Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2012 | 4:04:30 PM
YBDDT - Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật cho sinh viên.
|
Thực hiện Quyết định 37/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp (HĐPH) cùng với UBMTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng ký kết các chương trình phối hợp về công tác TTPBGDPL theo các giai đoạn 2008 - 2012 và 2012- 2016.
Đội ngũ làm công tác PBGDPL các cấp được quan tâm, chú trọng, củng cố phát triển và nâng cao chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 29 ngành thành viên HĐPH công tác TTPBGDPL, 302 báo cáo viên pháp luật, 1.650 tuyên truyền viên, 10.368 hòa giải viên ở cơ sở và 21 CLB pháp luật, trên 130 CLB trợ giúp pháp lý làm công tác TTPBGDPL là những kênh tuyên truyền hiệu quả.
Nhiều năm qua, Sở Tư pháp duy trì việc phát hành định kỳ cuốn Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật của HĐPH 1 số/quý, phát hành đến 180 xã, phường, thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh duy trì tốt chuyên mục "Đời sống và pháp luật" và chuyên mục "Pháp luật với cuộc sống".
Việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã từng bước được đổi mới và phát huy tác dụng. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật, cập nhật nhiều đầu sách mới, ngày một đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Các đối tượng ngoài việc được tuyên truyền, phổ biến, tìm hiểu pháp luật qua tài liệu, sách báo, cuốn thông tin tuyên truyền còn được trợ giúp pháp lý tại các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt, các đối tượng thuộc diện chính sách, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa được quan tâm tư vấn về pháp luật bằng các buổi nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra công tác tuyên truyền còn được thực hiện thông qua hình thức giảng dạy, phổ biến kiến thức pháp luật cho các đối tượng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên.
Công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền điểm tại các xã, điểm chợ, tuyên truyền thông qua phiên toà xét xử lưu động và việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở và qua hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi... cũng được phát huy, đã thực sự tác động mạnh đến nhận thức pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ và thực hiện tốt Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh về "Tăng cường công tác TTPBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015" cần phát huy hơn nữa vai trò của HĐPH công tác PBGDPL các cấp.
Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc TTPBGDPL cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, nhất là 6 nhóm đối tượng mà Đề án tuyên truyền hướng đến đó là: cán bộ, công chức, viên chức; đồng bào dân tộc thiểu số; chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động trong các đơn vị kinh doanh.
Đồng thời tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của cán bộ, nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức tuyên truyền, tập trung hướng mạnh công tác TTPBGDPL về cơ sở.
Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ tư pháp ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu thực tế đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong công tác TTPBGDPL.
Từ đó nâng cao trình độ dân trí nói chung và hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói riêng của cán bộ và nhân dân đặc biệt là đồng báo các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, xây dựng thói quen, nếp sống làm việc theo pháp luật trong cán bộ và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Q.N
Các tin khác
YBĐT - Tuy là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nhưng đến điểm này mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Mù Cang Chải cũng đã sẵn sàng.
YBĐT - Những năm qua, nhân dân thành phố đã đóng góp hàng tỷ đồng cùng hiện vật, ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt đầu tiên trước ngày 7-9-2012.
YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo thực hiện, các VBQPPL được ban hành đúng quy trình, đúng pháp luật và có tính khả thi cao.