Tự hào lính đảo Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 2:19:22 PM

YBĐT - Điểm chung họ vẫn cùng nhau nhắc nhớ và chia sẻ là một thời ký ức Trường Sa. Sống như một người lính, kiên cường, dũng cảm không chỉ là gương sáng cho thế hệ trẻ mà còn bởi niềm tự hào mãi mãi trong lòng mỗi người: tự hào lính đảo Trường Sa!

Đảo trưởng Nguyễn Thạc Sơn (phải) tại đảo Tiên Nữ năm 1998.
Đảo trưởng Nguyễn Thạc Sơn (phải) tại đảo Tiên Nữ năm 1998.

Trung tá Nguyễn Thạc Sơn bồi hồi nhớ về ký ức một thời sống và công tác tại Trường Sa. Hoàn thành nghĩa vụ, anh được cấp trên cử đi học Trường Sỹ quan Lục quân 1 và khi tốt nghiệp về Đoàn B55, Quân khu II. Sau đó, anh được chọn sang Quân chủng Hải quân, biên chế vào Đoàn Trường Sa năm 1994. Đơn vị của anh thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.

Ở môi trường mới quả là khó khăn đối với anh cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ quê núi. Hiểu sâu sắc điều đó nên anh em thêm quyết tâm hơn, khổ luyện hơn để làm quen với biển đảo. "Những năm đầu được biên chế trong đơn vị gần bờ song mình thường xuyên trên tàu hàng tuần lễ để tuần tra, quản lý đảo và cùng đồng đội đánh vật với bao hiểm nguy khi sóng to gió lớn, khi sắp có bão biển... 33 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mình đã từng được đặt chân tới” - anh Sơn tự hào.

Thời gian và kinh nghiệm đi biển đủ để đại úy Nguyễn Thạc Sơn tiếp tục nhận nhiệm vụ trực tiếp tại đảo năm 1997. Tiên Nữ - nơi anh tới là một đảo chìm. Khu vực này, ngoài đảo Tiên Nữ còn có nhiều đảo khác với mật độ phân bố thưa và đều. Hồi đó, lính đảo chìm thường ở “nhà cao cẳng”, xây dựng kiểu cột bê tông cao hơn bãi đá chìm khoảng 3 đến 4m. Khi thủy triều lên, những rạn đá san hô đều bị nhấn chìm hết, chỉ còn nhô lên vọng gác hình bát giác cũng là nơi ở của các chiến sỹ với mênh mông sóng nước.

Trên đảo, nguồn nước ngọt hiếm hơn cả, phải phụ thuộc vào nước mưa là chính. Tuy là đảo nhỏ nhưng Tiên Nữ lúc đó đã có thiết bị bắt sóng VTV1 và VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Thế nhưng phải xa nhà đằng đẵng, ai cũng nhớ, nhất là anh em mới ra. Họ đã đoàn kết, động viên nhau và cùng chia sẻ.

Anh bùi ngùi: "Những lá thư sâu nặng tình quê hương, gia đình đã làm thêm ấm lòng người lính nơi đảo xa. Ngày nghỉ hay những lúc sau huấn luyện, anh em tổ chức đánh lưới, câu cá... cũng vơi đi nỗi nhớ nhà". Ngoài cá hộp, thịt hộp, những con cá thu bè, cá ghìa... đánh bắt được đã cho lính đảo bữa ăn thêm tươi, ngon miệng. Chất đốt chủ yếu là dầu nhưng để tiết kiệm, anh em tranh thủ vớt những cây gỗ, ván trôi gần đảo.

Công tác ngoài đảo xa tuy gian khổ nhưng là dịp để người lính trải nghiệm cũng như đọng lại nhiều ký ức, kỷ niệm khó quên. Chẳng thế mà khi  đang quay về một thời đáng nhớ, anh Sơn rút di động kết nối: “Alô! Khương đấy hả? “Chướng ruột” đang làm gì thế? Gia đình khỏe cả, công việc ổn định là tốt rồi!”...

Sau phút gặp đồng đội qua điện thoại, anh Sơn kể lại: “Hồi ở đảo Tiên Nữ, mình là Đảo trưởng, trung úy Khương - người vừa nói chuyện qua điện thoại - lúc đó phụ trách tổ xây dựng đảo. Trong khi đi kiểm tra, thấy một chiếc phi bị trôi, anh bơi ra vớt. Lúc ấy, Khương cũng chẳng hề nhận ra sóng dữ hơn mọi ngày. Càng cố bơi vào, sóng càng kéo bật ra xa đảo hơn. Hàng tiếng đồng hồ đánh vật với sóng lớn, chiếc phi mỗi lúc mỗi chìm. Khi anh em trên đài quan sát phát hiện thấy, anh đã cách đảo hàng trăm mét. Mình nhanh chóng chỉ huy anh em dùng xuồng và bằng mọi cách đưa anh Khương vào. Uống nước biển, ngâm nước nhiều, giờ anh phải truyền dịch cả tuần lễ để thải muối, chống nguy cơ phình chướng ruột. Thú thật, lần đó, cánh lính đảo không bao giờ quên".

