Đóng 2% công đoàn phí có phù hợp?
- Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2012 | 8:32:30 AM
Ngày 20/6, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Công đoàn. Kinh phí công đoàn và sự bất bình đẳng giữa các loại hình kinh tế trong đóng góp phí công đoàn là một trong những vấn đề trọng tâm nhất.
|
Hiện nay, kinh phí công đoàn tại hầu hết các doanh nghiệp đều không đủ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Để luật hóa vấn đề này, dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi qui định: Kinh phí do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động.
Ông Liao, Jen-Cheng, Giám đốc nhà máy công ty cơ khí chính xác VN cho rằng: “Nếu theo quy định hiện nay, kinh phí công đoàn do người lao động phải đóng là 1% lương cơ bản thì chi phí không đủ. Công ty vẫn phải hỗ trợ thêm. Việc tăng lên 2% nhưng do doanh nghiệp đóng theo quy định mới công ty hoàn toàn tán thành, vì như vậy hoạt động của công đoàn cơ sở mới đủ kinh phí". Tuy nhiên, ông Liao cũng cho rằng, "việc trích 40% lên trên cần phải xem xét lại, vì như vậy kinh phí để lại cho hoạt động của công đoàn cơ sở sẽ không đủ”.
Trên thực tế, xung quanh việc đóng 2% kinh phí công đoàn vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành da giày, dệt may đều cho rằng, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Đăng, PGĐ công ty cổ phần giày Đông Anh, Hà Nội cho rằng: “Trong tình hình khó khăn như hiện nay mà phải đóng kinh phí như vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vậy buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động”.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên UB Kinh tế quốc hội khóa XIII, trong thời điểm doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay, chỉ nên qui định đóng 2% trên lương phải đóng bảo hiểm xã hội. “Trong lần sửa đổi luật này, cần qui định rõ nếu doanh nghiệp nào không thành lập công đoàn thì phải xử lý thế nào để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau để mức đóng 2% là công bằng”.
Hiện cả nước có khoảng 15 triệu lao động, nhưng chỉ có 3 triệu đoàn viên công đoàn, khoảng 85% doanh nghiệp dân doanh, 65% doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức công đoàn. Tình trạng này đang gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Hồng Đô, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc “các doanh nghiệp trong nước phải đóng phí 2%, trong khi các doanh nghiệp FDI chỉ đóng 1% là bất bình đẳng. Đặc biệt giữa những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với doanh nghiệp không có rất khó khăn trong việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở”.
Điều quan trọng cốt yếu để Luật Công đoàn đi vào cuộc sống thể hiện ở chế tài có chặt chẽ hay không. Nếu các vi phạm của doanh nghiệp không được xử lý, công đoàn cơ sở không phát huy được vai trò của mình và sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong thực hiện đóng phí công đoàn không được chấm dứt, thì dù được thông qua, tính khả thi của luật sẽ không cao.
(Theo VTV)
Các tin khác
YBĐT - Yên Bình nằm ở cửa ngõ phía nam của tỉnh Yên Bái, địa bàn chiến lược trong khu vực phòng thủ tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhiều năm qua được củng cố và giữ vững. Tạo nên thế trận vững chắc đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn.
YBĐT - Những năm gần đây, hoạt động thi hành án (THA) dân sự trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) gặp phải không ít khó khăn. Thậm chí có cả những vụ việc tòa tuyên án không đúng theo địa chỉ của đối tượng, không đúng với số liệu như bản án đã xét xử… dẫn tới tình trạng án tồn đọng không có khả năng giải quyết dứt điểm còn nhiều.
Sáng 19-6, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây nguyên báo cáo nhanh về ảnh hưởng của bão số 2 trên biển Đông. Theo đó cho biết do thời tiết xấu trên biển, nhiều tàu cá bị đánh chìm.