Dạy mầm non ở Bản Mù
- Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2012 | 9:59:19 AM
YBĐT - Dạy học ở huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) giờ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều bởi đường sá đi lại dễ hơn, trường học khang trang, đời sống sinh hoạt khá thuận tiện, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục khiến bà con người Mông quan tâm đến sự học của con cái...
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Bản Mù.
|
Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với các thầy cô dạy từ bậc tiểu học trở lên, còn dạy ở bậc học mầm non thì sự vất vả như được nhân lên gấp bội. Các cô giáo mầm non ở xã Bản Mù là những ví dụ điển hình.
Giáo dục mầm non trong nhiều năm qua được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Trạm Tấu. Lí giải về vấn đề này, lãnh đạo địa phương cho rằng, đặc thù của Trạm Tấu là nơi có tới trên 90% đồng bào Mông sinh sống nên muốn chất lượng giáo dục bền vững thì trẻ em phải được quan tâm ngay từ bậc học mầm non. Bởi lẽ, trẻ em ở độ tuổi này đi học còn là cơ hội để các em được chăm sóc về thể lực và trí lực. Trẻ đến trường cũng là đến với môi trường thuận lợi giúp các em học tiếng phổ thông và làm quen với lượng kiến thức lớn.
Xuất phát từ những yêu cầu mang tính đặc thù này, huyện Trạm Tấu đã thu hút số lượng lớn cô giáo trẻ từ miền xuôi, từ các tỉnh lân cận lên dạy học mầm non. Trường Mầm non xã Bản Mù có hơn 2 mươi giáo viên thì có 7 cô đến từ huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), còn lại hầu hết là đến từ huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh Phú Thọ... Các cô tâm sự, dạy học mầm non ở đây khác với vùng thấp nhiều lắm. Những đứa trẻ ở vùng thấp khi đến trường đều được cha mẹ lo lắng cho tươm tất mọi thứ. Ngược lại, ở vùng cao, bà con người Mông đời sống còn rất khó khăn nên ngày ngày họ bận bịu với mưu sinh. Việc họ cố gắng đưa con đều đặn đến lớp đã là điều đáng quý.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân, các cô giáo ai cũng dành hết tình thương cho các cháu. Bởi thế, có những công việc các cô giáo mầm non ở vùng thấp có lẽ chẳng bao giờ phải làm như may vá, giặt giũ quần áo, tắm gội cho học trò... nhưng với các cô giáo ở vùng cao thì đó lại là chuyện thường ngày. Lo cho các cháu một bữa cơm ngon tại trường cũng là một vấn đề đầy nan giải. Mỗi nhà chỉ có thể góp cho con khoảng 2.000 đồng/bữa, phần còn lại nhờ vào nguồn trợ cấp của Nhà nước dành cho các cháu thuộc diện hộ nghèo.
Thương các cháu, sau kì lĩnh lương, mỗi cô giáo thường bớt lại một phần góp thêm vào bữa ăn cho trẻ. Giá cả ở vùng cao thứ gì cũng đắt đỏ, lắm lúc còn khan hiếm, thường phải mua từ chợ huyện. Cô giáo Hà Thị Thủy - Hiệu phó trường Mầm non bản Mù tâm sự: "Dù khó khăn đến đâu chăng nữa thì cũng phải tính toán thật hợp lí để các cháu ăn uống bảo đảm tối thiểu về dinh dưỡng".
Phía sau những mối lo toan về ăn uống cho trẻ thì chuyện ngủ của các cháu có lẽ cũng là chuyện chỉ ở vùng cao mới có. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên mới 21 tuổi vừa mới vào nghề tâm sự: "Ở điểm trường trung tâm có hơn chục cháu từ 3 đến 5 tuổi nhà ở cách trường quãng 5 cây số nên cha mẹ đưa đến từ đầu tuần và cuối tuần mới đón về. Bé như thế mà phải xa vòng tay cha mẹ nên chúng em lại càng thương. Điều yên tâm nhất là các cháu rất ngoan và không hay đau ốm". Niềm vui lớn nhất đối với giáo viên mầm non ở vùng cao là hàng ngày được trông thấy các cháu đến lớp đông đủ.
Phía sau những niềm vui ấy, các cô giáo cũng phải chịu bao nỗi thiệt thòi. Đã ngoài đôi mươi nhưng khi nói đến chuyện tình cảm, hôn nhân, gia đình, nhiều cô không giấu nổi bao nỗi chạnh lòng. Cô Đinh Chị C nhà ở huyện Phù Yên khi lên Bản Mù công tác được một thời gian thì người yêu ở quê nói lời chia tay.
Cô Nguyễn Thị Nh quê ở Phú Thọ năm nay đã 34 tuổi mà vẫn một mình đơn chiếc. Vất vả nhất là các cô ở những điểm trường trên bản, bản xa trung tâm nhất cách hơn 10 cây số, mỗi điểm trường chỉ có 2 cô giáo. Khi trời khô ráo thì cuối tuần còn về được trung tâm xã gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, nhưng những khi trời mưa các cô bị cách biệt với bên ngoài cả tháng trời. Ai cũng bảo buồn nhất là lúc đêm về chỉ còn các cô với mênh mông rừng núi.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền phường Nguyễn Phúc đã chú trọng xây dựng nhà văn hóa khu dân cư nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
YBĐT - Thành phố hiện có 93 NVH và trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực tế. Trong khi đó, thành phố đang gặp khó khăn trong vấn đề tìm quỹ đất, mặt bằng để xây dựng NVH khu dân cư.
Ngày 12-3, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2012. Bộ GD-ĐT nêu rõ, thí sinh là HS lớp 11 đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2011, được bảo lưu kết quả thi HS giỏi sang năm 2012.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết dù chưa vào giai đoạn cao điểm nhưng số người mắc dịch bệnh tay chân miệng đã tăng đột biến.