Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các trường ĐH-CĐ
- Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2012 | 8:15:19 AM
Sáng 7.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giao lưu trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành GD-ĐT đang chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo ở các trường ĐH-CĐ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Tự chủ đào tạo ĐH-CĐ
Nhiều ý kiến trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt vấn đề, hiện nay số trường ĐH được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Như vậy, việc “thả nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về tài chính lẫn nhân sự, chuyên môn liệu có thỏa đáng? Đặc biệt, mới đây nhất là những sai phạm của Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) đã làm xôn xao dư luận.
|
Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các trường ĐH-CĐ. Trong năm 2011, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua. Đồng thời, các đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT vẫn đang thanh tra, kiểm tra các trường ĐH-CĐ, đợt này tiến hành với 80 trường.
Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đã có cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu các trường còn thiếu điều kiện, quyết định dừng tuyển sinh với trường vi phạm nghiêm trọng.
“Chúng tôi đang triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trong đó có các trường ngoài công lập”, Bộ trưởng khẳng định.
Mặt khác, ông Luận cho biết, khác với phổ thông, các trường giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau, nên có tự chủ cao hơn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT chủ trương đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực từng trường.
|
Đồng thời, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, các trường hoạt động tốt, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm trong kiểm định chất lượng giáo dục.
Dự án Luật Giáo dục Đại học có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường đại học.
Cụ thể, với những trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế thì không được tự thẩm định chương trình giảng dạy mà phải mang đến các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do Bộ GD-ĐT chỉ định để được hướng dẫn.
Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này vẫn do Bộ GD-ĐT quyết định.
Các trường lớn có thể tự xem xét việc mở ngành tuyển sinh, đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT vẫn thẩm định.
Nhiều ưu tiên cho ngành xã hội cần, nhân lực thiếu
Trong buổi giao lưu, người đứng đầu Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, hiện nay, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Mất cân đối trong ngành nghề đào tạo.
Vì vậy, sinh viên học các ngành xã hội đang cần mà nguồn nhân lực lại thiếu cũng có nhiều chính sách ưu tiên trong học tập, đặc biệt là với ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm.
Sinh viên sư phạm được miễn học phí.
|
Đối với giáo viên, Bộ GD-ĐT có phụ cấp thâm niên đối với các giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, có phụ cấp đứng lớp. Giáo viên hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, có phụ cấp thu hút cao nhất lên tới 70%. Các giáo viên giảng dạy trường chuyên biệt cũng có phụ cấp để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục
Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, Bộ GD-ĐT có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi ĐH vào những ngành gần với môn học mà học sinh đạt giải.
Học phí của khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp được xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả ngành học.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư về điều kiện đảm bảo sinh hoạt ăn ở, học tập nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang quy hoạch nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó gắn việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, xã hội về nguồn nhân lực. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ thông tin để nhân dân, học sinh, sinh viên có điều kiện tham khảo, lựa chọn ngành nghề.
Không tuyển sinh khối H1
Về khối thi, năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ bổ sung khối A1 với ba môn thi toán, lý, Anh văn. Bộ GD-ĐT không bổ sung thi khối H1. "Vừa rồi, Trường ĐH kiến trúc TP.HCM có đề nghị bổ sung thi khối H1 nhưng hiện nay, khối này không có trong danh mục các khối thi đã công bố", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
|
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Thí sinh “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng” Trước kỳ thi ĐH-CĐ 2012, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhắc nhở các thí sinh: Kỳ thi ĐH là một kỳ thi quan trọng, chúng ta phải cố gắng phấn đấu. Nhưng trước hết chúng ta phải đánh giá bản thân thật khách quan, như người xưa nói là “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu hiện thực. Nếu mục tiêu quá thấp thì không có động lực phấn đấu, mục tiêu quá cao thì sẽ trở thành viễn vông, nếu thất bại sẽ tự mình tạo ra khủng hoảng… Sau khi lựa chọn, phải hết sức bình tĩnh, tự tin và có kế hoạch khoa học để triển khai việc học, các công việc khác, dù căng thẳng hơn bình thường nhưng cũng không nên quá gay gắt. Vào ĐH là một niềm phấn khởi của thí sinh, của gia đình, nhưng đó không phải là niềm vui, con đường duy nhất. Có nhiều cách thức để đạt thành công, chúng ta có thể lựa chọn con đường thông minh nhất vừa phù hợp với bối cảnh chung của đất nước, điều kiện riêng của bản thân, có đóng góp cho gia đình, cho bố mẹ và cho xã hội. |
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Khoảng 19 giờ, ngày 6/3, tại bản Thác Hoa 1, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) và thôn Suối Xuân, xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) đã xảy ra vụ cháy rừng.
YBĐT - Ở Chi hội Phụ nữ thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), chị em hội viên đã chọn nghề học nấu ăn nâng cao tay nghề để có nguồn thu phụ giúp gia đình và bằng đức tính hay lam hay làm của phụ nữ nông thôn họ đã khẳng định được sự khéo léo của mình như những đầu bếp thực thụ.
YBĐT - Hiện nay, vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ tỉnh Yên Bái hăng hái thi đua hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Sáng nay, 7-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã chủ trì Lễ công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.