Nồng ấm tình thương
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:32:54 PM
YBĐT - Những đứa trẻ đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, mỗi em có một hoàn cảnh riêng, em thì mồ côi cha, em không may mất mẹ, em thì bất hạnh hơn khi không có cả hai đấng sinh thành... Bởi thế, tình cảm gia đình, bàn tay chăm sóc của cha mẹ luôn là điều mà mỗi đứa trẻ ở đây luôn khát khao. Dẫu đã có một mái nhà chung là Trung tâm thì tết đến vẫn không khiến các em khỏi chạnh lòng.
Các cô hướng dẫn các cháu bày mâm ngũ quả đón tết.
|
Thấu hiểu điều đó, cứ mỗi năm vào dịp Tết đến xuân về, các cơ quan, doanh nghiệp, những Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm lại tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiết thực chăm lo, bù đắp một phần cho những số phận thiệt thòi này. Sự chia sẻ ấy đã mang đến cho các em một mùa xuân ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh ngày cuối năm, không khí chuẩn bị đón tết thật rộn ràng. Từ cụ già 80 tuổi cho đến em nhỏ 4, 5 tuổi, tất cả đang cùng cán bộ Trung tâm mổ lợn, chẻ lạt, rửa lá dong, quét dọn nhà cửa, trang trí hội trường… chuẩn bị đón tết. Để các cụ già, em nhỏ có được một cái tết đầy đủ, ấm cúng, công đầu phải dành cho hơn 20 cán bộ làm công tác quản lý và chăm sóc các đối tượng nơi đây. Ngày thường, công việc của họ đã rất bận rộn, ngày tết càng tất bật hơn.
10 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng là 10 năm cô Nguyễn Thị Loan đón giao thừa ở Trung tâm. Cô kể: Những năm gần đây, được Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm nên cuộc sống của các cụ, các em khá đầy đủ chứ không vất vả, thiếu thốn như trước. Những ngày tết, ai cũng thèm một mái nhà, một tổ ấm sum vầy, nhất là các cụ già, dù không nói ra nhưng trong sâu thẳm ai nấy đều tủi lòng. Đặc biệt, những ngày cận tết, nhiều em được người nhà đến đón về quê càng làm người ở lại thêm chạnh lòng. Vì thế, những ngày tết, các cán bộ Trung tâm càng phải gắn bó, tâm tình động viên, chia sẻ niềm vui để mỗi người đều cảm thấy Trung tâm thực sự là mái ấm của mình.
Cuối năm, khu bếp của chị nuôi Cù Thị Kim Chung thật nhộn nhịp. Vừa chuẩn bị bữa cơm tất niên, chị Chung cho biết: “Người già hay tủi thân nên chúng tôi cố gắng tạo cho các cụ một không khí đón tết như ở gia đình. Tết đến, các cụ và em nhỏ ở Trung tâm cũng có đầy đủ thịt lợn, dưa hành, bánh chưng xanh…”. Theo chân chị Phạm Thị Làn, cán bộ Phòng Hành chính đi mua quần áo mới cho các cháu mới cảm nhận được tình thương mà các chị dành cho các em nhỏ ở đây. Chị Làn còn nắm được sở thích của từng đứa để chọn những bộ quần áo ưng ý nhất cho chúng diện tết như em Thào thích quần mầu tối, áo len kẻ; em Chừ chỉ thích mặc quần vải nên dẫn đi may; em Tuấn thích quần bò còn các em gái thích quần áo màu sặc sỡ…
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện là ngôi nhà chung của 11 người già neo đơn và 60 trẻ em mồ côi. Tết này, khoảng gần 50% trẻ mồ côi và cả 11 người già ở lại ăn tết. Với những số phận kém may mắn thì Trung tâm không chỉ mang đến niềm vui, hạnh phúc mà còn tương lai cho mỗi cuộc đời. Với các em: Giàng A Chừ, Hờ A Lao, Hờ A Sánh, Giàng Thị Dở, Sùng A Minh, Sùng Thị Mai, Sùng Thị Bê…, Trung tâm đã trở thành tổ ấm của các em.
Chọn bộ quần áo đẹp nhất để đón tết.
Em Giàng A Chừ tâm sự: “Tết ở đây vui lắm vì năm nào chúng em cũng được các cô chú trong Trung tâm, các nhà hảo tâm tặng quà, lì xì… Ở đây, mọi thứ rất đầy đủ, các cô, các chú quan tâm chăm lo chẳng khác gì bố mẹ em khi còn ở nhà”.
Bà Nguyễn Thị Hợi tết này bước sang tuổi 70, đã có 3 năm ăn tết ở Trung tâm, chia sẻ: “Tôi không có con cháu nên Trung tâm đã trở thành nhà của tôi suốt thời gian qua. Ở đây vui lắm, các cô, các chú rất tận tình, chu đáo như những người thân, lũ trẻ nhỏ thì quấn quýt như các cháu trong nhà. Tết đến, tôi cũng có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, kẹo, mứt, quần áo mới …”.
Năm nào, anh Phạm Công Quyết - Giám đốc Trung tâm cũng tham gia mổ lợn, gói bánh chưng ăn tết cùng các thành viên trong Trung tâm. Anh cho biết: Rau, thịt đã sẵn do các em tăng gia để đến ngày 23 tháng Chạp, cả Trung tâm mổ lợn ăn tất niên và gói bánh chưng. Ngoài ra, những em có nguyện vọng về nhà ăn tết hoặc có người nhà đến đón, Trung tâm bố trí xe đưa các em về quê và quà mang về cho gia đình. Những người ở lại, Trung tâm tổ chức đi chơi Tết và tổ chức các trò chơi dân gian, múa hát…
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với tình cảm giữa con người với con người, sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, các tổ chức, những số phận thiệt thòi ở Trung tâm vẫn được sống trong cảm giác thật nồng ấm, đủ đầy và thiêng liêng, ý nghĩa trong giờ khắc chuyển giao sang năm mới. Cuộc sống sẽ tươi đẹp và ý nghĩa biết bao khi xung quanh chúng ta luôn có những tấm lòng biết sẻ chia và nâng đỡ những số phận kém may mắn trong đời...
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Đón xuân mới, đồng bào Tày ở Kiên Thành, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh (Trấn Yên), Lâm Thượng, Tân Phượng, Mường Lai (Lục Yên), Đại Phác, Yên Phú, Đông Cuông (Văn Yên)... góp thêm một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống để cùng vui tết cổ truyền của dân tộc.
YBĐT - Thành phố Yên Bái đón xuân tưng bừng, rộn rã, trăm hoa khoe sắc, lòng người phơi phới niềm tin - đó là thành quả của những người công nhân áo xanh đã và đang cố gắng để thành phố khoác lên mình chiếc áo mùa xuân lộng lẫy đa sắc màu. Những công nhân ấy đã thầm lặng góp phần làm đẹp mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người.
YBĐT - Giống như một bức tranh tuyệt đẹp về làng quê Việt Nam, ở Cang Nà có sự đan xen, gắn kết hài hòa giữa lúa và hoa. Những đồng lúa thẳng tắp xen lẫn vườn hoa muôn sắc không những giúp cho cuộc sống của 96 hộ dân nơi đây ấm no mà còn làm đẹp thêm cho cảnh vật xóm làng.
YBĐT - Sáng 19/1, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012.