Sức trẻ lập nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2013 | 3:16:41 PM
YBĐT - Thành đoàn Yên Bái đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo nên những khởi sắc trong phát triển kinh tế của ĐVTN.
Đoàn viên Triệu Mùi Mấy (đội mũ) bên mô hình trồng ớt với diện tích 1,1ha của gia đình.
|
Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp đã trở thành một nội dung quan trọng trong công tác đoàn ở các cấp. Để phong trào ngày càng thiết thực, mang lại hiệu quả rõ nét, Thành đoàn đã tích cực vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các đề án phát triển của thành phố tại địa phương. Qua đó đã xuất hiện nhiều ĐVTN làm kinh tế giỏi, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên.
Năng động sức trẻ
Đoàn viên người dân tộc Dao Triệu Mùi Mấy, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc - một trong những đoàn viên xung kích của phong trào lập thân, lập nghiệp. Cuộc sống gia đình Mấy không khá giả và càng khó khăn hơn khi có thêm thành viên mới. Nhưng cũng chính lúc khó khăn, vợ chồng Mấy đã biết vượt qua, vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu. Năm 2012, Mấy quyết định tham gia Dự án sản xuất nấm, được hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư trên diện tích 50m2.
Mấy thổ lộ: “Tham gia dự án trồng nấm, ngoài được hỗ trợ về vốn, mình còn được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi trồng nấm, mộc nhĩ. Mình cũng tham khảo cách làm ở sách, báo và sau khi thử nghiệm, nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Trồng nấm không khó lại không mất nhiều thời gian nên mình tranh thủ nuôi thêm gà, tham gia Dự án trồng ớt xuất khẩu với diện tích 1,1ha”.
Suy nghĩ của Mấy chưa dừng lại ở đó mà người đoàn viên sinh năm 1990 này còn có những dự định quan trọng hơn trong tương lai. Mấy cho biết thêm: “Thời gian tới, mình dự định mở rộng diện tích trồng nấm lên 150m2 với gần 10.000 bịch nấm, mộc nhĩ. Nếu được tạo điều kiện hỗ trợ về vốn thì mình sẽ tham gia Dự án nuôi lợn nái của thành phố”.
Chị Hoàng Thị Hải Vân - Phó bí thư Đoàn xã Tuy Lộc cho biết: “Với tinh thần xung kích, tiên phong, thanh niên Tuy Lộc đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả mà đoàn viên Triệu Mùi Mấy là một điển hình. Đây là một đoàn viên gương mẫu, cần cù, khắc phục mọi khó khăn để làm giàu chính đáng”.
Phát huy sức trẻ, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Trọng Đại ở xã Giới Phiên đã trở thành tấm gương sáng để các bạn ĐVTN noi theo. Anh là gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VII của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2012.
Bằng vốn kiến thức được học tập và chịu khó nghiên cứu, tìm tòi qua sách báo, anh Đại đã thử sức mình bằng việc vay vốn ngân hàng mở cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc; xây dựng mô hình chăn nuôi với gần chục con lợn nái, 50 con lợn bột và đầu tư dây chuyền sản xuất, cung ứng phân viên nén dúi sâu với sản lượng 200 tấn/năm.
Đến nay, các mô hình của anh đều thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí mỗi năm thu trên 200 triệu đồng. Anh còn giúp đỡ nhiều ĐVTN địa phương làm kinh tế và tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ, 3 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. “Mình nghĩ thanh niên cần gì phải đi đâu xa khi chính quê hương mình là nơi có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển kinh tế. Mình rất vui khi cơ sở sản xuất của mình đã giúp được nhiều thanh niên trong xã có việc làm!” - anh Đại tâm sự.
Đồng hành cùng thanh niên
Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, Thành đoàn đã tổ chức tuyên truyền các chương trình, đề án của tỉnh, thành phố về hỗ trợ phát triển kinh tế tới ĐVTN. Thành đoàn cũng vận động ĐVTN thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các đề án phát triển của thành phố tại địa phương.
Hiện nay, thành phố có khoảng 50 mô hình phát triển kinh tế nổi bật do các ĐVTN làm chủ như: mô hình nuôi ba ba sinh sản của đoàn viên Lê Anh Tuyên; mô hình sản xuất gạch bê tông của đoàn viên Trần Nam Tân; dự án nuôi lợn nái của đoàn viên Nguyễn Văn Sáng...
Các mô hình đã thu hút nhiều đoàn viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Giúp thanh niên tự giải quyết việc làm, Thành đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo nguồn vốn cho thanh niên vay với số tiền 1,1 tỷ đồng. Đoàn các trường chỉ đạo và triển khai tốt việc hướng dẫn sinh viên vay vốn tham gia học tập tại các trường cao đẳng, đại học.
Bên cạnh đó tổ chức các lớp dạy nghề theo Đề án 1956, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ngành nghề mới thu hút trên 100 ĐVTN tham gia. Thành đoàn cũng đã chỉ đạo đoàn các trường học làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với ban giám hiệu nhà trường tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 3.500 lượt ĐVTN.
Thành đoàn đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo nên những khởi sắc trong phát triển kinh tế của ĐVTN.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Nhân Tháng Thanh niên 2013, phóng viên YBĐT đã có cuộc trò chuyện với anh Nông Việt Yên - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái về khí thế của thanh niên trước vận hội mới.
YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được, Tân Đồng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân.
Năm 2013, nhiều trường khối văn hóa nghệ thuật được tuyển sinh riêng với những quy định đặc thù về ngày thi, khối thi, môn thi, nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi… mà thí sinh cần lưu ý.
YBĐT - Mô hình trường bán trú như ở Phong Dụ Thượng là một trong những ví dụ sinh động bước đầu khẳng định sự cần thiết nhờ những hiệu quả mang lại đã góp phần thắp sáng ngọn lửa ước mơ trên chặng đường vươn tới tri thức cho học sinh vùng cao vốn còn gập ghềnh gian khó.