Dịch tay chân miệng ở Yên Bái đã giảm
- Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2012 | 9:41:39 AM
YBĐT - Đến thời điểm hiện tại, bệnh TCM đã giảm hẳn nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là ngành y tế Yên Bái.
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ trước dịch bệnh tay chân miệng.
|
Dịch bệnh TCM bắt đầu xuất hiện tại Yên Bái vào những ngày đầu tháng 3. Sự xuất hiện trở lại của TCM với mức độ cao và lây lan rất nhanh, đặc biệt là vào trung tuần tháng 4.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, tính đến hết ngày 16/4 đã có 8/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh có trẻ bị mắc TCM với tổng số 589 ca, tăng gấp 40 lần so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày phát hiện từ 70 đến 80 trường hợp, tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Yên, thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình...
Điều đáng nói hơn cả, dịch TCM có những biến thể vô cùng nguy hiểm, đã có trường hợp ở Văn Chấn mắc vi rút EV 71 (2b) mức độ nguy hiểm cao nếu như không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn một số ca bệnh TCM ở thể 2a còn lại là mắc TCM ở thể nhẹ (độ 1) và chưa có trường hợp nào tử vong.
Đến nay, dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm xuống rõ rệt. Từ những ngày đầu tháng 6, số ca mắc TCM rất ít. Đơn cử, ngày 2 và 3/6, mỗi ngày chỉ có từ 2 đến 6 ca/ ngày, tính từ đầu năm 2012 đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh là 1.729 ca, số ca khỏi là 1.695, còn lại 34 ca đang điều trị tại cộng đồng, số các huyện, thị, thành phố mắc TCM nhiều nhất là Lục Yên 407 ca, Văn Yên 432 ca, Yên Bình 253 ca. Và số ca mắc TCM thời điểm hiện tại chỉ trên dưới 10 ca chủ yếu là ở thể nhẹ không nguy hiểm.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Đó là một tín hiệu đáng mừng đối với những người làm công tác y tế chúng tôi. Lúc dịch bệnh TCM mới xuất hiện, ngành y và nhất là khối dự phòng tuyến tỉnh đến cơ sở đều căng mình chống dịch. Các đoàn kiểm tra, giám sát rồi Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức xuống các nơi là điểm nóng của dịch để đôn đốc các ban ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương tăng cường phòng chống dịch”.
Ngoài ra, dịch TCM giảm là sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là khối y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở thông qua hệ thống giám sát tại cơ sở; kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Công tác phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục, chính quyền địa phương, truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cách phòng chống dịch TCM; đối với các địa phương có điểm nóng về ổ dịch thì trạm y tế nơi đó phải nhanh chóng báo cáo tình hình dịch về huyện, tỉnh, phối hợp với chính quyền xã xử lý ổ dịch dứt điểm bằng các biện pháp vệ sinh, cách ly, điều trị...
Đến nay, mặc dù dịch bệnh TCM đã tạm lắng nhưng chưa dứt điểm, dịch vẫn còn xuất hiện rải rác ở các địa phương trong toàn tỉnh. Khó khăn nhất hiện nay là việc chưa kiểm soát được số người lành có nhiễm trùng TCM chiếm tỷ lệ lớn tập trung chủ yếu là đối tượng người lớn.
Điều đáng nói hơn cả là hiện vẫn chưa có vắc xin đặc trị loại vi rút này. Vì vậy, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu nắng nóng và đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã từng xuất hiện những ổ dịch mới có chủng vi rút EV71 (loại chủng có độc lực cao, dễ gây tử vong), ngành y tế dự báo dịch TCM có thể sẽ còn diễn biến phức tạp và tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo đó, UBND các huyện, thị, thành phố và các ngành thành viên sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09/CT - UBND ngày 6/4 về “Tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM trên địa bàn tỉnh”; Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tễ, áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch đảm bảo không để lan rộng và kịp thời tham mưu với UBND tỉnh để có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng học, đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi... của học sinh; Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch TCM trên địa bàn; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã sẵn sàng hệ thống Napo xét nghiệm để chủ động giám sát tác nhân gây bệnh...
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - 6 năm qua (2006-2012), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái đã phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần xung kích tình nguyện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Ngày 20/6, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Công đoàn. Kinh phí công đoàn và sự bất bình đẳng giữa các loại hình kinh tế trong đóng góp phí công đoàn là một trong những vấn đề trọng tâm nhất.
YBĐT - Yên Bình nằm ở cửa ngõ phía nam của tỉnh Yên Bái, địa bàn chiến lược trong khu vực phòng thủ tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhiều năm qua được củng cố và giữ vững. Tạo nên thế trận vững chắc đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn.