Bước phát triển mới của sự nghiệp giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 3:02:14 PM
YBĐT - Ngày 16/12/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND về ban hành Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015".
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành với thầy trò Trường PTDTBT xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (ngày 5-1-2013).
|
>> Nền tảng những đổi thay >> Vun đắp ước mơ >> Văn chấn: Chung tay cho giáo dục >> Khi được đến trường bán trú
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo thực hiện của chính quyền, nỗ lực của mọi cấp mọi ngành và nhân dân các dân tộc, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực, khá đồng bộ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh…
Nhiều năm trước đây, mô hình trường bán trú dân nuôi được coi là giải pháp để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc của Yên Bái: huy động học sinh ra lớp, giảm tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 63/282 trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi.
Trong đó, 13 trường tiểu học (TH), 22 trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS), 26 trường THCS và 2 trường trung học phổ thông (Trường THPT Trạm Tấu và Trường THPT Mù Cang Chải) với 4.996 học sinh nội trú dân nuôi trong trường. Mô hình này đã từng bước giải quyết được một số vấn đề căn bản nhất của giáo dục vùng cao tuy nhiên chưa bền vững.
Đáng quan tâm là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là phòng nội trú cho học sinh. Thời điểm năm học 2009 - 2010, cấp TH còn thiếu 70 phòng, cấp phổ thông cơ sở thiếu 102 phòng; các trường đều thiếu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Để giải quyết những khó khăn của sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao.
Cụ thể là tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, hạn chế hiện tượng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH), phổ cập GDTH đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và nâng cao nhận thức của người dân trong việc đưa con em đến trường học tập, ngày 16/12/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND về ban hành Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, có thuận lợi nhưng tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. 100% các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được chuyển đổi từ các trường TH, THCS, TH&THCS, do vậy các điều kiện phục vụ ăn, ở của học sinh bán trú, các công trình phụ trợ đều thiếu, không đáp ứng nhu cầu. Yên Bái lại là tỉnh nghèo, nguồn thu hạn hẹp nên việc đầu tư kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài ra, địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện; học sinh thuộc diện con hộ nghèo toàn tỉnh chiếm gần 20%, chất lượng đầu vào thấp; công tác phối hợp các lực lượng giáo dục chưa được thường xuyên; công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú; phòng chống tệ nạn, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn... cũng là những khó khăn ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục vùng dân tộc, giáo dục học sinh bán trú.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo thăm hỏi học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Đức Toàn)
Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý như Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT; Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22/12/2011 Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 28/04/2012 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”; Công văn số 624/UBND-VX ngày 09/4/2011 về việc triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và Đề án xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015; Công văn số 1087/UBND-VX ngày 31/5/2011 về việc Quy định tiêu chí và quy trình xét duyệt học sinh bán trú; Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 về việc Ban hành tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú hưởng chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái…
Một số kết quả đạt được - 38 trường TH, THCS, TH&THCS được chuyển đổi thành trường PTDTBT theo hướng dẫn tại Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT. Trong đó: 9 trường PTDTBT tiểu học, 14 trường PTDTBT THCS, 15 trường PTDTBT TH&THCS (số trường PTDTBT được chuyển đổi là 38/72, so với Đề án đạt tỷ lệ 52,78%). - Tổng số học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 9/2011 đến tháng 5/2012 là 8.452 em, từ tháng 9 đến tháng 12/2012 là 10.296 em, từ tháng 1 đến tháng 5/2013 là 10.210 em. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các trường PTDTBT và học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ trên 58.924 triệu đồng. - Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ gần 91.580 triệu đồng. Riêng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa cho các trường PTDTBT và học sinh bán trú trên 5.513 triệu đồng. - Xây dựng mới 39 phòng học, 221 phòng ở, 19 bếp nấu, 16 công trình vệ sinh, 11 công trình nước sạch; san tạo mặt bằng cho 7 đơn vị và đầu tư các hạng mục phụ trợ cho 8 đơn vị. |
Các cơ quan tham mưu tổng hợp như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính từng bước đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí và cấp kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT theo quy định…
Tỉnh đoàn Yên Bái triển khai cuộc vận động “Cùng em tôi tới trường” trong các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ toàn tỉnh; huy động đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia sửa chữa nhà bán trú cho học sinh; quyên góp tiền, hiện vật và tổ chức trao học bổng, tặng đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập cho các em thiếu nhi nghèo tại các trường TH và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Nổi bật là đã ủng hộ hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải gần 700 triệu đồng, 80.000 bộ quần áo, 100 đôi dép, 215 chăn ấm, 100 màn, 1,2 tấn gạo và nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập.
Tỉnh đoàn cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Câu lạc bộ Nghệ sỹ trẻ Hà Nội tổ chức đêm nhạc "Cùng em tôi tới trường" để quyên góp xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú tại các huyện Mù Cang Chải và Văn Yên với tổng trị giá ước tính trên 500 triệu đồng; phối hợp với Báo Tuổi trẻ và ca sĩ Thái Thùy Linh trao quà, học bổng, quần áo... cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo.
Hội Khuyến học tỉnh tham mưu với UBND tỉnh cấp 40 tấn gạo cho học sinh bán trú trên địa bàn, quyên góp ủng hộ đồ dùng nhà bếp cho các trường PTDTBT huyện Mù Cang Chải với trị giá 60 triệu đồng; trao 40 suất học bổng cho học sinh trường PTDTBT với số tiền 20 triệu đồng; vận động quyên góp ủng hộ đồ dùng sinh hoạt, cấp 12.000 cuốn vở viết cho học sinh bán trú với trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Ủy ban nhân dân các huyện chủ động trong việc quyết định chuyển đổi các trường trên địa bàn sang mô hình trường PTDTBT theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; chỉ đạo các xã xét duyệt danh sách học sinh và phê duyệt số lượng, danh sách học sinh bán trú trên địa bàn huyện; tích cực tham mưu với các cấp quản lý để bổ sung cơ sở vật chất, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cho các trường và học sinh bán trú; bố trí quỹ đất để làm phòng ở, công trình phụ trợ cho các trường; phân công các phòng, ban trong huyện đỡ đầu các trường PTDTBT trên địa bàn để giúp các trường tháo gỡ một số khó khăn trước mắt trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Đặc biệt, đã thành lập “Kho thóc khuyến học”, “Kho thóc bán trú” của các xã trên địa bàn huyện để các trường hỗ trợ những học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh chưa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng ăn trưa tại trường để học buổi hai (hiện có 591 học sinh không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang được ăn bữa trưa tại các trường PTDTBT)...
Điển hình là huyện vùng cao Trạm Tấu, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ theo qui định của Chính phủ, niên học này, các xã đã xây dựng “Kho thóc khuyến học” được gần 18 tấn thóc và 180 triệu đồng để hỗ trợ các học sinh không thuộc diện hưởng chế độ bán trú. Toàn huyện hiện có 10 trường bán trú TH và THCS với tổng số 152 lớp, 3.564 học sinh, đạt trên 41%, tăng 2.394 học sinh so với trước khi có Nghị quyết; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt từ 93% - 98%, tăng 10% - 15% so với trước khi có Nghị quyết; học sinh trong độ tuổi đi học tăng lên đạt 99%...
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND về xây dựng trường PTDTBT, giai đoạn 2013 - 2015 UBND, tỉnh tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi quy mô trường PTDTBT trên địa bàn theo Đề án đã phê duyệt; đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh, giáo viên các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nâng cao chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT trên địa bàn toàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu giáo dục.
Về giải pháp thực hiện, sẽ tập trung phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp thông qua tiếp tục chuyển đổi các trường đủ điều kiện sang mô hình PTDTBT theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT theo Đề án đã dược ban hành kèm theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh.
Về cơ sở vật chất, tiếp tục đầu tư phòng ở, giường tầng, công trình phụ trợ cho học sinh; nhà công vụ giáo viên của các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tích cực kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp về vật chất, kinh phí của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh cho học sinh bán trú. Ngành giáo dục và đào tạo tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong trường PTDTBT.
Trong đó, thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục trong các trường PTDTBT về dạy học 2 buổi/ngày, dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông và dạy học tự chọn; tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh; tổ chức có hiệu quả công tác bán trú: xây dựng và giáo dục học sinh thực hiện tốt nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; tổ chức, hướng dẫn và tạo cho học sinh nền nếp, ý thức, phương pháp tự học; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường PTDTBT với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lí, sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số; tổ chức nơi ăn, ở của học sinh sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh; phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chủ động, tích cực phòng chống không để xảy ra dịch bệnh.
Ngành tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chủ động bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường PTDTBT; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần để sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh thực sự có những chuyển biến tích cực, rõ nét với những kết quả cao hơn, toàn diện hơn.
Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh:
Đồng chí Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
"Để huy động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống các trường PTDTBT. Trong điều kiện tỉnh còn nghèo, ngân sách còn nhiều khó khăn, năm 2013 và những năm tiếp theo cần bố trí hợp lý các nguồn vốn ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia và huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng hiệu quả, kịp thời phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước, xã hội cho các trường PTDTBT...". Đồng chí Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu:
|
P.V
Các tin khác
YBĐT - Đến trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBTTH&THCS) xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) nhìn những khuôn mặt xinh xắn, hồng hào, tươi vui trong bộ đồng phục sạch sẽ hay những chiếc áo sặc sỡ hoa văn của người Mông, phần nào đã cho thấy các em được sự quan tâm rất lớn của nhà trường.
Ngày 19-3, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.
Trải qua 82 năm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
YBĐT - Chiều 19/3, Công ty Liên doanh Canxi Cacbonat YBB phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh Yên Bái tổ chức huấn luyện và thực tập phương án chữa cháy năm 2013. Đây là hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2013 của doanh nghiệp.