Sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo CPI?
- Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2012 | 8:23:13 AM
Chính phủ cần điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi nhằm bảo vệ người lao động, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.
Hiện nay vẫn tồn tại sự khác biệt giữa tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với nhóm lao động trong khu vực doanh nghiệp.
|
Đây là một trong các nội dung được nhấn mạnh tại báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận chiều 27-3.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ hai, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về tiền lương để thống nhất các hiểu về tiền lương, cơ cấu tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Cũng theo cơ quan thẩm tra dự án luật, hiện nay còn tồn tại sự khác biệt giữa tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với nhóm lao động trong khu vực doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Mai nhấn mạnh, đây là vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình cải cách tiền lương khu vực nhà nước, hướng tới xây dựng một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lương tối thiểu của công chức phải cao hơn viên chức và công nhân.
Theo Chủ tịch, nhược điểm của quy định hiện hành là nhà nước chỉ quy định lương tối thiểu, nên nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương cho công nhân cao hơn mức tối thiểu một chút, khiến đời sống công nhân rất khổ. Vì thế khi sửa luật phải đảm bảo không chấp nhận việc này.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu, luật hiện hành giao cho doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương và báo cáo cho cơ quan quản lý về thang bảng lương đó, nhưng trên 50% doanh nghiệp không thực hiện. Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước cũng không đủ sức kiểm tra nên dự luật sửa đổi đã bỏ quy định này.
Ông Tùng cho rằng, nhà nước vẫn phải nắm được việc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương có đúng quy định không, nếu không thì phải có ý kiến để đảm bảo quyền của người lao động.
"Có đăng ký cũng không quản lý được, quan trọng là hướng dẫn và thanh tra kiểm tra", bà Mai nói.
Vẫn liên quan được nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là tiền lương và mức lương tối thiểu, cơ quan thẩm tra cho biết dự thảo bộ luật đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, dự thảo bộ luật cũng quy định hội đồng quốc gia về tiền lương với thành phần đại diện của các bên (đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước…) thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về mức tiền lương tối thiểu, tham gia xây dựng chính sách tiền lương quốc gia…
Hội đồng quốc gia về tiền lương là cơ chế mới so với bộ luật hiện hành, thể hiện được đặc trưng của quan hệ lao động, qua đó tiền lương được xem xét công khai, toàn diện hơn, phù hợp với thị trường lao động và xu hướng tiến bộ của các nước trên thế giới, bà Mai cho biết.
Quá trình thảo luận về dự án bộ luật, một số ý kiến đề nghị bổ sung các yếu tố xác định mức lương tối thiểu bao gồm: năng suất lao động, khả năng tăng trưởng kinh tế, các khoản trợ cấp an sinh xã hội và tương quan mức sống với các nhóm dân cư khác.
Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo bộ luật đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo hai nhóm yếu tố đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
Với các nội dung còn có nhiều loại ý kiến tại dự thảo luật, nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với phương án lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng, thay vì 5 tháng như Chính phủ trình.
Thời gian làm thêm giờ, theo nhiều ý kiến cũng nên giữ như luật hiện hành là không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm.
(Theo TPO)
Các tin khác
Chiều 28-3, tại UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng đã mời bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) lên trụ sở UBND xã Vinh Quang để nghe công bố quyết định của thanh tra huyện Tiên Lãng về kết luận thanh tra số 02/KL-UBND (ngày 22-3) của UBND huyện về việc thanh tra, rà soát việc sử dụng đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
YBĐT - Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà từ mầm non đến THPT chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được tỉnh Yên Bái và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm.
YBĐT - Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT), xác định đây là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 27-3.