Cảnh giác với đũa “ăn liền”
- Cập nhật: Thứ năm, 28/3/2013 | 9:02:34 AM
YBĐT - Trên thực tế, loại đũa ăn dùng một lần được sử dụng tràn lan tại các quán ăn. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn chất lượng đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ chung chung như không bẩn, không nhiễm khuẩn...
Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng mỗi khi sử dụng đũa dùng một lần không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
|
Ngày nay, đũa “ăn liền” hay còn gọi là đũa dùng một lần được sử dụng phổ biến tại hầu hết các quán ăn, từ các nhà hàng cho tới quán bình dân. Nhìn những đôi đũa trắng được bọc trong túi ni lông sạch sẽ, người tiêu dùng dường như khá yên tâm về độ an toàn của mặt hàng này. Tuy vậy, khi sử dụng đũa ăn một lần có giá chưa tới 100 đồng/đôi với nguồn gốc không rõ ràng, các thực khách đã vô tình mang nhiều chất hóa học độc hại vào trong cơ thể...
Dạo quanh các quán bán đồ ăn nhanh, quán rượu khu vực phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), hầu hết quán nào cũng để loại đũa dùng một lần cho khách sử dụng. Nhiều chủ quán còn đon đả chào mời, lấy tiêu chí “đũa sạch” ra làm thước đo vệ sinh: “Quán của chị sạch sẽ lắm, thức ăn làm vệ sinh, bảo đảm, kể cả đũa cũng mới nguyên”.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi một quán ăn vỉa hè cũng dùng đũa một lần, chị bán hàng nhanh nhảu: “Giờ khách hàng kĩ tính lắm, bán hàng mà không sạch sẽ là mất khách ngay. Mình đầu tư thêm ít tiền nhưng đông khách thì cũng chả sao”.
Tuy nhiên, khi nói chuyện được một lúc thì chị xởi lởi ngay: “Nói thế thôi chứ loại đũa này rẻ lắm, mua 100 đôi đũa chỉ có 10.000 đồng thôi, nếu mua buôn thì còn rẻ hơn nữa”. Hiện nay, không chỉ các hàng quán sử dụng loại đũa một lần mà ngay cả những nhà hàng phục vụ tiệc cưới, hội nghị. Cũng có nhiều quan điểm xoay quanh việc sử dụng loại đũa dùng một lần này.
Anh Trần Nam (phường Nguyễn Phúc) chia sẻ: “Mình đi ăn thấy quán nào sử dụng loại đũa này cũng yên tâm hơn, dù gì thì cũng là mới, chứ mấy loại đũa thường kia đã qua bao nhiêu người ăn, lại không biết chủ quán rửa có sạch sẽ không nữa. Với lại trong lúc ăn cưới, chẳng may rơi đũa thì có ngay đôi khác thay thế mà chẳng phiền hà gì”. Sử dụng đũa ăn một lần dường như rất tiện lợi với lý do “Mỗi khi cùng bạn bè tổ chức đi du lịch hay đi dã ngoại cùng nhau, nếu có mang theo thức ăn thì sử dụng đũa một lần là tiện dụng và phù hợp nhất”...
Thông tin cư dân Trung Quốc đang xôn xao lo ngại vì loại đũa sử dụng một lần có chứa các chất độc hại, bị cấm sử dụng như Sulphur, Hydrogen peroxide, Sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc đã làm nhiều chị em và gia đình lo lắng bởi đũa dùng một lần đang quá phổ biến ở các nhà hàng, quán ăn tại các thành phố lớn ở Việt Nam. |
Khi hỏi các chủ quán về nguồn gốc của các loại đũa này, chúng tôi nhận được câu trả lời rất chung chung: “Đũa của cửa hàng chị là đảm bảo, sạch sẽ, các em không phải lo. Tất cả các quán ăn, nhà hàng cũng đều lấy từ đấy cả”.
Nói vậy thôi chứ người bán hàng cứ bán, người ăn cứ việc ăn, còn nguồn gốc và độ an toàn của loại “công cụ gắp” này thì hiện chưa có câu trả lời xác đáng. Người bán nhập hàng không rõ nguồn gốc đã đành, người ăn dường như cũng không quan tâm, cứ vô tư ăn, vô tư dùng.
Chị Hằng, đang ăn bún trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP Yên Bái nói: “Thật ra tôi cũng chưa lần nào thắc mắc với chủ quán về nguồn gốc của loại đũa này, vì thấy nó được để trong túi ni lông nên cứ mặc định là sạch, còn sạch hơn mấy quán chuyên dùng đũa ăn nhiều lần kia”.
Ông Phạm Văn Thành - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết: “Trực quan cho thấy, màu sắc và mùi vị của đôi đũa có thể chỉ ra chúng đã được tiếp xúc với lưu huỳnh và các chất hóa học khác. Những chất như Sulphur, Hydrogen Peroxide, Sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần. Đây là các hóa chất rất độc hại, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người nếu sử dụng trong một thời gian dài”.
Theo ông Thành, hầu hết các đôi đũa được làm trong các xưởng nhỏ ở miền núi, nơi mà các công ty không cần cấp giấy phép sản xuất, sau đó chúng được vận chuyển đến các thành phố, trung tâm để đóng gói và bán tràn lan trên thị trường... Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân mình, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng mỗi khi sử dụng đồ ăn hay vật dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tô Anh Hải
Các tin khác
Trận mưa đá kéo dài chừng 20 phút rạng sáng ngày 27.3 đã khiến 10.500 hộ gia đình nhà cửa bị hư hỏng, 30 người bị thương.
Trước dư luận nhiều chiều về việc xử phạt xe không chính chủ, ngày 27/3, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã lên tiếng trấn an người dân và đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo Nghị định mới.
Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới, cán bộ công chức, viên chức sẽ được nghỉ 5 ngày.
YBĐT – Ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có một người nông dân đã tự tìm tòi, sáng chế ra 2 loại máy là máy ruôi sắn và máy cày bừa mini bằng những nguyên liệu là động cơ cũ của xe máy. Đó là ông Đinh Công Khánh, thôn Bảo Yên.