Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2013 | 9:15:36 AM

YBĐT - Hàng năm, cứ đến dịp tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa lại trở nên sôi động. Đây là lúc các nhà sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường một lượng hàng hóa lớn để phục vụ người tiêu dùng. Trước tết Nguyên đán chừng một tháng, các cơ sở kinh doanh ở Văn Chấn đã rục rịch gom hàng phục vụ dịp tết.

Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra hàng hóa tại Sơn Thịnh.
Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra hàng hóa tại Sơn Thịnh.

Hàng hóa phong phú, sức mua yếu

Chợ Tú Lệ những ngày cuối năm khá vắng, vài người dân xuống chợ mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ gia đình. Anh Hảng A Chay - một khách mua hàng tại chợ cho biết: “Chuẩn bị sang năm mới, mình đi mua sắm quần áo, thực phẩm cho gia đình. Hàng hóa nhiều nhưng nhiều hàng cũ, mình đã chọn mãi mới được một bộ quần áo, mấy thứ đồ dùng. Tuy không ưng lắm mà mình cũng không có nhiều tiền để mua đồ đắt hơn”.

Tú Lệ là một trong những đầu mối trung chuyển hàng hóa từ vùng thấp lên và với gạo đặc sản nếp tan nên nơi đây có hoạt động buôn bán khá sôi động. Khu vực chợ có 34 hộ kinh doanh, buôn bán hàng tạp hóa, trong đó phân nửa là buôn bán quần áo, giày dép.

Hàng ngày, ngoài xe tải của các tư thương miền xuôi đến đổ hàng thì tùy từng thời điểm, các hộ kinh doanh có thể gửi hàng từ thị xã Nghĩa Lộ theo những xe khách qua lại cả chục chuyến mỗi ngày. Hàng hóa chủ yếu là các nhu yếu phẩm cần thiết, chất lượng trung bình, thậm chí nhiều mặt hàng cũ, lỗi mốt, quá hạn sử dụng mà các hộ kinh doanh trà trộn bán cho người dân.

Anh Lê Tuấn Anh - chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại chợ Tú Lệ cho biết: “Đời sống của nhân dân còn khó khăn nên tôi chỉ nhập hàng bình thường về bán với giá cả phải chăng, nếu có nhập hàng cao cấp cũng khó bán. So với mọi năm, lượng khách hàng năm nay giảm rất nhiều”. 

Với địa bàn rộng, Văn Chấn có hệ thống phân phối hàng hóa khá rộng, gồm 2.000 cơ sở kinh doanh, trong đó trên 1.740 hộ kinh doanh buôn bán lẻ tại các chợ được xây dựng tại trung tâm các xã, thị trấn và các khu dân cư. Các khu chợ và các quán hàng bán lẻ tại khu vực vùng cao, vùng ngoài và khu vực trung tâm huyện, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, số lượng hộ kinh doanh đông hơn mọi năm. Tùy vào nhu cầu của nhân dân mà ở mỗi khu vực, chất lượng hàng hóa, chủng loại cũng khác nhau.

Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng trong nước chiếm đa số; các mặt hàng quần áo, giày dép tùy nơi, hàng Việt chiếm 40% - 70%. Bà Hoàng Thị Hợi - một khách hàng cho biết: “Đa số người dân chúng tôi thích chọn mua hàng do Việt Nam mình sản xuất nhưng mẫu mã của hàng Việt vẫn đơn điệu, giá còn cao nên cũng khó mua”.

 

Nhân dân mua hàng tại chợ xã Tú Lệ

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Một trong những vấn đề lo ngại trong mỗi dịp lễ, tết là tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại hàng hóa không tem nhãn như nước mắm đóng can, mì tôm trần... rất ít xuất hiện nhưng vẫn có một số loại hàng hóa kém chất lượng được “ngụy trang” dưới những bao bì hết sức bắt mắt, đánh lừa người tiêu dùng và được làm giả hết sức tinh vi. Khu vực cổng trường học, chợ vùng cao, chợ phiên là những nơi các đối tượng buôn bán lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham  rẻ để trà trộn bán hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Văn Chấn là địa bàn trung chuyển hàng hóa tới các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và tỉnh Lai Châu. Trước tết Nguyên đán hơn một tháng, các chủ hàng gom hàng để bán tết, vì vậy hoạt động vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu nhộn nhịp, là điều kiện để các đối tượng lợi dụng để gian lận thương mại.

