Nhiều hộ nghèo ở Yên Bái chưa tham gia bảo hiểm y tế
- Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2012 | 9:25:39 AM
YBĐT - Theo số liệu thống kê, năm 2011, toàn tỉnh Yên Bái chỉ có 115 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), năm 2012, số tham gia chỉ còn 5 người - Đây thực sự là vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện Luật BHYT.
Sử dụng máy tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Hữu Nghị 103.
|
Từ khi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời, tỉnh Yên Bái đã triển khai khá mạnh mẽ và toàn diện việc học tập và triển khai thực hiện Bộ luật quan trọng này, qua đó, có thể khẳng định đại bộ phận người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, chủ sử dụng lao động đã hiểu được mục đích cũng như tầm quan trọng của việc tham gia BHYT đối với mỗi người nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) triển khai thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực như thu BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, chi trả nhanh chóng, kịp thời, an toàn và chính xác chế độ cho người lao động và các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng dễ dàng triển khai và thu được kết quả tốt, trong số ấy phải kể tới việc tham gia BHYT của đối tượng cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp.
Triển khai từ năm 2009 với quy trình cụ thể nhưng số đối tượng cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp ở Yên Bái tham gia BHYT rất thấp. Theo số liệu thống kê, năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 115 người tham gia, năm 2012, số tham gia chỉ còn 5 người. Đây thực sự là vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện Luật BHYT bởi số đối tượng cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp ở Yên Bái chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Xuân Thịnh, Trưởng phòng Thu BHXH Yên Bái cho biết: “Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là quá nhỏ, đôi khi chỉ là một vài nghìn đồng, như vậy có nghĩa là điều kiện kinh tế của hộ cận nghèo không hơn mấy so với hộ nghèo. Túng thiếu là nguyên nhân cơ bản để người dân không dám bỏ ra mấy trăm nghìn đồng mua BHYT cho mình và những người thân trong gia đình”.
Để diễn giải cho ý kiến của mình, ông Thịnh còn đưa ra phép tính: mức phí BHYT được tính bằng 4,5% mức lương tối thiểu, nhân với 12 tháng, vậy là số tiền đã lên tới cả trăm nghìn đồng mỗi năm, bình quân một hộ cận nghèo có số khẩu là 5 người thì việc mua BHYT cho cả nhà thực sự là một khoản tiền lớn, cho dù Nhà nước đã chi trả 50% số phí phải đóng.
Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị 103, bà Nguyễn Thị Huấn đang làm thủ tục cho chồng nhập viện để mổ ruột thừa, mấy triệu đồng tạm thu thực sự là một khoản tiền lớn đối với gia đình cận nghèo như bà. Bệnh không chữa không được, mấy triệu hay mấy chục triệu vẫn phải chi ra để chạy chữa cho người thân. Lúc này bà Huấn mới nghĩ lại, “giá như bà nghe theo lời tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ BHXH Trấn Yên, mua cho mỗi người trong nhà một tấm thẻ BHYT thì đâu đến nỗi, còn mẹ già ở nhà, còn đứa con gái nhỏ khi đau ốm nữa.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc BHXH huyện Trấn Yên chia sẻ: “Trấn Yên là địa phương triển khai rất tốt việc thực hiện Luật BHXH, BHYT, cấp huyện và cấp xã đều thành lập Ban chỉ đạo, công tác tuyên truyền được triển khai khá tốt… Với chức năng của mình, cơ quan BHXH Trấn Yên đã làm tốt việc tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong việc chỉ đạo, cũng như ra các chỉ thị, nghị quyết về việc triển khai các quy định về BHXH, BHYT trên địa bàn, dù vậy việc triển khai BHYT cho đối tượng cận nghèo vẫn không đạt kết quả như mong đợi vì đối tượng cận nghèo cũng rất khó khăn. Bà con hiểu được cả những nhu cầu chi tiêu trước mắt như mua lương thực hay chuyện học hành của các con… đã khiến nhiều người đăng ký nhưng lại thôi không nộp tiền”.
Trong khi mức phí BHYT còn là rào cản khó vượt qua thì việc xác định số người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình là chuyện không đơn giản và chưa có cơ quan hay tổ chức chính trị xã hội nào làm. Ngay như Hội Nông dân cũng chỉ là tổ chức chính trị xã hội nắm được số hội viên, số gia đình hội viên của mình, thực tế không ít hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp không tham gia tổ chức hội và trong mỗi gia đình hội viên Hội Nông dân không phải thành viên nào cũng là hội viên. Trong khi đó, việc xác định người trong hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, được xác nhận bởi cấp có thẩm quyền lại rất quan trọng trong việc áp dụng và điều chỉnh mức đóng BHYT hàng năm.
Vấn đề đặt ra ở đây là Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thêm đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, mức hỗ trợ 50% như hiện nay dù là rất đáng quý với bà con nhưng 50% còn lại thực sự là số tiền rất lớn với bà con cận nghèo đặc biệt là vùng thuần nông. Bên cạnh đó, ngành lao động, thương binh và xã hội cần nghiêm túc triển khai Nghị định 62 của Chính phủ (tiêu chí và danh sách hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình là cơ sở ban đầu và quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT cho các đối tượng này). Cùng với đó nên sớm giao cho một cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội hoặc cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thống kê danh sách người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp.
Chỉ có sự hỗ trợ của Đảng và Chính phủ cho các đối tượng chính sách, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, cách ngành thì Luật BHYT nói chung và việc triển khai BHYT cho đối tượng cận nghèo và người thuộc các hộ gia đình nông, lâm, ngư, nghiệp nói riêng mới được triển khai một cách toàn diện để Việt Nam tiến tới BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Lê Phiên
Các tin khác
Hầu hết các bệnh viện khi xây dựng khung giá viện phí trình phê duyệt đều đưa ra ở mức tối đa, bất chấp chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng bệnh viện…
YBĐT - Ngày 23/4, đoàn công tác do đồng chí Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế tỉnh đã đến làm việc, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Lục Yên. >>Yên Bái chủ động khống chế dịch bệnh Tay chân miệng
YBĐT - Gần một tuần nay, tại khu vực các thôn Năm Hăn 1+2+3 và thôn Ta Tin, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) xuất hiện đàn chim lớn với khoảng gần 300 con bay về trú ngụ tại các bờ ao.
YBĐT - Không cam chịu đói nghèo, những năm gần đây, các cựu chiến binh (CCB) huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.