“Vùng trũng” vô kế hoạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/5/2012 | 9:31:36 AM

YBĐT - Quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “Đông con còn hơn nhiều của” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đại bộ phận đồng bào dân tộc Mông vùng cao nên mặc dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn muốn đẻ nhiều.

Hệ lụy của việc sinh đẻ vô kế hoạch là trẻ em không được chăm sóc tốt. Ảnh: Một bữa ăn chỉ có cơm không của học sinh Trường bán trú Pá Hu (trạm Tấu).
Hệ lụy của việc sinh đẻ vô kế hoạch là trẻ em không được chăm sóc tốt. Ảnh: Một bữa ăn chỉ có cơm không của học sinh Trường bán trú Pá Hu (trạm Tấu).

Vừa vào vụ lúa mới mà nhiều hộ dân đã phải bán thóc non để trả nợ, có hộ thì suốt mấy tháng chỉ ăn rau rừng và ngô bột, có hộ lấy được ít gạo cứu đói về cũng chỉ đủ ăn dăm ba ngày… Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại không ít các hộ gia đình người Mông của 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Một trong những nguyên nhân gây ra cái đói nghèo triền miên này là do tình trạng sinh đẻ không kế hoạch của người Mông nơi đây.

Sinh đẻ không kế hoạch…

Quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “Đông con còn hơn nhiều của” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đại bộ phận đồng bào dân tộc Mông vùng cao nên mặc dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn muốn đẻ nhiều. Sùng Thị Mỷ - một cô gái người Mông 21 tuổi là mẹ của 4 đứa con ở huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Nhà mình không ai thích cho đặt vòng cả, họ bảo nó không tốt cho sức khoẻ, đeo vào rồi mà có ốm đau gì thì tự đi bệnh viện”. Không hiểu thực hư thế nào, nhưng lời người nhà dẫu sao vẫn có hiệu quả hơn là lời khuyên của người ngoài. Vì thế mà cán bộ dân số đã đến tuyên truyền, vận động rất nhiều lần nhưng Mỷ vẫn nhất định không chịu đặt vòng, chỉ nhận bao cao su và thuốc tránh thai song lại “cất đi” chứ không dùng.
Theo số liệu thống kế của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, năm 2011, huyện Trạm Tấu đã có 200 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 28,6%, huyện Mù Cang Chải có 265 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 20,8%.

Sang quý I năm 2012, Trạm Tấu tiếp tục có 49 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, Mù Cang Chải đến hết tháng 4 đã có 73 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Dự tính từ nay đến cuối năm, số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên ở 2 huyện này vẫn còn tăng. Hiện tại, Trạm Tấu và Mù Cang Chải không chỉ là những huyện dẫn đầu tỉnh về số cặp vợ chồng có số con đông mà còn là một trong những huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao so với mặt bằng chung của các huyện, thị, thành phố trong cả nước.

Cũng theo kết quả tổng hợp của Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Trạm Tấu trong năm 2011 vừa qua, toàn huyện chỉ có 4/69 thôn, bản, tổ dân phố là không có người sinh con thứ 3 trở lên. Như vậy có thể thấy, ý thức sinh đẻ có kế hoạch của người dân nơi đây còn rất hạn chế.

Khó thoát nghèo

Đẻ sớm, đẻ nhiều, đẻ dày chính là một trong những nguyên nhân khiến cho cái đói, cái nghèo luôn đeo bám cuộc sống của các gia đình người Mông ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải này. Tuy là những huyện có diện tích đất đai khá rộng lớn nhưng phần đa lại toàn là đồi núi, dốc dựng đứng, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt (nắng và gió lào) nên việc trồng cấy của người dân 2 huyện này gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các hộ đều bị thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Có những gia đình, cả nhà có đến hàng chục người nhưng chỉ có vài trăm mét ruộng bậc thang, cả vụ may ra thu được dăm ba tạ thóc nên năm nào cũng thiếu ăn suốt 5- 6 tháng, có nhà thiếu quanh năm. Đói nghèo được truyền từ đời này sang đời khác, không có ruộng, nhiều nhà cả mấy đời chỉ đi làm thuê, cuốc mướn, chạy ăn từng bữa nhưng “thành tích” về đẻ dày, đẻ nhiều cũng luôn ở tốp đầu.

Mùa giáp hạt năm nay, lên thăm vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải mới thấu hiểu hết cái khổ của việc đẻ nhiều của các hộ gia đình người Mông. Vụ lúa mới chưa đến thời kỳ gặt mà nhiều gia đình không còn chút thóc, gạo nào trong nhà.

Để chống đói qua ngày, có hộ cắm lúa non đổi lấy gạo ăn trước, có hộ thì lên rừng kiếm măng, có hộ thì nấu cháo ngô… chờ gạo cứu đói của Nhà nước. Bữa ăn hàng ngày không đủ nên ngoài những đứa con, nhiều gia đình người Mông nơi đây gần như “vô sản”. Hiện tại, theo tiêu chí chuẩn nghèo mới, huyện Mù Cang Chải đang có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 80,40%, huyện Trạm Tấu là 77,30%. Với số hộ nghèo luôn ở mức cao như vậy, đến nay, 2 huyện này vẫn chưa thoát khỏi được danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước.
 
Và những hệ lụy...

Đói nghèo là một trong những hệ quả tất yếu của việc đẻ nhiều, song việc sinh đẻ không kế hoạch của người dân còn kéo theo không ít những hệ luỵ đối với gia đình và xã hội. Cuộc sống đông con, khốn khó khiến cho các gia đình không có điều kiện để chăm lo sức khỏe và học hành cho con cái. Phần đông những đứa trẻ sinh ra ở nơi vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đều không được học hành đến nơi đến chốn, nhà nào có điều kiện và tiến bộ lắm thì cũng chỉ cho học hết cấp II, cấp III, ít đứa được đi học chuyên nghiệp, còn lại là ở nhà dựng vợ, gả chồng từ lúc 18 – 20 tuổi. Kết hôn sớm, không có kinh tế, thiếu kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản nên nhiều bà mẹ trong quá trình mang thai và nuôi dưỡng con đã để con bị suy dinh dưỡng và đau ốm liên tục.

Theo kết quả điều tra, hàng năm số trẻ bị suy dinh dưỡng và bị chết ở 2 huyện này luôn ở mức cao hơn nhiều so với các huyện vùng thấp. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2012, Trạm Tấu có tổng số sinh là 190, thì số chết đã có tới 32.

Đi đôi với chất lượng dân số thấp, dân số đông, lao động dư thừa, nhàn rỗi cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với toàn xã hội. Những năm về trước, Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã từng là nơi có số người nghiện và số vụ buôn bán ma tuý, thuốc phiện lớn nhất, nhì trong tỉnh. Hiện tại, trung bình mỗi năm, ngân sách của tỉnh và Trung ương vẫn phải chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo ở 2 huyện này có cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện sản xuất, tăng cường và phát triển các cơ hội sinh kế…

Cán bộ dân số huyện Mù Cang chải phát tờ rơi tuyên truyền cho đồng bào cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Giải pháp khắc phục

Với những khó khăn, hệ lụy đó, hiện tại, việc tìm ra những giải pháp để khắc phục, cải thiện tình trạng dân số, nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện đúng chính sách, Pháp lệnh Dân số của Nhà nước đã ban hành là điều rất cần thiết. Do đó, cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể và sự nỗ lực của toàn ngành y tế, nhất là đội ngũ trực tiếp làm công tác DS/KHHGĐ ở 2 huyện vùng cao này.

Ngoài việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động cho phù hợp với văn hoá, trình độ dân trí mỗi vùng, trong công tác tuyên truyền, các cán bộ dân số cũng nên tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của những người có uy tín trong cộng đồng như: già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ…; tổ chức kịp thời, có hiệu quả các chiến dịch truyền thông lồng nghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến cộng đồng dân cư; cung cấp kịp thời các phương tiện tránh thai phi lâm sàng đến tận hộ gia đình cho đối tượng sử dụng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về thực hiện chính sách dân số, mô hình xã, phường, thôn, bản không sinh con thứ 3; mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống… Phấn đấu trong tương lai không xa, 2 huyện vùng cao này sẽ không còn là “vùng trũng” về sinh đẻ vô kế hoạch.

Hồng Oanh

Các tin khác
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu.

YBĐT - Là một trong những điểm trường của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, những năm qua, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) luôn nỗ lực bám trường bám lớp và duy trì sĩ số.

Trẻ em đang hái búp ban bỏ chạy tán loạn khi bị dân phòng phát hiện.

YBĐT - Từ nhiều năm trước, khi chuẩn bị ra mắt xây dựng thị xã văn hóa, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã cho ra đời và thực hiện ý tưởng xây dựng con đường hoa ban. Con đường này chính là đoạn quốc lộ 32 rộng, thẳng tắp và dài khoảng 1 km từ đầu cầu ngòi Thia vào tới trung tâm thị xã.

Loài Voọc xám cần được bảo tồn.

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi cửa ngõ Tây Bắc, nơi có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao. Địa hình, thời tiết như vậy đã tạo cho Yên Bái nhiều kiểu rừng rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới núi cao với hệ động thực vật vô cùng phong phú.

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012, huyện Trấn Yên có 806 thí sinh đăng ký dự thi ở 3 hội đồng thi, là Trường THPT Lê Quý Đôn, Liên cấp 2-3 Trấn Yên 2 và Hội đồng thi ghép Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp dạy nghề và phân hiệu 2 của Trường THPT Đồng Tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục