Trạm Tấu: Nước sạch về bản

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2012 | 9:00:56 AM

YBĐT - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đã có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở Trạm Tấu (Yên Bái) được xây dựng, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ dân nhờ đó đã được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Gia đình chị Sùng Thị Ring ở xã Bản Công đã có công trình nước sạch nhờ nguồn vốn “30a”.
Gia đình chị Sùng Thị Ring ở xã Bản Công đã có công trình nước sạch nhờ nguồn vốn “30a”.

Xây dựng từ nguồn vốn chương trình 30a với số tiền trên 1,4 tỷ đồng, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Bản Công, xã Bản Công đã được xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011 với 1 bể chứa nước lọc, bảo đảm nước sinh hoạt cho 36 hộ dân nơi đây.

Anh Hảng A Tủa - một người dân thôn Bản Công vui mừng bày tỏ: "Từ khi có hệ thống cấp nước sạch về bản, Nhà nước còn hỗ trợ cho nhà mình đường ống dẫn nước về tận nhà, mình đã tự mua téc để chứa nước. Nhìn con cháu mình được dùng và tắm nước sạch thỏa thích, vui vẻ, mình cũng vui theo vì chúng nó không hay bị ốm như ngày xưa nữa".

Có lẽ, vui nhất vẫn là già làng Giàng A Tu. Ông kể rằng: "Trước kia, do không hiểu biết, bà con trong bản thả rông gia súc làm cho dòng nước bị bẩn. Có những hôm, trời mưa làm cho nước bị đục bẩn, bà con bản mình phải đi xa vài cây số, lên tận đầu nguồn để gùi nước sạch về dùng. Có sự hỗ trợ của Nhà nước, bây giờ nước sạch đã về đến tận bản mình rồi, nhà mình còn được hỗ trợ téc để đựng nước, mình muốn lấy bao nhiêu nước cũng được".

Xã Bản Công hiện có 5 công trình cấp nước sinh hoạt, phân bố tại 5 thôn, bản và mỗi thôn, bản đều có từ 1 đến 2 bể chứa nước. Ông Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Sau khi nhận bàn giao các công trình nước sạch của Nhà nước đầu tư, xã đã thành lập Ban quản lý nguồn nước sinh hoạt và bàn giao cho trưởng các thôn, bản quản lý; chỉ đạo những hộ dân được hưởng lợi từ công trình nước sạch đóng góp mỗi tháng 5.000 đồng nộp cho Ban quản lý để tu sửa, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng. Từ khi có nước sạch về bản, đã có rất nhiều hộ dân tự xây bể, mua téc và mua ống nhựa dẫn nước từ bể lọc về tận nhà để sử dụng".

Huyện Trạm Tấu có trên 27.900 nhân khẩu, 4.995 hộ sinh sống tại 69 thôn, bản, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 76%, cư trú tại 10 xã đặc biệt khó khăn.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước như Chương trình 134, 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2007 đến nay, huyện Trạm Tấu được đầu tư xây dựng 1 nhà máy nước và  21 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy được xử lý qua hệ thống lọc thô phân bố ở 20 thôn, bản.

Mỗi công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng với chi phí từ 322 triệu đồng đến trên 2,8 tỷ đồng. Đối với những thôn, bản và những hộ dân cách xa nguồn nước tập trung, huyện đã chỉ đạo hỗ trợ cho các hộ dân mua lu, téc nước, đường ống để người dân dẫn nước về sử dụng.

Tính đến hết năm 2011, toàn huyện đã có 70% số hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều vùng chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nhờ có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh mà sức khỏe của người dân vùng cao Trạm Tấu hiện nay đã được nâng cao hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Liễu - Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Trạm Tấu cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo huyện cùng với sự tham gia giúp đỡ của các cấp, các ngành và các nguồn lực tài chính, đặc biệt là ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cộng với sự tham gia của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong quá trình phối hợp thực hiện thi công các công trình cấp nước sinh hoạt nên hiệu quả đạt tương đối tốt, bảo đảm phát huy tác dụng”.

 

Công trình cấp nước sạch Nhà máy nước thị trấn Trạm Tấu.

Bên cạnh niềm vui nước sạch về bản, ông Liễu cho biết thêm, qua kiểm tra các công trình cấp nước sinh hoạt mấy năm trước, do nhận thức chưa cao, một số người dân thiếu ý thức bảo vệ nên thả gia súc làm hỏng đường ống dẫn nước vào bể, trưởng bản lại phải huy động nhân dân đóng góp tiền để mua ống nước thay thế. Cũng tại các bể chứa nước, vẫn còn tình trạng người dân mở van lấy nước nhưng không biết khóa van nên có những hôm, nước bị cạn. Vì thế, có hộ dân không có nước dùng, còn xung quanh bể thì ứ đọng những vũng nước, nếu để lâu ngày sẽ bị ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã thành lập ban quản lý nước sạch và cử các thành viên xuống từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng cũng như bảo vệ nguồn nước; hướng dẫn cách sử dụng nước văn minh, tiết kiệm song song với việc bố trí quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa hợp lý để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh lâu dài cho nhân dân.

Năm 2012, huyện Trạm Tấu phấn đấu có 75% số hộ dân ở các xã vùng cao được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh. Để thực hiện được mục tiêu này, hiện nay, huyện tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và của địa phương cũng như sự chung tay đóng góp của nhân dân trên địa bàn; tiếp tục phát huy hiệu quả các công trình nước sạch và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt của địa phương cũng như tầm quan trọng của nước sạch; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa các quy định về bảo quản và sử dụng nguồn nước sinh hoạt vào quy ước, hương ước của các thôn, bản.

Từ sự huy động các nguồn lực hỗ trợ, các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao Trạm Tấu tiếp tục được đầu tư xây dựng. Có thêm một công trình nước sạch là thêm nhiều niềm vui, hạnh phúc của những người dân nghèo nơi vùng cao này.

Kim Thoa

Các tin khác
Bị cáo Cư A Báo tại tòa.

Ngày 13/3, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 8 bị cáo về tội phá rối an ninh trong vụ tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, yêu sách đòi thành lập “Vương quốc Mông,” gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2011.

Miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng áp cao lạnh; Sang tuần không khí lạnh sẽ được tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc…

Ngày 13-3, ngành y tế TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình “Toàn dân phòng chống bệnh tay chân miệng” tại các quận huyện, xã phường trên địa bàn nhằm tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, xử lý dịch bệnh ở các trường học, nhóm trẻ gia đình, tổ dân phố, nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân.

Chị Vương Thị N kể về cuộc đời bất hạnh của mình với tác giả.

YBĐT - Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có trên 109 vụ ly hôn (trong năm 2011 có 91 vụ và hai tháng đầu năm 2012 đã có 18 vụ). Đây là con số đáng báo động về tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng dù tuổi đời còn trẻ, trong đó có không ít cặp là giáo viên...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục