Lính cựu Sư 10

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/4/2012 | 8:48:55 AM

YBĐT - Năm nào cũng vậy, cứ dịp 30/4, những cựu chiến binh Sư đoàn 10 tham gia chiến trường Tây Nguyên nay trở về quê hương Yên Bái lại tề tựu bên nhau ôn lại truyền thống một thời “xẻ dọc Trường Sơn” giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Và tình cảm mộc mạc, chân thành đó được chính CCB Nguyễn Hiền Lương - lính Sư đoàn 10 thể hiện trong bài thơ “Những người lính từ

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 29, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 chụp ảnh kỷ niệm sau khi giải phóng Bình Dương.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 29, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 chụp ảnh kỷ niệm sau khi giải phóng Bình Dương.

“Những người lính từ mặt trận trở về
Vẫn như binh nhất, binh nhì.

Mỗi năm gặp nhau đôi lần
Vỗ vai nhau, mày tao

Hăm hở hát những bài hát cũ
Chạm nhau vài chén rượu quê
Rạo rực một thời trận mạc”

Tôi gặp CCB Nguyễn Văn Ngát, anh nhập ngũ tháng 12 năm 1972 nay tham gia Hội CCB tỉnh, đảm trách Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 10 (tại Yên Bái). Tìm hiểu thêm về truyền thống Sư đoàn, anh Ngát cho biết: “Sư đoàn bộ binh 10 - Quân đoàn 3 được thành lập ngày 20/9/1972 trên cơ sở thừa kế truyền thống quyết thắng của lực lượng vũ trang Tây Nguyên với các thành phần gồm những trung đoàn bộ binh anh hùng 66, 28, 24, 29 và 8 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật...

 Đóng góp cho Sư đoàn 10 thời ấy, tỉnh Yên Bái có hơn 600 thanh niên hăng hái nhập ngũ. Nhiều người viết đơn bằng máu tình nguyện vào chiến trường, tự nhuộm quân phục thành màu xanh tím than của thanh niên xung phong. Ngày về, họ vẫn luôn tự hào với truyền thống 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Sư đoàn 10 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Gặp nhau mừng ngày trọng đại của đất nước, những kỷ niệm, ký ức xưa của người lính lại ập về. Những câu chuyện vui có, buồn có, những chuyện chẳng thể ghi hết trong sử sách nhưng rất đỗi hào hùng.

Ông Tạ Văn Trù và ông Nguyễn Văn Huấn cùng nhập ngũ tháng 12 năm 1972 tại Thịnh Hưng, huyện Yên Bình trò chuyện: Sau huấn luyện ngoài Bắc, 2 anh được đi B biên chế cùng Trung đoàn 28 nhưng khác tiểu đoàn. Hai ông đều tham gia nhiều trận đánh, trong đó cả hai đều tham gia trận đánh ác liệt như trận Đắc Tô - Tân Cảnh sáng 9/3/1973. Ông Huấn nhớ lại, sau trận đánh thắng lợi, anh em thu dọn chiến trường, các đồng chí của ta hy sinh, bị thương cũng nhiều cần nhanh chóng xử lý. Trong bối cảnh đó, ông gặp một tên lính ngụy bị thương nhìn ông với đôi mắt khẩn khoản, ông và một đồng chí trong tiểu đội đã nhường nước cho uống và chút lương khô cho tên lính đó. Tôi nghĩ, người lính ngụy được ông giúp đó sẽ không thể quên hình ảnh tốt đẹp của những người lính cộng sản.

Nhưng hắn đâu biết rằng, những người lính Sư 10 cùng nhiều đơn vị khác đã trải qua bao trận đánh ác liệt với nhiều hy sinh, thương tích tại căn cứ Núi Lửa, căn cứ Liên đoàn 23 biệt động ở Đắc Tô, trận đánh vào sân bay Hòa Bình, cứ điểm Phước An, Chư Nga, cao điểm 581 ở Buôn Ma Thuật… và cho đến tận ngày vào giải phóng Sài Gòn. Ông Huấn, ông Trù, rồi ông Vinh đều thấy vui nhất khi nói về trận đánh ở ngã ba Đắc Song. Trận ấy, đại đội hy sinh rất ít, ngược lại bắt sống 100 tên ngụy, trong đó có cả tên Tiểu đoàn trưởng và vợ  của hắn.

Ở Trấn Yên, tôi gặp ông Hoàng Văn Bá quê xã Đào Thịnh. Ông Bá cũng nhập ngũ tháng 12/1972 biên chế trong Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28 từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên. Ông kể nhiều chuyện chiến đấu nhưng nhớ lần đóng quân ở Tum 1 (Cà Tum) phía bắc sông Pô Cô, đơn vị được lệnh dùng hỏa lực bắn vào mục tiêu là trạm thông tin của địch bên kia sông. Ông được lệnh cùng một chiến sỹ nữa mà tới giờ ông vẫn nhớ tên Nguyễn Duy Tỵ đi trinh sát mục tiêu.

