Lặng thầm sau cánh sóng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/8/2012 | 3:54:28 PM
YBĐT - Nếu các kỹ thuật viên sản xuất chương trình ở khâu cuối của quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí thì những người làm truyền dẫn phát sóng chính là công đoạn cuối cùng đưa các tác phẩm đó đến với công chúng.
Các kỹ thuật viên Đài PT-TH Yên Bái kiểm tra thiết bị kỹ thuật định kỳ. (Ảnh: Tô Anh)
|
Không bao giờ xuất hiện trước công chúng, không bao giờ lên hình cũng như không để lại tên tuổi và giọng nói trong mỗi chương trình phát thanh nhưng thiếu họ không thể có các chương trình phát thanh - truyền hình (PT-TH). Họ chính là các kỹ thuật viên (KTV) sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng của Đài PT-TH Yên Bái - những người đang hàng ngày, hàng giờ miệt mài bên các thiết bị máy móc, lặng lẽ với công việc.
Gửi niềm đam mê trong những khuôn hình
Các bàn dựng liền kề nhau, nhiều màn hình tivi, bàn điều khiển vô số nút nhỏ, nút to, tiếng phát thanh viên đọc chương trình, tiếng lách cách thao tác trên bàn dựng và tiếng trao đổi của những kỹ thuật viên đang cần mẫn làm việc - đó là không gian khu vực dựng hình thuộc Phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình Đài PT-TH Yên Bái.
Kỹ thuật dựng được xem là khâu hậu kỳ trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Nếu như quay phim được ví như người đi chợ, thu mua thực phẩm thì công việc của đạo diễn và KTV dựng hình lại như những người đầu bếp chế biến món ăn và sắp đặt mâm cỗ. Từ những hình ảnh thô, tiếng động hiện trường, dưới ý đồ đạo diễn và qua bàn tay của các KTV dựng hình sẽ trở thành những bản tin, những phóng sự sinh động, hấp dẫn.
Hiện tại, Đài PT-TH Yên Bái đang dựng hình theo 2 phương pháp đó là analog và phi tuyến. Với mỗi loại hình đều có những đặc trưng và thế mạnh riêng nhưng chủ yếu vẫn là dựng bằng analog. Để có những bản tin, những phóng sự truyền hình đến với công chúng thì các KTV sản xuất chương trình cùng ekip làm việc phải lựa chọn từng khuôn hình - công việc rất cần sự tỷ mỷ và chính xác cao.
Để có một phóng sự, phim tài liệu dài 30 phút thì KTV có khi phải mất đến 2, 3 ngày dựng hậu kỳ. Để có 45 giây giới thiệu chương trình đặc sắc, các KTV phải dựng cả giờ mới hoàn thành. Tất cả vì mục tiêu đem đến cho khán giả những giây phút sống động, chân thực nhất trên màn ảnh nhỏ.
Ngày nay, dựng không đơn thuần là sắp xếp lại hình ảnh mà còn phải biết kết hợp với âm thanh, các kỹ xảo để tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic, đảm bảo tính thẩm mỹ, góp phần chuyển tải nội dung một cách chân thực và sống động nhất. Nếu mỗi tác phẩm báo chí là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà báo thì kỹ thuật dựng cũng là một nghề “bán nghệ thuật”. Điều đó đòi hỏi KTV dựng hình cần có tư duy về hình ảnh, về toàn bộ chương trình.
Sự hỗ trợ của công nghệ với các phần mềm dựng như Adobe primer, Avid xpress pro cho phép có thể thực hiện các thao tác dựng nhanh chóng, chủ động và tiện lợi hơn.
KTV Ngọc Toàn - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình tâm sự: “Nghề KTV truyền hình không cho phép mình có sai số vậy nên chuyện nghề chỉ có vui thôi không có buồn nhưng kỷ niệm đáng nhớ thì nhiều vô kể. Mới đây thôi, trong chương trình truyền hình trực tiếp Đại hội Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XIII, những ngày diễn ra đại hội trời mưa như trút nước, các KTV phải vất vả thức khuya dậy sớm để lắp đặt các trang thiết bị làm chương trình, người bị nước mưa làm ướt hết nhưng vẫn phải giữ cho các thiết bị không bị dính nước. Có những hôm để đảm bảo chương trình thời sự, chúng tôi phải thức trắng đêm để dựng hình, thu âm. Mấy ai biết được đằng sau cánh sóng lại là những công việc âm thầm và đầy kiên nhẫn của các KTV sản xuất chương trình”.
Thức để “trông” sóng
Nếu các kỹ thuật viên sản xuất chương trình ở khâu cuối của quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí thì những người làm truyền dẫn phát sóng chính là công đoạn cuối cùng đưa các tác phẩm đó đến với công chúng. Đối với các KTV làm việc ở đây có lẽ yêu cầu đầu tiên là phải chính xác, chính xác đến từng phút, từng giây.
Do đặc thù công việc nên chỉ có Phòng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng là phải làm việc theo ca kíp. Mỗi ca làm việc kéo dài 6 tiếng. Người KTV truyền dẫn phát sóng có nhiệm vụ thu các chương trình phát thanh và truyền hình của Trung ương về và chuyển thành sóng mặt đất để phát sóng và phục vụ công chúng trong tỉnh, đồng thời nhận các chương trình PT-TH do Đài sản xuất sau đó đưa lên sóng hay chia vào cáp theo những mốc thời gian nhất định của chương trình.
Công việc đòi hỏi sự chính xác và anh chị em phải thay nhau làm việc 24/24h. Một công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề.
Nếu như trước đây, công nhân, kỹ sư truyền dẫn nhận băng rất thủ công rồi phát sóng thì nay công việc này đã được vi tính hoá 100%, chất lượng chương trình cũng được nâng lên. Thời lượng chương trình YTV cũng như việc tiếp sóng Đài THVN, Đài VOV đã tăng lên rất nhiều.
Hiện Đài tỉnh đang khai thác 6 máy phát gồm các kênh: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6, YTV và phát thanh. Trong đó, riêng kênh VTV2, VTV3 phát sóng liên tục 24/24h. Ngày tết, ngày lễ, ngày nghỉ họ vẫn phải tuân thủ nghiêm túc ca trực tiếp phát sóng.
Hiện tại, Phòng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài PTTH Yên Bái có 8 KTV, họ đều là những con người rất trẻ, thầm lặng bên cánh sóng.
Hoàng Hà
Các tin khác
YBĐT - Không tránh khỏi những khó khăn như bao đài PT-TH địa phương khác, song Đài PT-TH Yên Bái đã có những sáng tạo riêng để có thể thành công với truyền hình trực tiếp (THTT).
YBĐT - Trước tình trạng hầu hết người dân vùng nông thôn chưa thật sự quan tâm về vệ sinh môi trường (VSMT), Dự án Phát triển thị trường vệ sinh tại tỉnh Yên Bái đã được triển khai và đạt được những kết quả quan trọng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) vừa lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não do ký sinh trùng amip "ăn não".
YBĐT - Đối với báo chí nói chung và báo nói, báo hình nói riêng thì bản tin thời sự được coi là chương trình quan trọng được đông đảo công chúng quan tâm theo dõi ...