Mùa xuân Đông Hồ
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:38:51 PM
YBĐT - Cứ mỗi độ xuân về, những làn gió xuân ấm áp xua đi cái lạnh của mùa đông buốt giá, tôi lại muốn đến với vùng Đông hồ thơ mộng để không chỉ được nghe câu hát Sình ca, của người Cao Lan, được đắm mình trong những điệu dân ca, dân vũ của người Tày mà còn thấy được sự đổi thay từng ngày ở vùng đất được mệnh danh là cái rốn của đói nghèo.
Thiếu nữ Dao vùng đông hồ chuẩn bị cho ngày hội xuân.
(Ảnh: Vũ Chiến)
|
Con đường đông hồ như một dải lụa mềm uốn lượn ven hồ Thác Bà. Nhớ lại ngày trước khi chưa có con đường này, gần như 100% các hộ dân nơi đây thuộc diện đói nghèo. Những cư dân của vùng đất này phần nhiều chuyển từ vùng hồ lên nhường đất xây Thủy điện Thác Bà cho Tổ quốc. Đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày, Cao Lan nơi đây cũng cần cù lao động như người Thái, người Dao của các vùng quê khác nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả.
Để biến tiềm năng thành lợi thế, với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, huyện Yên Bình đã xây dựng nhiều nghị quyết nhằm phát huy nội lực của mảnh đất nhiều tiềm năng này. Từ giao đất giao rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho tới phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Từ thâm canh tăng năng suất, đưa các loại giống mới vào sản xuất, làm vụ đông cho đến mở rộng diện tích chăn nuôi thủy sản tận dụng diện tích mặt nước hồ Thác Bà.
Hơn mười năm qua, vùng đất này đã chuyển mình, trụ sở trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố hóa đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên con đường êm thuận là những đoàn xe nối đuôi nhau hối hả chở gỗ rừng trồng về xuôi, chở sắn đến các nhà máy nhiều ngôi nhà khang trang mới mọc lên cũng đủ thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này.
Đi giữa mùa xuân đầy sức sống, qua những cánh đồng đang chuẩn bị bước vào vụ mới, đến với xã Phúc Ninh, vùng đất từng được gọi là “ốc đảo của đói nghèo”, sau cái bắt tay thật chặt, Chủ tịch UBND xã Mông Văn Quảng phấn khởi cho biết: “Vài năm trước, muốn đến được đây chỉ có thể đi bằng thuyền.
Nhờ có vốn đầu tư của Nhà nước mà nay Phúc Ninh đã có đường đến trung tâm xã, đến các thôn, bản thuận lợi. Có đường, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Con em của đồng bào dân tộc ngày trước chỉ học để biết đọc, biết viết đã khó thì nay đã có mặt tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm, y dược, nông lâm rồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Năm tới sẽ phải trồng thêm vài chục ha keo, bồ đề nữa, rồi phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ để người dân tăng thêm thu nhập chứ không thể dựa vào đánh bắt mãi được”. Năm nay bước sang tuổi 80 tuổi nhưng cụ Hà Kim Cẩn ở thôn Làng Nồi vẫn còn rất minh mẫn. Cụ vui mừng chia sẻ: “Ngày xưa nơi đây nghèo lắm, gần như mọi nhà đều thuộc diện đói nghèo, lo ăn từng bữa.
Thế rồi từ ngày con đường mở ra, lại được Nhà nước quan tâm, cho điện đến nhà, cho trạm xá khám bệnh lúc ốm đau, cho cán bộ hướng dẫn dân sản xuất nên mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Lúa, ngô ăn không hết bán đi mua những đồ dùng tiện nghi sinh hoạt đắt tiền phục vụ cuộc sống. Bây giờ, hầu như nhà nào cũng có xe máy để xuống chợ Ngọc sắm tết, có tivi để xem thông tin bà con khắp nơi gần xa đón tết cổ truyền như thế nào, trẻ con được đi học thêm nhiều cái chữ sáng cái dạ. Tất cả là nhờ ánh sáng của Đảng”.
