Văn Chấn đưa khuyến học đi vào chiều sâu
- Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2012 | 9:10:30 AM
YBĐT - Hiện nay, cả 31 xã và thị trấn huyện đều có hội khuyến học; các phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” được đẩy mạnh; các trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và hoạt động tích cực để mọi người dân đều có cơ hội học tập.
Giờ học môn Toán của học sinh Trường Tiểu học xã Suối Bu (Văn Chấn). (Ảnh: Trường Phong)
|
Đáng mừng là hội khuyến học cơ sở đã thu hút được hầu hết cán bộ chủ chốt các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội, cán bộ hưu trí và những người tâm huyết với công tác giáo dục tự nguyện tham gia công tác hội. Các cơ quan, trường học, thôn, bản đều đã thành lập chi hội khuyến học. Các xã vùng cao, vùng xa như: Suối Giàng, Minh An, Suối Bu… người dân đều đồng tình ủng hộ các phong trào khuyến học.
Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả đã làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong huyện về công tác khuyến học. Các tổ chức hội ngày thêm phát triển, hội viên tham gia ngày càng đông. Hiện nay, các xã, thị trấn có 374 chi hội, 39 ban khuyến học, 26.473 hội viên. Công tác khuyến học trong nhà trường được chú trọng, đến nay, có 95% đơn vị trường có chi hội khuyến học.
Hàng năm, các chi hội tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia phong trào thi đua “Hai tốt”; vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.
Các hoạt động đã góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tệ nạn xã hội; quyên góp sách vở, giấy bút, quần áo giúp đỡ học sinh vùng cao, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ. Mỗi năm, Văn Chấn có hàng trăm học sinh thuộc đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn học giỏi được nhận học bổng từ các nguồn tài trợ, tạo điều kiện cho các em vươn lên học tốt. Năm học 2008 - 2009, hưởng ứng phong trào “5 vạn cuốn vở ủng hộ học sinh vùng thiên tai, bão lũ”, giáo viên và học sinh toàn huyện đã góp được 1.129 cuốn vở và gần 8 triệu đồng ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các bạn học tốt.
Công tác khuyến học ngoài nhà trường phát triển, hàng năm đã giúp cho học sinh trên địa bàn huyện Văn Chấn có hàng nghìn chỗ ngồi mới và hàng ngàn ngày công, hàng trăm triệu đồng được huy động trong nhân dân để xây dựng trường lớp. Điển hình trong phong trào này là Hội Khuyến học xã Phù Nham, Sơn Thịnh, Bình Thuận, thị trấn Nông trường Trần Phú…
Có những cơ quan, đoàn thể dù chưa có tổ chức hội nhưng hàng năm đều có các hoạt động khuyến học khuyến tài như: hỗ trợ con em trong cơ quan, doanh nghiệp có thành tích học tập, thi cử đạt kết quả cao; tài trợ cho hoạt động khuyến học của huyện và các xã, thị trấn.
Nhiều cá nhân như ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Xây dựng Quang Thịnh ở thị trấn Nông trường Trần Phú mỗi năm cấp nhiều suất học bổng trị giá 10 - 30 triệu đồng cho học sinh nghèo học giỏi với tổng số tiền ủng hộ lên tới trên 300 triệu đồng. Thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền có ông Đặng Nho Quan - Trưởng thôn đã tự nguyện đóng góp vật liệu của gia đình làm 2 phòng học trị giá gần 10 triệu đồng. Trong thôn còn có ông Đặng Nho Tài tự nguyện hiến 2.000m2 đất để xây trường học.
Còn ở xã Bình Thuận có ông Nguyễn Quang Khâm - Giám đốc Doanh nghiệp chè Bình Thuận, ông Hoàng Văn Nam - chủ cơ sở sản xuất chè tư nhân, ông Đỗ Văn Lừng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Kiến Thuận đã trao nhiều giải thưởng trị giá hàng trăm triệu đồng cho học sinh Trường THCS Bình Thuận đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Các ông còn ủng hộ nhà trường xây cổng trường, tu sửa cơ sở vật chất, phục vụ công tác dạy học. Đặc biệt, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn từ năm 2009 - 2011 đã đầu tư hỗ trợ xây dựng phòng học, nhà bán trú cho học sinh trị giá trên 1,2 tỷ đồng...