Đảo trưởng Nguyễn Thạc Sơn (phải) tại đảo Tiên Nữ năm 1998.

Tổ chức duy trì nghiêm chế độ trực quan sát, canh gác trên không, mặt biển là nhiệm vụ số một. Nhiều tình huống các tàu thuyền lạ vi phạm hải phận, anh Sơn cùng đồng đội đã linh hoạt dùng đối sách bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo. Có trường hợp một người Phi-líp-pin bị đắm thuyền trôi dạt, anh Sơn kịp thời có phương án xử lý cứu vớt, bảo đảm an toàn cho người bị nạn và trao trả họ về nước. Đầu năm 1998, đồng chí Phạm Thế Duyệt - khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị đã ra tận đảo động viên, biểu dương tinh thần trách nhiệm của chỉ huy đảo và anh em đơn vị. Gắn bó với Đoàn Trường Sa 9 năm, anh Sơn luôn tự hào khi được góp sức cho biển đảo Tổ quốc.

Cựu chiến binh Hà Long Giang, Đặng Ngọc Lợi từng là lính Trường Sa rất vui khi góp chuyện biển đảo. Tuy thời gian ở Trường Sa không dài như anh Sơn nhưng với anh Giang, anh Lợi, đó cũng là một thời để nhớ. Năm 1992, anh Giang là Tiểu đoàn phó thuộc Đoàn B55, Quân khu II. Nhận lệnh của cấp trên, anh xác định, bảo vệ đảo là trách nhiệm của mỗi người lính. Anh đã được bố trí ra thẳng đảo Sơn Ca, không có giai đoạn làm quen gần bờ như một số anh em khác. Ba năm ở Trường Sa, thiếu tá Hà Long Giang làm Tiểu đoàn phó Chính trị trên đảo Sơn Ca rồi sang đảo Song Tử.

“Mình được ở các đảo có điều kiện hơn cánh lính ở đảo nhỏ, đảo chìm. Trên đảo cũng có bãi đánh bóng chuyền, phần thưởng cho đội thắng là bịch lương khô, vui đáo để! Nhiều đảo có bãi cát, những chú vích biển hay lên đẻ trứng. Hai đảo mình ở đều có phong trào chăn nuôi phát triển nhất Trường Sa nên lính đảo thường ngợi ca “Chó Sơn Ca, gà Song Tử” - cựu chiến binh Hà Long Giang say sưa kể. Đời sống vật chất ở đảo cơ bản tốt nhưng về mặt văn hóa, tinh thần còn thiếu thốn. Dù vậy, mỗi người lính đảo vẫn đồng tâm và chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương.

Kỷ niệm không quên là có lần, ba anh em đi chiếc xuồng máy xăng ra nhận đồ trên tàu lớn thì xuồng đột ngột chết máy. Xuồng trôi dạt hàng cây số, không nhìn thấy đảo đâu, bao hiểm nguy đe dọa tính mạng. Trong khoảnh khắc ấy, đồng chí lái xuồng cố chịu đựng cơn say sóng, mày mò sửa chữa. May mắn vô cùng, chiếc xuồng đã nổ được máy và tìm hướng đảo trở về an toàn. Anh em đón nhau mừng vui khôn xiết...

Bây giờ, trung tá Nguyễn Thạc Sơn công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Yên Bái, anh Khương chuyển ngành làm giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội và những người lính Trường Sa như Hà Long Giang, Đặng Ngọc Lợi đã trở thành cựu chiến binh... Điểm chung họ vẫn cùng nhau nhắc nhớ và chia sẻ là một thời ký ức Trường Sa. Sống như một người lính, kiên cường, dũng cảm không chỉ là gương sáng cho thế hệ trẻ mà còn bởi niềm tự hào mãi mãi trong lòng mỗi người: tự hào lính đảo Trường Sa!

Văn Trung

Các tin khác
Chợ quê ngày tết.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên quê nghèo lam lũ nên phiên chợ quê ngày tết đã in trong tiềm thức tuổi thơ tôi với niềm nhớ thương, háo hức… để rồi khi đủ lớn, tôi mới nhận ra rằng, chợ quê ngày tết chẳng đơn thuần chỉ là phiên chợ cuối cùng của năm mà còn là biểu trưng cho những giá trị truyền thống của một vùng văn hóa Việt...

Tượng đài trên bến Âu Lâu.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chúng tôi đến gặp người lái phà trên bến Âu Lâu năm xưa đưa vũ khí cùng những đoàn quân vào chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ. Ông là Phạm Trung Tốn, 85 tuổi, hiện đang ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ngoại bát tuần nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn.

Miền Bắc rét đậm dịp nghỉ Tết Quý Tỵ

Từ khoảng 28 Tết, miền Bắc bắt đầu chuyển rét đậm, có nơi rét hại do không khí lạnh cường độ mạnh tràn về. Dự báo trong cả đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, trạng thái mưa rét sẽ diễn ra ở hầu khắp miền Bắc và miền Trung.

Chiều 4-2, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã giai đoạn 2013-2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục