Đồng bào Tày vui tết cổ truyền
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:27:49 PM
YBĐT - Đón xuân mới, đồng bào Tày ở Kiên Thành, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh (Trấn Yên), Lâm Thượng, Tân Phượng, Mường Lai (Lục Yên), Đại Phác, Yên Phú, Đông Cuông (Văn Yên)... góp thêm một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống để cùng vui tết cổ truyền của dân tộc.
Từ bao đời nay, sau khi ăn rằm tháng bảy, đồng bào Tày lại chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của dân tộc. Hộ khá giả chuẩn bị một con lợn khoảng 50 - 80 kg, trên 20 kg gạo nếp và 2 - 3 đôi gà. Hộ bình thường chuẩn bị con lợn 20 - 40 kg hoặc chung với các gia đình khác, gạo nếp gói bánh ít nhất 7 - 10 kg. Tầm 20 đến 25 tháng chạp, đồng bào vào rừng lấy lá dong, lá chít để gói bánh. Khoảng 25 đến 30 tháng chạp là đồng bào mổ lợn, mổ gà ăn tết.
Tết của đồng bào Tày có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh nẳng, rượu, mứt tết... Bánh chưng của người Tày gói một mặt hơi dẹt (bánh gù), còn bánh nẳng được gói bằng lá chít hoặc lá dong, chỉ to hơn ngón tay cái chút ít. Mổ lợn ăn tết, nhà ông bà, bố mẹ sẽ mổ trước, con cháu đến cùng gói bánh, thổi xôi, mổ gà làm một mâm cơm để cúng tổ tiên và chuẩn bị chừng dăm, bảy mâm mời anh em, họ hàng, thông gia, con cháu.
Trước khi mời khách uống rượu, chủ nhà sắp mâm cơm có một con gà luộc, thịt lợn, xôi trắng, hương hoa, mứt... đặt lên bàn thờ thắp hương mời tổ tiên: “Năm cũ đã hết, chuẩn bị đón xuân mới, gia đình mổ lợn, gà, nấu xôi, kính mời tổ tiên về ăn tết, phù hộ cho con cháu trong gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, đi lại may mắn...”.
Cúng xong, chủ nhà để nguyên mâm cúng trên bàn thờ và cho phép con cháu sửa soạn mâm cơm mời khách. Sau bữa cơm tết ở nhà ông bà, bố mẹ, các gia đình lần lượt làm cơm cúng tổ tiên và mời ông bà, bố mẹ, thông gia, anh em, hàng xóm ăn tết đến chiều tất niên. Sau đó, nhà nào nhà nấy chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa.
Bà Hoàng Thị Mọi, 78 tuổi ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông (Văn Yên) cho biết: “Tối 30 tết, sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, chủ nhà đổ hết nước cũ đựng trong các vại, máng. Đón giao thừa xong rồi đi ngủ, khoảng 4 - 5 giờ sáng, chủ nhà dậy thắp ba nén hương trên bàn thờ rồi lấy một nén hương, ít tiền vàng đem ra máng lần dẫn nước từ đầu nguồn về nhà, cắm hương xuống cạnh máng nước khấn: “Hôm nay là mùng một tết, con ở dưới trần gian, xin nước năm mới để nấu ăn, uống gặp nhiều may mắn...”. Xin xong, chủ nhà đốt tiền vàng và đem nước về nấu cơm, đun nước, sắp mâm cơm cúng”.
Sáng ngày mồng một tết, con cháu dậy làm cơm cúng tổ tiên rồi cả gia đình cùng nhau mang rượu, mứt, bánh chưng, gà, thịt lợn đến tết ông bà, bố mẹ đẻ, bố mẹ bên vợ hoặc chồng. Buổi chiều, mọi người mới bắt đầu tham gia các trò chơi vui xuân của địa phương tổ chức như: ném còn, chơi quay, đánh cầu lông gà, bóng đá, bóng chuyền, hát coọi, then, giao duyên... Trò chơi ném còn bao giờ cũng sôi nổi, hấp dẫn, thu hút rất nhiều già, trẻ, nam, nữ thanh niên tham gia. Người chơi đứng thành vòng và lần lượt ném, ai ném còn qua vòng tròn sẽ được thưởng. Hoặc có thể chia thành các đội chơi, mỗi thành viên trong đội được ném 1 - 3 lần, đội nào ném trúng đích nhiều hơn là thắng cuộc.
Đồng bào Tày vui tết đến hết ngày mồng ba là nhà nhà lại cùng nhau xuống đồng, lên rừng, thi đua lao động, sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất hơn năm trước để có điều kiện cho các con học tập, xây dựng cuộc sống no ấm hơn. Suốt 12 tháng trong năm như vậy rồi cuối năm, các gia đình lại sum họp, vui vầy đón xuân mới.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Thành phố Yên Bái đón xuân tưng bừng, rộn rã, trăm hoa khoe sắc, lòng người phơi phới niềm tin - đó là thành quả của những người công nhân áo xanh đã và đang cố gắng để thành phố khoác lên mình chiếc áo mùa xuân lộng lẫy đa sắc màu. Những công nhân ấy đã thầm lặng góp phần làm đẹp mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người.
YBĐT - Giống như một bức tranh tuyệt đẹp về làng quê Việt Nam, ở Cang Nà có sự đan xen, gắn kết hài hòa giữa lúa và hoa. Những đồng lúa thẳng tắp xen lẫn vườn hoa muôn sắc không những giúp cho cuộc sống của 96 hộ dân nơi đây ấm no mà còn làm đẹp thêm cho cảnh vật xóm làng.
YBĐT - Sáng 19/1, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012.
YBĐT - Là xã có địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất đầu tư không đồng bộ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác y tế trên địa bàn xã. Song vượt lên những khó khăn đó, Trạm Y tế xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên luôn nỗ lực để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.