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS xã Suối Giàng (Văn Chấn) trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. (Ảnh: H.N)
Phong trào “Gia đình hiếu học” ở Văn Chấn phát triển khá rõ nét. Nhiều gia đình ở vùng cao, vùng sâu đã biết chăm lo vật chất, tinh thần, tạo thuận lợi cho con em học tập. Không ít gia đình ở Suối Giàng, An Lương, Sùng Đô, Nậm Lành, Nậm Mười, Suối Quyền… dù thiếu ăn nhưng vẫn dành dụm lương thực cho con em về học nội trú tại trường.
Nhiều gia đình người Mông, người Dao… đã chủ động mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập, đầu tư thời gian cho con em học tốt hơn. Làm gương cho con em, ông bà, cha mẹ, anh chị đều cố gắng theo học các lớp xóa mù chữ, bổ túc tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều bậc cha mẹ đã tự tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng trang trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… đem lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình thu nhập thấp song vẫn tạo điều kiện cho con em học tập đạt kết quả cao.
Như ở xã Sơn A có nhà cả 3 anh chị em đỗ đại học; có gia đình ở Suối Giàng cả ông, con, cháu đều tham gia các lớp nâng cao trình độ văn hóa. Các “Dòng họ khuyến học” ở Văn Chấn ngày một phát triển. Điển hình cho các dòng họ khuyến học ở xã Sơn Thịnh là dòng họ Hà, dòng họ Trần Ích; xã Thượng Bằng La có dòng họ Hoàng, họ Hà; xã Nậm Lành có dòng họ Lý Kim; xã Suối Giàng có dòng họ Giàng…
Các dòng họ của người Dao, người Mông ở các xã vùng cao khác cũng đã quan tâm đến việc học hành của con cháu, là những nhân tố mới làm phong phú thêm truyền thống hiếu học ở các địa phương. Để khuyến khích con cháu học hành tiến bộ, các dòng họ đã tích cực đầu tư cho khuyến học.
Dòng họ Trần Ích hàng năm đều có nguồn quĩ gần 6 triệu đồng chi thưởng cho các cháu có nhiều thành tích trong học tập. Dòng họ Sa ở thôn Ba Khe 2, xã Cát Thịnh mỗi năm huy động được 5 triệu đồng tiền quĩ hỗ trợ đồ dùng học tập cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Dòng họ Lý Kim xã Nậm Lành huy động được nguồn quĩ trên 10 triệu đồng phục vụ khuyến học, khuyến tài.
Có thể khẳng định, hoạt động khuyến học, khuyến tài ở Văn Chấn đã đi vào chiều sâu và từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, Trường Quân sự tỉnh Yên Bái đã triển khai tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng; từ bồi dưỡng cán bộ huấn luyện, kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3 ở các địa phương, đến đào tạo, bổ túc sỹ quan dự bị, cán bộ quân sự cho cơ sở.
YBĐT - Xã Tân Hương huyện Yên Bình (Yên Bái) có địa bàn rộng trên 63 km, lại có tuyến quốc lộ 70 chạy qua. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển KT - XH, song cũng là những yếu tố phát sinh các loại tội phạm, tại nạn giao thông và tệ nạn xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
YBĐT - Hơn 5 năm triển khai thực hiện mới di dời được hơn 1.000 hộ dân, hiện toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn hơn 5.000 hộ sống và canh tác trong vùng nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai.
Bộ GD&ĐT vừa có quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Thông tư này đòi hỏi phụ huynh nếu ủng hộ nguồn lực cho giáo dục phải hoàn toàn tự nguyện và không vụ lợi.