Niềm vui ở Xuân Long

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:42:07 PM

YBĐT - Tết này ở thôn Thài Đâng, xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) ai cũng vui, hộ chính sách được Nhà nước quan tâm, nhà nào cũng mổ lợn. Đông con cháu như nhà ông Beng phải mổ lợn ba mươi cân và gói nhiều bánh chưng từ chiều 29 tết.

Ngày hội Lồng tồng của đồng bào Tày Xuân Long.
Ngày hội Lồng tồng của đồng bào Tày Xuân Long.

Đường vào thôn Thài Đâng mùa này nước cạn, đi lại đã dễ dàng hơn. Những cánh rừng trồng trải dọc bên đường đâm chồi, nảy lộc như tô vẽ cho bức thảm xanh những cung bậc sinh sôi. Mỗi lần đường cắt ngang dòng suối, chiếc xe máy nhảy bần bật trên những viên cuội, tiếng máy giòn giã phá tan âm thanh của miền quê núi. Nơi đây những niềm vui nho nhỏ đang được nhen lên giữa vùng đất rộng lớn Xuân Long.

Thài Đâng là thôn khó khăn nhất trong số 11 thôn của xã Xuân Long, huyện Yên Bình. Cán bộ văn hóa xã - Nguyên Ngọc Trường giới thiệu: “Khó bởi ở đây chưa có điện lưới quốc gia, bởi 4 - 5 cây số chưa có đường, đi lại khó khăn vì phải vượt qua hai ngả, rồi ba ngả suối”. Nhưng chính dòng nước từ các ngả hòa vào suối Thài Đâng, suối Lắn đã tạo nên mảnh đất tốt để hình thành cái thôn như vùng “kinh tế mới”.

Đất Thài Đâng hội tụ 46 hộ dân từ các thôn Gò Tràng, Nà Ta, Tiền Phong, Mỏ Phích của xã vào khai hoang cùng mấy hộ người Dao chuyển từ tỉnh Tuyên Quang sang định cư. Đã ba bốn mươi cái tết đi qua với đồng bào Tày, đồng bào Dao trong thôn nhưng tết này hẳn là vui nhất. Vui bởi lẽ không ít hộ đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ những cánh rừng mà họ đã bỏ công sức trong 7 - 8 năm qua. Nhưng hơn cả là niềm vui của gia đình Lý Văn Tài khi đón tết trong căn nhà vững chãi vừa kịp hoàn thành.

Vốn ở đất Hàm Yên, lại là bệnh nhân phong, những tưởng Lý Văn Tài sẽ trở thành người đói khổ nhất nhưng anh đã luôn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và được Nhà nước quan tâm chữa trị khỏi bệnh, lại chăm chỉ làm ăn nên có của ăn của để. Vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vợ chồng anh đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang để đón xuân.

Ngôi nhà sàn 4 hàng chân hướng ra cánh rừng xanh mướt, gần hơn là những thửa ruộng bậc thang lúa vừa bén rễ, nước chảy róc rách hòa lẫn với tiếng hát vang lên từ chiếc máy thu hình. Buổi tối, bếp lửa đun nồi bánh chưng bập bùng làm gương mặt vợ con Lý Văn Tài thêm rạng rỡ. Ánh sáng từ chiếc bóng đèn compac dùng bằng điện nước chưa đủ sáng khắp ngôi nhà nhưng đủ để nhận ra sự hân hoan, phấn khởi của chủ và khách.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Hoàng Văn Quốc và công an viên Hoàng Văn Beng không khỏi vui mừng khi thôn Thài Đâng có 6 hộ làm được nhà mới, trong số đó có bốn nhà “167”, hai nhà được Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ.

Cả xã Xuân Long có 11 hộ làm được nhà mới theo Chương trình 167, Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ 7 gia đình làm nhà mới. Ai dựng nhà thì các hộ dân trong thôn lại cùng nhau mỗi người một tay đến giúp. Người mang đến mười, hai mươi ngàn đồng, người xách đến cân gạo. Nhờ thế mà niềm vui của chủ nhà như được nhen lên, chia đều cho mọi người trong thôn, và ngần ấy ngôi nhà, chắc niềm vui nhân lên gấp bội.

Năm vừa rồi, tất cả các hộ ở thôn Thài Đâng còn được Nhà nước cho tiền xây bể nước, một số hộ được hỗ trợ làm nhà vệ sinh. Xa trung tâm xã nhưng con em đồng bào đến tuổi đi học đều được bố mẹ đưa tới trường và được hưởng chế độ của Nhà nước. Diện tích đất gieo cấy của thôn không nhiều nhưng bà con cũng đủ gạo, đủ sắn cho bữa ăn hàng ngày và phục vụ chăn nuôi. Đáng kể nhất là hộ nào cũng có vài héc-ta rừng, có nhiều rừng như nhà Hà Văn Mạnh cũng hơn chục héc-ta. Những ngôi nhà sàn của đồng bào sẽ vững chãi hơn dưới tán rừng, nguồn nước nhờ thế mà luôn tràn trề theo suối Thài Đâng và suối Lắn hòa dòng, tích lại ở phai Thác Trang đưa nước tưới cho những cánh đồng ở các thôn trong xã và chảy ngược lên Minh Tiến (Lục Yên).

Tết này ở thôn Thài Đâng ai cũng vui, hộ chính sách được Nhà nước quan tâm, nhà nào cũng mổ lợn. Đông con cháu như nhà ông Beng phải mổ lợn ba mươi cân và gói nhiều bánh chưng từ chiều 29 tết. Cả 3.392 hộ dân của xã, trong đó 85% là đồng bào Tày, còn lại là người Kinh, Dao và Mông mong tiết xuân thuận lợi để 129 ha lúa sinh trưởng tốt, để vụ trồng rừng mùa xuân số cây sống đạt cao. Ngoài tích cực thâm canh 2 vụ lúa, hàng năm bà con đã trồng được 25 ha ngô đông, 30 - 40ha cây màu.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã - Thang Xuân Tinh nói nhiều về hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương, cơ sở hạ tầng của xã, việc chăm lo đời sống cho những hộ đặc biệt khó khăn trong dịp tết. Rồi chuyện những hộ dân ở thôn Ngòi Lẵn, thôn Tiền Phong xây được nhà to nhờ rừng và khẳng định: “Kinh tế rừng mang tính chiến lược ở Xuân Long”.

Bí thư Tinh hy vọng, trong năm mới này, rừng sẽ giúp địa phương giảm đi nhiều hơn trong số bốn chục phần trăm hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Giảm nghèo, để có thêm những ngôi nhà xây kiên cố, để những ngôi nhà nhỏ nhen lên niềm vui lớn cho người dân ở Thài Đâng và nhiều thôn khác của Xuân Long.

Quang Tuấn

Các tin khác
Thiếu nữ Dao vùng đông hồ chuẩn bị cho ngày hội xuân.
 (Ảnh: Vũ Chiến)

YBĐT - Cứ mỗi độ xuân về, những làn gió xuân ấm áp xua đi cái lạnh của mùa đông buốt giá, tôi lại muốn đến với vùng Đông hồ thơ mộng để không chỉ được nghe câu hát Sình ca, của người Cao Lan, được đắm mình trong những điệu dân ca, dân vũ của người Tày mà còn thấy được sự đổi thay từng ngày ở vùng đất được mệnh danh là cái rốn của đói nghèo.

Chiến sỹ Đại đội 20 huấn luyện võ chiến đấu.   (Ảnh: Đức Dũng)

YBĐT - Nói đến “lính trinh sát”, ai cũng ngưỡng mộ và thán phục. Mỗi dịp chứng kiến Đại đội Trinh sát 20 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tôi lại được biết thêm nhiều “biệt tài” của họ… Không những giỏi về võ thuật với những đường quyền, thế võ điêu luyện, mà cánh lính trinh sát còn giỏi trong bám nắm địa bàn, khéo khi dân vận, được nhân dân quí mến.

YBĐT - Khi những cành đào hồng, mận trắng đua nhau bừng nở sáng rừng, những cánh én chao liệng trên tầng không cao vút, cây cối nhú chồi non lộc biếc … là lúc mùa xuân đã về. Người ta thường nói, mùa xuân là mùa của tình yêu, của những ngày hội hát kéo dài tưởng chừng không bao giờ dứt.

Các cô hướng dẫn các cháu bày mâm ngũ quả đón tết.

YBĐT - Những đứa trẻ đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, mỗi em có một hoàn cảnh riêng, em thì mồ côi cha, em không may mất mẹ, em thì bất hạnh hơn khi không có cả hai đấng sinh thành... Bởi thế, tình cảm gia đình, bàn tay chăm sóc của cha mẹ luôn là điều mà mỗi đứa trẻ ở đây luôn khát khao. Dẫu đã có một mái nhà chung là Trung tâm thì tết đến vẫn không khiến các em khỏi chạnh lòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục