Văn Yên: Nâng bước học sinh tới trường
- Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2012 | 9:35:01 AM
YBĐT - Từ năm học 2004-2005, tạo điều kiện cho con em được ở gần trường để học tập tốt hơn, nhiều bậc phụ huynh ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tự nguyện mang vầu, tre dựng những túp lều tạm... Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Văn Yên.
Kết thúc buổi học, học sinh Trường THCS Châu Quế Hạ tham gia phụ bếp chuẩn bị cho bữa ăn.
|
Trường THCS Châu Quế Hạ, một trường học thuộc xã vùng 2 của huyện, học sinh con em dân tộc thiểu số ở đây không thuộc diện trợ cấp chế độ theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ nên những năm trước tình trạng học sinh bỏ học và tỷ lệ học sinh chuyên cần ra lớp còn thấp. Sau khi có mô hình bán trú dân nuôi, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt trên 98%, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thầy giáo Đào Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm 2005, có 20 học sinh ở thôn Khe Bành (cách điểm trường 15 - 17 km) ở bán trú. Đến nay, toàn trường đã có 130/307 học sinh ở bán trú tại trường và 32 em ở ngoại trú. Để duy trì sỹ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục, ngay đầu các năm học, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức họp dân bàn cách tháo gỡ khó khăn không để học sinh bỏ học, với những thôn cách xa điểm trường thì phụ huynh phải cho học sinh ở bán trú mức đóng góp từ 135 - 160 ngàn đồng/học sinh/ tháng".
Năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường đạt 25%, năm học 2011 - 2012, tỷ lệ này đã tăng lên 28%, đặc biệt, học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng nhiều.
Trước những năm 2004, 2005, do chưa có sự quan tâm đúng mức của các đơn vị trường học cũng như một số cấp ủy, chính quyền nên tình trạng học sinh bậc học trung học cơ sở ở huyện Văn Yên hàng năm bỏ học từ 1,5 - 1,7%. Những năm gần đây, bằng các nguồn xã hội hóa giáo dục, nguồn ủng hộ của cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn huyện, các doanh nghiệp, các bậc phụ huynh.
Đặc biệt, năm học 2011-2012, khi một số công trình nhà bán trú cho học sinh được xây dựng kiến cố từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nên nhu cầu ở bán trú của học sinh dần được đáp ứng.
Hơn nữa, năm 2012, tỉnh Yên Bái triển khai một số chế độ cho học sinh bán trú theo đề án của tỉnh với mức 40 - 50% mức lương tối thiểu đã góp phần nâng cao chất lượng ăn ở, sinh hoạt cho học sinh ở bán trú của toàn tỉnh nói chung và huyện Văn Yên nói riêng.
Đối với những đơn vị trường học bán trú không thuộc xã vùng 135, không được hưởng các chế độ theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, để khắc phục những khó khăn về lương thực, thực phẩm của học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lên kế hoạch xây dựng "Kho thóc bán trú" của huyện và các xã với hình thức: vào mùa thu hoạch mỗi hộ gia đình (trừ hộ nghèo) ủng hộ vào "Kho thóc bán trú" của xã từ 3 - 5 kg thóc, mỗi năm cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn huyện ủng hộ 1 ngày lương.
Với cách làm này, trong năm học 2011-2012, kho thóc bán trú ở 3 xã: Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng và Lâm Giang đã có 8.706 kg thóc, "Kho thóc bán trú" của huyện được xây dựng với 260 triệu đồng. Toàn bộ số thóc được sẽ được ủng hộ, giúp đỡ học sinh ở bán trú vào những tháng giáp hạt, đầu năm học mới, giúp các em ổn định và yên tâm học tập.
Đồng chí Vũ Minh Huê - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Văn Yên cho biết: "Hiện toàn huyện có 17 trường với 1.664 em ở bán trú tại trường. Việc duy trì và phát triển mô hình bán trú dân nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm để duy trì sỹ số học sinh vùng cao, học sinh người dân tộc thiểu số, tăng tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao".
Cùng với các giải pháp đồng bộ, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt quan tâm duy trì và phát triển mô hình bán trú dân nuôi nên không chỉ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học (hiện có 0,5% học sinh bỏ học ở cấp học THCS; bậc học mầm non và tiểu học không có học sinh bỏ học) mà chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Văn Yên đã được nâng lên rõ nét.
Năm học 2011-2012, toàn huyện có một học sinh đoạt giải ba cấp quốc gia môn Lịch Sử, 5 giải quốc gia môn năng khiếu, 58 giải cấp tỉnh; 2 học sinh đỗ thủ khoa đại học và cao đẳng, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Đó là tiền đề quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Văn Yên lên một tầm cao mới.
Đồng chí Trần Thế Hùng, Bí thư Huyện ủy Văn Yên:
Đây là việc làm thiết thực của mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, của các bậc phụ huynh chung tay giúp đỡ các em học sinh vùng cao gặp nhiều khó khăn trong quá trình đến trường. Hiệu quả của nó đã được chứng minh trong những năm học vừa qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình này, huyện vẫn gặp nhiều khó khăn bởi đời sống của nhân dân ở các xã vùng cao còn vất vả, thiếu thốn. Tôi mong muốn và đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí (khoảng 200 ngàn đồng/tháng/học sinh) cho con em ở các xã vùng cao khó khăn không thuộc diện xã 135 và bố trí 1 biên chế/mỗi trường học làm công tác quản lý học sinh. Đồng chí Nguyễn Đức Quảng - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban vận động xây dựng "Kho thóc bán trú" xã Châu Quế Hạ:
Nhờ sự đồng thuận của người dân nên con em thuộc vùng khó khăn đến trường ngày càng đông hơn, chất lượng giáo dục của xã từng bước được cải thiện. Em Triệu Thị Hà học sinh lớp 8B trường THCS Châu Quế Hạ:
|
Văn Tuấn
Các tin khác
Các trường học ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) đã có chủ trương hỗ trợ sách vở và học phí cho 16 học sinh là con em nạn nhân vụ sạt lở ngày 7-9.
Sáng sớm 13/9, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Ngày và đêm hôm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.
YBĐT - Hiện nay, cả 31 xã và thị trấn huyện đều có hội khuyến học; các phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” được đẩy mạnh; các trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và hoạt động tích cực để mọi người dân đều có cơ hội học tập.
YBĐT - Thời gian qua, Trường Quân sự tỉnh Yên Bái đã triển khai tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng; từ bồi dưỡng cán bộ huấn luyện, kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3 ở các địa phương, đến đào tạo, bổ túc sỹ quan dự bị, cán bộ quân sự cho cơ sở.