Chúng tôi ngược đèo Tán Sính, con đèo mà theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là “quên hết mọi ưu phiền” để đến với xã vùng sâu Ngọc Chấn. Từ lưng chừng đèo phóng tầm mắt ra xa có thể thấy vẻ đẹp quyến rũ một vùng non nước bao la. Mặt nước hồ trong xanh với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, những làn gió mát rượi, trong lành khiến lòng người dịu lại và mọi mệt mỏi đều tan biến.
Ngọc Chấn hôm nay, những cánh rừng trọc ngày nào đã xanh trở lại nhờ chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước, nhờ bàn tay lao động của đồng bào người Dao, người Nùng nơi đây. “Chỉ có 139 ha lúa hai vụ nhưng người dân Ngọc Chấn đã phát huy thế mạnh trồng thêm nhiều rừng để có thể thoát nghèo.
Hiện, toàn xã đã có hơn 3.700 ha rừng, nhiều gia đình có trong tay hàng chục ha rừng như ông Đặng Văn Vinh 20 ha, Hoàng Văn Phong 10 ha...Tận dụng lợi thế sẵn nguyên liệu, nhân dân trong vùng còn đầu tư luôn máy bóc làm xưởng chế biến gỗ rừng trồng nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động. Đời sống khá dần lên, đường về các thôn bản ngày nào gập ghềnh khó đi thì nay đường bê tông, đường cấp phối đã nối liền thôn, liền bản. Mấy năm nữa thôi, Ngọc Chấn sẽ khác nhiều lắm đấy” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Huấn cho biết.
Một mùa xuân nữa lại về, các bản làng của người Tày, người Nùng, người Dao từ Xuân Long, Cảm Nhân, Tích Cốc tới Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên đều nhộn nhịp chuẩn bị đón tết. Trên cánh đồng xanh mướt màu mạ non là đàn trâu đang đủng đỉnh gặm cỏ, những đàn cò trắng sải cánh bay trong nắng sớm. Một vùng Đông hồ rộng lớn đang rộn ràng vào xuân.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Nói đến “lính trinh sát”, ai cũng ngưỡng mộ và thán phục. Mỗi dịp chứng kiến Đại đội Trinh sát 20 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tôi lại được biết thêm nhiều “biệt tài” của họ… Không những giỏi về võ thuật với những đường quyền, thế võ điêu luyện, mà cánh lính trinh sát còn giỏi trong bám nắm địa bàn, khéo khi dân vận, được nhân dân quí mến.
YBĐT - Khi những cành đào hồng, mận trắng đua nhau bừng nở sáng rừng, những cánh én chao liệng trên tầng không cao vút, cây cối nhú chồi non lộc biếc … là lúc mùa xuân đã về. Người ta thường nói, mùa xuân là mùa của tình yêu, của những ngày hội hát kéo dài tưởng chừng không bao giờ dứt.
YBĐT - Những đứa trẻ đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, mỗi em có một hoàn cảnh riêng, em thì mồ côi cha, em không may mất mẹ, em thì bất hạnh hơn khi không có cả hai đấng sinh thành... Bởi thế, tình cảm gia đình, bàn tay chăm sóc của cha mẹ luôn là điều mà mỗi đứa trẻ ở đây luôn khát khao. Dẫu đã có một mái nhà chung là Trung tâm thì tết đến vẫn không khiến các em khỏi chạnh lòng.
YBĐT - Đón xuân mới, đồng bào Tày ở Kiên Thành, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh (Trấn Yên), Lâm Thượng, Tân Phượng, Mường Lai (Lục Yên), Đại Phác, Yên Phú, Đông Cuông (Văn Yên)... góp thêm một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống để cùng vui tết cổ truyền của dân tộc.