Trước nguy cơ gia tăng tình trạng gian lận thương mại trong dịp tết Nguyên đán, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh hoạt động của lực lượng chức năng, huyện đã thành lập đoàn kiểm soát liên ngành, tăng cường hoạt động trong tháng cao điểm.

Trong tuần đầu của năm 2013, Đội Quản lý thị trường số 7 huyện Văn Chấn đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông, khu vực chợ trung tâm huyện phát hiện 3 vụ gian lận thương mại, 6 hộ kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá và bán hàng sai giá niêm yết, phạt hành chính và thu giữ hàng hóa trên 50 triệu đồng. Số hàng phát hiện gồm 10 thùng dầu gội đầu giả nhãn hiệu Clear, Dove; 4.800 lon nước giải khát kém chất lượng; 20 lô hàng giày, dép, quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong thời gian từ nay đến tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng của huyện Văn Chấn sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ gian lận thương mại cả trên khâu lưu thông và tại các cơ sơ kinh doanh hàng hóa cố định, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết, hàng cấm, hàng trò chơi bạo lực và văn hóa phẩm độc hại. 

Ông Vũ Mạnh Thực - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, huyện Văn Chấn: 

Những năm gần đây, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đã hạn chế rất nhiều tình trạng gian lận thương mại. Chúng tôi xác định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là hoạt động thường xuyên, liên tục và ngoài lực lượng chuyên ngành đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với những hàng hóa có giá rẻ đột biến, hàng sắp hết hạn sử dụng…

 

 

Ông Lò Văn Thịnh - Trưởng ban Công an xã, Phó ban Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm xã Tú Lệ:

Xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa chấp hành Luật thương mại. Qua kiểm tra đã tịch thu, một số loại hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu là nước giải khát, bánh, kẹo. Thực tế việc kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn vì không có cơ sở xử lý.

 

Bà Phạm Thị Bình - Chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Sơn Thịnh:

Gia đình tôi nhập đủ loại hàng để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thông thường, tôi nhập hàng Việt Nam khoảng 50% - 70%. Bây giờ, nhu cầu của khách hàng cũng cao hơn, đa dạng hơn. Vì vậy, tôi phải nhập hàng đẹp, giá cả phải chăng mới bán được. Dịp này, khách hàng đông hơn nhưng nói chung là năm nay tiêu thụ chậm hơn.

 

 

Bà Hoàng Thị Thư - Thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh:

Hàng hóa năm nay khá phong phú, giá cả cũng không tăng nhiều so với năm trước. Người mua hàng chủ yếu theo thói quen nhìn mẫu mã, xem giá cả chứ không mấy quan tâm đến nguồn gốc. Hầu hết các loại hàng của Việt Nam sản xuất đều được niêm yết giá trên bao bì. Còn một lượng lớn hàng nhập khẩu, không rõ xuất xứ, các chủ hộ kinh doanh lợi dụng điều này nói thách rất cao.

T.V (thực hiện)

 Trần Van

Các tin khác

Sáng 29/1/2013, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị

YBĐT - Chiều 17/1, dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã triển khai “Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013”, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2013.

Chi cục Quản lý thị trường tiêu hủy gà nhập lậu.

YBĐT - Mỗi dịp tết đến, xuân về, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thường tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Như đã đề cập, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn thường trực “nóng” và luôn “nóng” mỗi ngày.

Đồng chí Vũ Xuân hải - Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Yên đọc Quyết định bàn giao nhà chính sách cho gia đình ông Vũ Đình Phúc ở xã Yên Hưng.

YBĐT - Theo số liệu thống kê, đến tháng 9 năm 2012, trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn 646 hộ gia đình cựu chiến binh là đối tượng người có công còn nghèo về kinh tế, khó khăn về nhà ở. Đây là nỗi trăn trở và cũng là trách nhiệm của cả cộng đồng, các cấp hội CCB trong toàn tỉnh cần sớm được chung tay tháo gỡ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục