Chỗ dựa tin cậy của hội viên

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2012 | 9:36:40 AM

YBĐT - Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo quyền lợi thiết thực của hội viên, Hội Phụ nữ xã Trung Tâm đã và đang là chỗ dựa tin cậy của phụ nữ địa phương.

Các cơ sở sản xuất tranh đá quý góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ huyện Lục Yên.
(Ảnh: Đức Toàn)
Các cơ sở sản xuất tranh đá quý góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ huyện Lục Yên. (Ảnh: Đức Toàn)

Hội Phụ nữ xã Trung Tâm (Lục Yên) hiện có 472 hội viên, sinh hoạt ở 15 chi hội, tổ hội; tỷ lệ chị em tham gia sinh hoạt hội chiếm trên 60%. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã tích cực vận động chị em thực hiện tốt các chương trình công tác trọng tâm của Hội; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể của địa phương thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo.

Hàng năm, Hội Phụ nữ xã Trung Tâm đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và các dự án mở từ 10 đến 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.000 lượt hội viên tham gia học tập về trồng lúa cao sản, nuôi lợn nái, nuôi gà thả vườn, nuôi cá…

Do đó, chị em luôn là những người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa các giống lúa có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao vào gieo cấy ở 100% diện tích lúa nước và trồng ngô lai, đỗ, lạc, trồng rau màu kết hợp chăn nuôi. Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp mới đã góp phần giảm công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, ở xã Trung Tâm, ngày càng có nhiều gia đình có thu nhập từ 30 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình như gia đình các chị: Nông Thị Bình, Ngô Thị Hoa, Lê Thị Nguyệt, Triệu Thị Nhâm chăn nuôi gà, ba ba, nhím; các chị Triệu Thị Thơm, Lý Thị Định, Trần Thị Thụy thâm canh lúa cao sản, trồng chè Kim Tuyên; chị Bùi Thị Doãn chăn nuôi 100 con lợn/lứa; chị Hoàng Thị Toan, Nguyễn Thị Bắc, Lý Thị Hồng với mô hình trồng rừng.

Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Huệ ở Chi hội Khe Vầu là chủ Hợp tác xã may mặc, tạo việc làm cho trên 10 lao động với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi giỏi, Hội còn tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú như: giao lưu văn hoá văn nghệ, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, vệ sinh môi trường, kiến thức dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS , phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… thu hút hàng ngàn hội viên tham gia.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung tâm cho biết: “Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, cùng với các đoàn thể của địa phương, chị em đã phối hợp với các thôn, bản huy động gần 3.000 ngày công nạo vét 55km kênh mương nội đồng; huy động trên 1.000 ngày công tu sửa, đào đắp trên 10km đường giao thông liên thôn.

Giúp chị em có vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ, Hội đã đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho 194 hội viên vay 2,261 tỷ đồng. Có vốn, chị em đã đầu tư mua trâu, bò, trồng rừng, kinh doanh hàng tạp hoá… Sử dụng vốn vay đúng mục đích, 100% số hộ đều trả nợ đúng hạn và hàng năm giúp cho trên 30 hộ thoát nghèo.

Với tinh thần tương thân tương ái, những năm qua, Hội còn huy động chị em giúp đỡ 12 hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ gần 400 ngày công lao động, 22,5 triệu đồng, 240kg gạo và tham gia gần 1.000 ngày công giúp 18 gia đình hội viên làm nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ, góp phần giúp chị em từng bước ổn định cuộc sống. Hội Phụ nữ xã Trung Tâm còn là một điểm sáng thực hiện 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" gắn với thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo", làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình và cuộc vận động “5 không, 3 sạch”.

Từ năm 2008, Hội duy trì Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với 22 hội viên tham gia, Câu lạc bộ công tác khuyến nông với 31 hội viên tham gia. Hàng năm, trên 85% số hộ hội viên đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, góp phần tích cực xây dựng các làng văn hoá, thực hiện tốt nội dung các hương ước trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo quyền lợi thiết thực của hội viên, Hội Phụ nữ xã Trung Tâm đã và đang là chỗ dựa tin cậy của phụ nữ địa phương.

Thái Hưng  

Các tin khác
Kết thúc buổi học, học sinh Trường THCS Châu Quế Hạ tham gia phụ bếp chuẩn bị cho bữa ăn.

YBĐT - Từ năm học 2004-2005, tạo điều kiện cho con em được ở gần trường để học tập tốt hơn, nhiều bậc phụ huynh ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tự nguyện mang vầu, tre dựng những túp lều tạm... Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Văn Yên.

Vụ sạt lở ngày 7-9 khiến nhiều em nhỏ ở xã La Pán Tẩn mồ côi.

Các trường học ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) đã có chủ trương hỗ trợ sách vở và học phí cho 16 học sinh là con em nạn nhân vụ sạt lở ngày 7-9.

Sáng sớm 13/9, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Ngày và đêm hôm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Giờ học môn Toán của học sinh Trường Tiểu học xã Suối Bu (Văn Chấn). (Ảnh: Trường Phong)

YBĐT - Hiện nay, cả 31 xã và thị trấn huyện đều có hội khuyến học; các phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” được đẩy mạnh; các trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và hoạt động tích cực để mọi người dân đều có cơ hội học tập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục