhiệm vụ đặc biệt trong công tác kiểm tra, thanh tra.

Nhân dân xã Đại Phác (Văn Yên) thu hoạch quế.

YBĐT - Xã Đại Phác (Văn Yên) được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của tỉnh Yên Bái. >>>

Làm cầu về bản.
(Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Là địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng thuốc phiện, di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép... Song, các già làng, trưởng bản đã cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thường xuyên vận động con cháu yên tâm sản xuất, không vào rừng, không di cư theo lời một số phần tử xấu, gặp gỡ dụ dỗ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt Quy hoạch Phát triển chế biến thuỷ sản toàn quốc đến năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục