"Ngôi nhà an toàn" - mô hình hiệu quả phòng tránh tai nạn cho trẻ em Cổ Phúc

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2012 | 3:05:11 PM

YBĐT - Là địa phương có nhiều vụ tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước ở trẻ em nên thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chọn làm điểm triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn".

Dân số ổn định giúp trẻ được đến trường, chăm sóc và phát triển toàn diện. (ảnh: minh họa)
Dân số ổn định giúp trẻ được đến trường, chăm sóc và phát triển toàn diện. (ảnh: minh họa)

Sau một năm triển khai, mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, được chính quyền và nhân dân địa phương hướng ứng, góp phần quan trọng vào phòng tránh tai nạn cho trẻ.

Bà Trần Thị Yến - Phó chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Sau khi nhận được kế hoạch của Sở LĐ,TB&XH về xây dựng và triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn" tại địa phương, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo, đồng chí Phó chủ tịch UBND phụ trách khối văn hóa - xã hội làm trưởng ban, phó ban là cán bộ LĐ,TB&XH và Trạm trưởng Trạm Y tế, thành viên là cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên... đồng thời xây dựng mạng lưới gồm 14 cộng tác viên nhiệt tình, năng nổ tại 5 tổ dân cư và 9 khu phố".

Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, Cổ Phúc đã lựa chọn 280 gia đình có trẻ em để tham gia mô hình. Ban chỉ đạo cùng mạng lưới cộng tác viên đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông về "Ngôi nhà an toàn" thông qua các hình thức: truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp, tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp truyền thông tại trụ sở UBND thị trấn, xây dựng góc truyền thông về "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ em.

Mô hình "Ngôi nhà an toàn" góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về an toàn giao thông, cách phòng tránh và giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ xung quanh nhà và trong nhà, giảm đến mức thấp nhất các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.

Với sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, qua các buổi họp xã, họp thôn, họp chi bộ, các hoạt động được lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguyên nhân và cách phòng chống tai nạn thương tích, tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên về xây dựng kế hoạch, báo cáo, giám sát, sơ cấp cứu...; triển khai can thiệp các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích như: làm nắp giếng khơi, nắp bể, rào chắn ao, tủ thuốc gia đình, giá để phích nước, giá để dao trong gia đình hay làm tường bao, lan can, cải tạo sân chơi cho học sinh ở trường học.

Cùng với đó, thị trấn cũng xây dựng quy chế và nội dung hoạt động, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, mỗi thành viên phụ trách một nhóm hoạt động chuyên đề về một lĩnh vực. Theo đó, hiệu trưởng trường THCS, tiểu học, mầm non làm tổ trưởng nhóm hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn; chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phối hợp với trưởng khối, các đoàn thể thành lập hội đồng hòa giải nhằm giảm bạo lực, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Hội Nông dân phụ trách đảm bảo an toàn lao động trong nông nghiệp, hạn chế tối đa ngộ độc hóa chất.

Ban chỉ đạo cũng giao nhiệm vụ  cho đội ngũ cộng tác viên đến từng gia đình, đặc biệt là những hộ có trẻ dưới 10 tuổi tư vấn về các yếu tố gây tai nạn thương tích và các biện pháp can thiệp tránh xảy ra tai nạn cho trẻ; thường xuyên giám sát, tư vấn, hỗ trợ từng hộ thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn. Ban chỉ đạo còn đưa ra nhiều sáng kiến xây dựng và phát triển các trang thiết bị an toàn để phòng tai nạn cho trẻ em như: làm cũi giữ trẻ, làm giá để dao, chắn bậc cầu thang, hàng rào quanh ao....

Đoàn Thanh niên phối hợp với Công an thị trấn, trưởng các khối và các gia đình phát quang cây che khuất, mở rộng và đổ bê tông các đường liên thôn, liên phố, thực hiện tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về an toàn giao thông, cách phòng tránh và giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ xung quanh nhà và trong nhà, giảm đến mức thấp nhất các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra. Hàng tháng, chọn ra mỗi khu phố, tổ dân cư 20 hộ gia đình tham gia mô hình để đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt chưa được để có kế hoạch triển khai kịp thời cho tháng sau.

Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về an toàn cộng đồng, công tác đảm bảo an toàn, hạn chế xảy ra tai nạn thương tích thực sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Mô hình cần được nhân rộng để nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 2.373 người nghiện ma túy, trong đó có 370 đối tượng được đưa vào Trung tâm Cai nghiện tỉnh, 188 người cai nghiện tại cộng đồng ở 3 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, với số người mắc tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có công điện gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Những tấm lòng hảo tâm, những món quà nhân ái sẽ giúp các em học sinh bán trú còn nhiều khó khăn cảm thấy ấm lòng hơn.

YBĐT - Để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Ban thường vụ huyện ủy Văn Chấn đã phân công một số chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị đỡ đầu các trường học có học sinh bán trú dân nuôi trên địa bàn huyện.

Gia đình chị Sùng Thị Ring ở xã Bản Công đã có công trình nước sạch nhờ nguồn vốn “30a”.

YBĐT - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đã có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở Trạm Tấu (Yên Bái) được xây dựng, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ dân nhờ đó đã được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục