Hiệu quả bước đầu của Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe"
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 9:29:52 AM
YBĐT - Từ tháng 6 năm 2011, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” được triển khai tại hai huyện Văn Yên, Lục Yên (Yên Bái) bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng mừng.
Cán bộ y tế thôn, bản phát tờ rơi tận nhà cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
|
Thông qua việc khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe của bà mẹ và trẻ em như nâng cao hiểu biết, không kết hôn và mang thai sớm, chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn... Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng xấu cho bà mẹ, trẻ em trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo số liệu thống kê, tình trạng mang thai sớm và tai biến sản khoa ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Lục Yên,Văn Yên còn khá phổ biến. Tuổi trung bình kết hôn và mang thai lần đầu sớm hơn khoảng từ 3 - 4 năm so với tuổi trung bình của cả nước về độ tuổi sinh đẻ. Cụ thể, với dân tộc Tày, tuổi kết hôn trung bình là 20,43 tuổi” và dân tộc Dao là 19,19 tuổi”. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có các vấn đề về sản khoa như nạo phá thai, sảy thai, thai chết lưu... theo ước tính, cứ 100 phụ nữ thì có 21 trường hợp tại huyện Lục Yên và 29 trường hợp tại huyện Văn Yên.
Mặt khác, do thiếu hiểu biết nên đồng bào ít được tiếp cận dịch vụ y tế, tại huyện Lục Yên là 5,7% và huyện Văn Yên là 14,2%; tỷ lệ sinh con tại nhà ở huyện Văn Yên là 20,5% và huyện Lục Yên là 10,6%. Một yếu tố nữa ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng này là tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất thiết phải sinh con trai để nối dõi vẫn còn khá phổ biến; người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nơi sinh của phụ nữ.
Qua khảo sát, ở Văn Yên, người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nơi sinh của phụ nữ: 31,5% người chồng quyết định nơi sinh so với 7,9% người vợ quyết định; mong muốn nhất thiết phải sinh con trai phổ biến ở 18% số cặp vợ chồng, nhất là trong đồng bào Dao và Tày: 27,1% số cặp vợ chồng dân tộc Dao và 28,6% số cặp vợ chồng dân tộc Tày.
Còn đối với huyện Lục Yên, người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nơi sinh của phụ nữ là 21,1%; mong muốn nhất thiết phải sinh con trai phổ biến ở 9,1% số cặp vợ chồng, nhất là ở hai dân tộc Dao, Tày và chiếm 28,6% số cặp vợ chồng dân tộc Dao.
Tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4 còn khá phổ biến ở các xã được triển khai Dự án như Động Quan (Lục Yên); Quang Minh, Phong Dụ Thượng (Văn Yên)... và chủ yếu tập trung ở các thôn có đồng bào Dao, Tày. Sinh nhiều con, mang thai sớm, đẻ mau đã khiến cho các bà mẹ gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn cộng với không có điều kiện chăm sóc sức khỏe trước, trong khi mang thai nên kéo theo nhiều hậu quả như: kinh tế càng khó khăn, ốm đau, bệnh tật, suy dinh dưỡng và thất học ở trẻ em.
Tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án, 6 tháng đầu năm 2012, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Lục Yên là 37 trường hợp, chiếm 4,2%; huyện Văn Yên 90 trường hợp, chiếm 9,1%. Nguyên nhân làm cho bà mẹ, con sau khi sinh bị suy dinh dưỡng, bị dị tật, sức khỏe của người mẹ bị ảnh hưởng là do bà mẹ mang thai vẫn phải lao động nặng cho tới ngày sinh.
Nguyên nhân đặc thù và hạn chế nhất trong quá trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số là sự bất đồng về ngôn ngữ, nhận thức và cách tự chăm sóc sức khỏe trước, trong khi mang thai hầu như không có. Hơn thế, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều từ những người có vai trò quyết định trong gia đình như: chồng, bố mẹ nên chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng mức.
Hơn một năm triển khai Dự án tại huyện Lục Yên, Văn Yên đã bước đầu có những hiệu quả nhất định với các hoạt động như tổ chức hội nghị vận động các cấp chính quyền địa phương tham gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, thay đổi và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi...
Ông Lương Kim Đức - Giám đốc Dự án tại Yên Bái cho biết: “Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục đào tạo cho đội ngũ cán bộ truyền thông, nhân viên y tế cộng đồng; tập huấn về hành vi làm mẹ an toàn, kỹ năng chăm sóc trẻ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; hỗ trợ nhóm cộng đồng được tiếp cận thông tin làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ.
Đặc biệt, Dự án chú trọng áp dụng các phương thức truyền thông thay đổi hành vi phù hợp với văn hóa, tập quán của người dân địa phương; nâng cao năng lực và cam kết của địa phương thực hiện với các nội dung can thiệp cụ thể như truyền thông thay đổi hành vi làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em; không kết hôn và mang thai sớm; các cặp vợ chồng chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn; nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi và huy động cộng đồng tuyến huyện, xã, thôn”.
Thực tế vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình triển khai Dự án như bất đồng ngôn ngữ, tập quán, giao thông khó khăn, thiếu các phương tiện phục vụ cho hoạt động tiếp cận truyền thông đại chúng nên rất cần có sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép tuyên truyền các chương trình để Dự án đạt hiệu quả cao.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/9, Chi nhánh Viettel Yên Bái khởi công xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng” cho gia đình đoàn viên Nguyễn Ngọc Tuấn - Chi đoàn chi nhánh Viettel Yên Bái tại khu tái định cư xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Sau hơn 1 tháng, nhiều địa phương và bệnh viện trung ương áp dụng khung giá viện phí mới, ngày 16-9, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết, với các dịch vụ y tế có giá bất hợp lý, BHXH Việt Nam sẽ không chấp nhận thanh toán.
Sáng 17/9, tin từ UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết lại có thêm 2 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện.
YBĐT - Từ năm 2010 đến nay trên địa bàn thôn 1 xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái có 3 công trình là Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái và bệnh viện Lao phổi cần giải phóng mặt bằng với hơn 100 hộ dân trong thôn phải thu hồi đất.