Tìm một cây cao chừng 30m, ông xung phong trèo lên ngọn cây để quan sát mục tiêu địch, ước lượng khoảng cách để hỏa lực bắn thăm dò. Quả thứ nhất đạn gần, quả thứ 2 đạn xa. Đến quả thăm dò thứ 3 là trúng mục tiêu và đơn vị cho bắn cấp tập luôn. Sau loạt đạn đó, ông tụt khỏi cây, kéo chiến sỹ Tỵ đang cảnh giới rút thật nhanh. Hỏa lực địch ở bên kia sông cũng rất mạnh, phản pháo rất rát tới cả trăm quả, đạn rít trên đầu…

Chợt ông nghe tiếng xoẹt rất nhanh của đạn pháo, ông vội kéo chiến sỹ Tỵ nằm rạp xuống bờ đập đúng lúc quả đạn nổ ngay dưới sườn đập. Mặt đập sạt xuống, đất cát lấp đầy người nhưng hai anh em thì thoát hiểm. Ông Bá bảo, kinh nghiệm chiến trường khi nghe thấy tiếng đạn rít là quả đạn còn ở tầm xa, còn đã thấy tiếng xoẹt... xoẹt là quả đạn đã rất gần mình rồi. Nhưng giữa bom rơi đạn lạc khó mà tránh được, cũng chỉ nhờ may mắn thôi.

Cựu chiến binh Đặng Minh Nhâm và Hoàng Văn Bá xem lại bức ảnh chụp sau giải phóng Sài Gòn.

Ông Đặng Minh Nhàn từng là lính trinh sát tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, nay ông tham gia làm Phó chủ tịch Thường trực Hội CCB huyện Trấn Yên nhớ lại thời làm lính trinh sát: Trận Cam Ranh (Nha Trang) kết thúc, ông và một số anh em có gặp và nói chuyện tình hình chiến sự với một nhà sư trụ trì ở ngôi chùa gần đó, nhà sư khẳng định “Các chú cứ tiếp tục tiến vào đi (vào Sài Gòn) ông Thiệu chắc chắn thua rồi”.

Sau khi đánh xong sân bay Tân Sơn Nhất,  ông Nhàn cùng anh em trinh sát tiểu đoàn đi trước tiến vào khu vực ngã tư Bảy Hiền thì bị toán lính co cụm cố thủ trên một khu nhà cao tầng bắn xuống loạn xạ, trinh sát Phúc bị thương vào đầu rất nặng, ông Nhàn chỉ kịp kéo người đồng đội đó sát vào bờ tường rào rồi phải tiếp tục làm nhiệm vụ. Sau giải phóng khoảng hơn 1 tháng, người đồng đội ấy trở về đơn vị gặp nhau mừng vui khôn tả. Anh Phúc kể cho ông nghe, lần đó may có người dân tốt bụng giúp đưa anh đi bệnh viện kịp thời chứ không chẳng còn ngày hội ngộ. 

Cuốn nhật ký của CCB Phạm Vĩnh Cường nay đã ố vàng, có những trang chưa kịp viết, nhiều trang nét chữ bị mờ nên ông đã ghi lại kỷ niệm một đời lính với gần 30 trang hồi ký. Dòng hồi ký của ông ghi dấu ký ức một thời trai trẻ xông pha trận mạc. Từ những ngày đầu anh bộ đội Cường chuẩn bị Nam tiến đến những giây phút sống trong không khí hào hùng khi Sài Gòn được giải phóng. Nào là những bữa đói vàng mắt, những mùa thiếu rau xanh phải đi hái rau “bép còn gọi là rau “tóp mỡ”… Rồi đi kiếm “măng rung”, thứ măng cây lồ ô mọc muộn cũng ngồng cao đến cả chục mét. Muốn ăn măng thì cầm gốc cây non đó mà rung thật mạnh cho khúc ngọn non phía ngọn gãy rơi xuống đất... Bao kỷ niệm buồn vui đời lính chiến còn đọng lại.

Những người lính cựu Sư đoàn 10 ngày trước mỗi dịp gặp nhau tay bắt mặt mừng. Những bàn tay quen súng năm xưa, nay quen búa, quen cày, quen bút. Có những người tiếp tục trưởng thành trong quân ngũ như: Thiếu tướng Vũ Lục Quốc – Tham mưu phó Quân khu II, Đại tá Vũ Xuân Nghiêm - Phó Sư đoàn 316, Quân khu II. Ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có Đại tá Nguyễn Văn Kỳ - Chỉ huy trưởng, đại tá Hoàng Đức Sâm- Tham mưu phó...

 Nhiều tấm gương thương binh vẫn tích cực tham gia sản xuất, công tác xã hội mà tôi được gặp như CCB Bùi Đức Trọng thương binh hạng ¼ phải lắp một chân giả vậy mà khi xuất ngũ ông vẫn trải qua nhiều vị trí công tác và hiện đang đứng trên bục giảng dạy môn lịch sử tại Trường THPT Lê Quí Đôn (Trấn Yên)… Rất nhiều những tấm gương của người lính Sư 10 đã cống hiến cho Tổ quốc nay tiếp tục trở về địa phương. Họ vẫn đang góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.

Văn Trung

Các tin khác

YBĐT - ... Đầu tháng 10 năm 1974, Tây nguyên bắt đầu vào thời kỳ hết mùa mưa nên cũng chỉ còn lác đác vài cơn nhỏ trong ngày, đã có nhiều giờ nắng hơn, quần áo đỡ hôi hám. Một hôm đại đội trưởng cho gọi 2 anh em là tôi và Hòa “con” cùng là lính vô tuyến lên gặp riêng, nhận nhiệm vụ cùng một tổ đi trinh sát tuyến...

Tối 29-4, tại TP Cần Thơ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Dạy nghề Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức Liên hoan “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ III năm 2012.

Các thí sinh làm bài thi.

Theo thống kê từ ban tổ chức, cuộc thi giải toán qua Internet - ViOlympic năm học 2011 – 2012 đã có gần 3 triệu học sinh tham gia; và gần 3000 học sinh lọt vào vòng thi chung kết toàn quốc.

YBĐT - Nhân ngày Kiến trúc sư Việt Nam 27/4, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Yên Bái đã tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục