Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND về xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010 - 2015

Nền tảng những đổi thay

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 9:00:53 AM

YBĐT - Thay vì những bữa cơm đạm bạc chỉ có nước sôi, muối ớt và ít rau rừng, giờ đây, bữa cơm của hàng ngàn học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh nói chung và huyện Văn Yên nói riêng đã có thêm thịt, cá, đậu và các loại rau xanh…

Học sinh bán trú huyện Văn Yên ôn bài tại ký túc xá nhà trường.
Học sinh bán trú huyện Văn Yên ôn bài tại ký túc xá nhà trường.

Sự thay đổi “kỳ diệu” này là nhờ có Quyết định số 85/2010/QĐ - TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2015.

Trường PTDTBT-THCS Mỏ Vàng, huyện Văn Yên,  một bên là những lớp học im phăng phắc, một bên là những công nhân đang khẩn trương thi công xây dựng khu nhà ở bán trú cho học sinh. Thầy giáo Hoàng Đình Văn - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Năm học này nhà trường được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nên chất lượng giáo dục toàn diện đã từng bước được nâng lên. Những học sinh đi học xa nhà, trước đây do tính chất “dân nuôi” nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các em rất khó khăn, thiếu thốn, các em thường xuyên bỏ học.

Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền ăn bằng 40% lương cơ bản/học sinh bán trú/tháng và thêm 10% lương cơ bản đối với những học sinh không có chỗ ở, các em đã được ăn đủ no, mặc đủ ấm, có thuốc men mỗi khi ốm đau nên đã mến lớp, yêu trường, yên tâm học tập... Thầy Văn khẳng định thêm.

Hiện tại, Trường PTDTBT-THCS Mỏ Vàng đã có học sinh đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp hàng năm đạt trên 95%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa kỳ, tỷ lệ huy động ra lớp đầu năm đạt 99%.

Cũng nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, năm 2011, Trường PTDTBT-THCS Viễn Sơn đã được chuyển đổi sang loại hình PTDTBT. Trước kia, việc huy động học sinh ra lớp đầu năm luôn là vấn đề “gian nan” đối với các thầy cô giáo nơi đây bởi lý do xã có nhiều thôn, bản xa trung tâm trên 10km, học sinh không thể đi về trong ngày; nhiều gia đình phụ huynh không có điều kiện để chu cấp cho con em tới trường…

Từ khi ngôi trường cấp II của xã được chuyển đổi thành trường bán trú, người dân xã Viễn Sơn đã phấn khởi, yên tâm gửi gắm, động viên con em mình tới trường.

Năm học 2012- 2013, Trường PTDTBT-THCS Viễn Sơn có tổng số 218 học sinh, trong đó có 110 học sinh được hưởng chế độ bán trú của Nhà nước, duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt 99,5%, học sinh khá, giỏi chiếm gần 30%.

Em Đặng Thị Sính - lớp 9B, học sinh của nhà trường chia sẻ: “Năm học này em thấy rất vui vì đã được ở bán trú cùng các bạn, được tham gia thường xuyên vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ngoài giờ, được thầy cô quan tâm phụ đạo sau những giờ trên lớp nên năm học này kết quả học tập của em đã nâng lên rõ rệt”.

Mô hình trường PTDTBT hiện vẫn đang trên lộ trình xây dựng chung của toàn tỉnh và còn gặp phải không ít những khó khăn như: việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho một số các trường bán trú chưa kịp thời, đồng bộ; số lượng phòng ở bán trú chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh; công trình vệ sinh, nước sạch, giường nằm tuy đã được đầu tư song còn thiếu so với nhu cầu thực tế... Vì thế, không chỉ huyện Văn Yên mà các địa phương khác trong tỉnh cũng đang rất nỗ lực thực hiện, không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Bà Vũ Thị Minh Huê - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: “Tính đến nay, huyện Văn Yên đã chuyển đổi được 7 trường sang loại hình trường PTDTBT bán trú với tổng số 1.442 học sinh bán trú được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả rõ nét, chất lượng và số lượng học sinh bán trú đều đã tăng, tỷ lệ học sinh chuyên cần duy trì ở mức cao. Song đây mới chỉ là những thành công bước đầu, thời gian tới, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học bán trú củng cố kỷ cương, nề nếp; thực hiện việc chi trả chính sách cho học sinh bán trú đúng, đủ, kịp thời; đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên...”.

H.O

Các tin khác

Mức phạt này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố trong hội thảo ngày 19-3 tại Hà Nội. Phạt từ 15-20 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 41% trở lên

YBĐT - Mở đầu cho Tháng Thanh niên năm 2013, huyện đoàn Văn Chấn đã tổ chức lễ ra quân làm đường giao thông nông thôn tại xã Đồng Khê.

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ và Giám đốc Văn phòng Tổng đại lý Dai-ichi Việt Nam tại Yên Bái trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam vừa phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trao 200 suất quà cho trẻ em 3 huyện vùng cao.

Các em học sinh từ bậc học mầm non đã được quan tâm chăm sóc.

YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được biết đến là một xã vùng cao xa nhất của tỉnh song cũng là địa phương đặc biệt hiếu học. Mặc dù cuộc sống của người Mông Chế Tạo còn rất khó khăn nhưng mỗi gia đình đều cố gắng gửi con em mình đến trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục