Cảnh giác cao với bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2012 | 3:09:29 PM

YBĐT - Ngay sau khi có thông báo của Bộ Y tế về tình hình và diễn biến của bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra, ngành y tế Yên Bái nói chung và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nói riêng đã nhanh chóng cập nhật toàn bộ kiến thức, lập kế hoạch phòng chống và triển khai tới các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Xét nghiệm bệnh phẩm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
Xét nghiệm bệnh phẩm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Theo Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2001- 2011, trung bình ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu mỗi năm, chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc. Bệnh có xu hướng giảm, song từ năm 2006 đến nay, đặc biệt là năm 2011 đã ghi nhận 305 trường hợp mắc và có 4 trường hợp tử vong. Đồng thời nhận định nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết: “Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitides không phải là một dịch bệnh mới mà nó đã xuất hiện tại Yên Bái từ đầu những năm 2000. Vi khuẩn não mô cầu sống cộng sinh trong cổ họng con người, là bệnh thuộc đường hô hấp lây từ người qua người. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng yếu. Triệu chứng chính của bệnh thường là sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ. Bệnh này rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm tỷ lệ tử vong sẽ rất cao (trên 50%)”.

Ngoài ra, trong khả năng ít hơn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh có miễn dịch với vi khuẩn màng não cầu týp huyết thanh, tuy nhiên thời gian miễn dịch không dài, khoảng 2-3 năm, người đó vẫn có thể tái nhiễm hoặc nhiễm một týp vi khuẩn khác.

Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp, gây ra tình trạng viêm mũi họng, người bệnh ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu có thể bị co giật, có biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm... Từ đường hô hấp trên, vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào máu qua hệ bạch huyết, vào khoang não tủy hoặc một số cơ quan khác như khớp, màng tim... gây viêm, đau ở các cơ quan này.

Viêm màng não mô cầu (VMNMC) xuất hiện ở tất cả các vùng miền của nước ta, chủ yếu là miền Bắc, nhất là vào mùa đông xuân và cuối thu đầu đông, do thời tiết lạnh ẩm đi cùng với mùa của những bệnh truyền nhiễm khác do vi khuẩn và virut. Tuy số mắc viêm màng não có phần tăng cao trong cả nước thời gian qua nhưng chưa phát thành dịch, do hầu hết các ca bệnh có tính tản mát địa phương. Riêng số mắc VMNMC chỉ vài trường hợp. Điều này càng xác định rõ hơn viêm não nói chung và VMNMC nói riêng chưa xuất hiện thành dịch.

Nguyên nhân của sự gia tăng bệnh trong thời gian gần đây chủ yếu do thời tiết khí hậu đông xuân năm nay có nhiều điểm bất thường không có lợi cho sức khỏe con người. Miền Nam đang ở mùa khô nhưng sau tết xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Hơn thế nữa, đây là thời điểm có sự biến động dân cư cao giữa các vùng miền vì lễ hội, du lịch...

Trước nguy cơ lây lan rộng và lớn tới cộng đồng, ngay sau khi có thông báo của Bộ Y tế về tình hình và diễn biến của bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra, ngành y tế Yên Bái nói chung và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nói riêng đã nhanh chóng cập nhật toàn bộ kiến thức, lập kế hoạch phòng chống và triển khai tới các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh; đặc biệt chú trọng công tác xét nghiệm để phát nuôi cấy, phân lập vi khuẩn não mô cầu; đồng thời đã chuẩn bị mọi công tác phòng chống như hóa chất, công tác dự phòng chuẩn bị sẵn sàng trước mọi diễn biến của bệnh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và phân công theo dõi, chỉ đạo công tác giám sát xuống cơ sở; các trường hợp có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ phải ngay lập tức báo cáo để kịp thời ngăn chặn...

Đối với người dân, phải duy trì nếp sống vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ, vì tác nhân gây viêm màng não có thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hay tiếp xúc với đồ vật nhiễm khuẩn. Riêng đối với VMNMC, ngoài biện pháp giữ vệ sinh môi trường thường xuyên thông thoáng, nhiều ánh sáng, cần duy trì vệ sinh răng miệng, hầu, họng. Khi bị viêm đường hô hấp trên có các biểu hiện của VMNMC, cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế. Nếu trong tập thể xuất hiện VMNMC được xác định, cần hạn chế tụ họp, mọi người thực hiện đeo khẩu trang phòng bệnh. Ngoài ra có thể tổ chức uống kháng sinh dự phòng khẩn cấp theo chỉ định của bác sĩ.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Lãnh đạo Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Yên Bái giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại huyện Yên Bình.

YBĐT - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác dân tộc đã được Văn Chấn (Yên Bái) triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trấn Yên kiểm tra, điều trị cho các cháu mắc bệnh tay, chân, miệng.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Năm 2011, trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phát hiện mới 39 trường hợp nhiễm HIV. Để từng bước giải quyết tình trạng này, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh công tác truyền thông để cộng đồng xã hội nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh HIV/AIDS.

Hiện đội ngũ bác sỹ các khoa, phòng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm chủ được các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến.

YBĐT - Đề án 1816 được thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua đã góp phần giảm tải được gần 20% cho các bệnh viện tuyến trên và đang dần đạt đến những mục tiêu mà Đề án đặt ra.

Chiều 16.2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã xác nhận ca nhiễm cúm A/H3N2 đầu tiên tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục