Mưa đá làm 1 người chết, 43 người bị thương
- Cập nhật: Thứ hai, 1/4/2013 | 2:01:32 PM
Tính đến thời điểm này, mưa đá đã làm 1 người chết, 43 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại.
Mưa đá gây thiệt hại lớn về nhà cửa của người dân. (
|
Những ngày qua, mưa đá liên tục xuất hiện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến thời điểm này, mưa đá đã làm 1 người chết, 43 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại...
Tại Lào Cai, 5/9 huyện, thành phố bị mưa đá và lốc xoáy tàn phá dữ dội. Hàng nghìn hộ dân hiện đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Ước tổng thiệt hại đã lên đến con số hơn 270 tỷ đồng. Trong ngày 27/3 và 29/3, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa đá kèm theo lốc xoáy ở 4 huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Yên đã làm một người chết tại huyện Bắc Hà và 37 người bị thương. Bên cạnh đó, có 7 nhà bị sập đổ, cháy do chập điện và nhà của 11.878 hộ đã bị hư hỏng, trong đó 10.111 hộ bị hư hỏng nặng.
Đợt lốc xoáy, mưa đá chiều và đêm 26/3, cũng đã khiến tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại khá nặng, nhất là ở 27 xã thuộc các huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Uyên. Thiên tai đã làm 2 người bị thương, 1 con trâu bị chết, 1.162 nhà bị tốc mái, vỡ ngói ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của 1.354 ha hoa màu, gần 300 ha thuốc lá...
Trận mưa đá và gió lốc tại tỉnh Hà Giang xảy ra vào ngày 27/3, đã làm cho 4 người bị thương, trong đó có 2 em học sinh; 3 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; hàng trăm ngôi nhà bị hỏng và tốc mái; 3 điểm trường bị tốc mái và hư hỏng; hàng nghìn ha ngô, lúa bị hư hại, nhiều diện tích cây trồng vụ xuân bị mất trắng; 500 ha cây chè bị thiệt hại nặng; hàng chục nghìn cây sâm tam thất đang ươm, cây đào giống, hoa hồng bị hư hỏng... tổng giá trị thiệt hại trên 5 tỷ đồng.
Tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cũng đã xảy ra mưa đá với mật độ dày nhưng đường kính nhỏ hơn nên không gây thiệt hại nhiều. Huyện Na Rì là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất với 58 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Chợ Đồn có 20 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Ngân Sơn cũng có 8 ngôi nhà bị tốc mái và 30 ha thuốc lá mới trồng tại xã Hương Nê bị thiệt hại nặng. Một số phân trường tiểu học, nhà trẻ cũng bị tốc mái, hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại do mưa đá và lốc xoáy gây ra ước khoảng 236 triệu đồng, tuy nhiên, rất may không có thiệt hại về người.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng chống lụt bão và đê điều tỉnh Thái Nguyên, trận mưa đá xảy ra vào lúc 1giờ 30 phút ngày 29/3 đã khiến cho gần 1.200 ngôi nhà thuộc địa bàn hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ bị hư hỏng.
Rạng sáng ngày 29/3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện gió to kèm theo mưa đá làm nhiều nhà dân bị hư hỏng. Chỉ tính riêng tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang mưa đá đã làm hơn 2.000 tấm lợp proximăng của hơn 200 hộ dân bị vỡ, thủng; 13 bộ phát điện năng lượng mặt trời bị hỏng; hàng chục hecta lúa, hoa màu bị dập nát, rất may không có người dân nào bị thương.
Chiều 30/3, trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xảy ra một trận mưa đá kéo dài khoảng 45 phút, trong đó có những cục đá to bằng quả trứng chim cút. Mưa đã gây hư hại một số nhà cửa, hoa màu, công trình công cộng. Riêng mạng lưới điện đã bị mất trên diện rộng ở một số xã dọc quốc lộ 7 và thị trấn Hòa Bình. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, đã có 82 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ, rất may không gây thiệt hại về người.
Một trận mưa dông diễn ra diện rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La vào lúc 20 giờ đến 20 giờ 30 phút tối 30/3, trong đó một số địa phương trong tỉnh như ở thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn xuất hiện mưa đá rải rác, hạt to nhất bằng viên bi ve. Tuy nhiên, mưa đá không gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của dân, do mật độ có mưa đá thưa, lác đác, thời gian mưa kèm theo đá chỉ vài phút.
Tối 30/3, trên địa bàn 2 huyện miền núi cao Quan Sơn và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện trận mưa đá kèm theo dông lốc kéo dài trong khoảng từ 10 - 17 phút. Đây là trận mưa đá đầu tiên xuất hiện trong năm 2013 tại các địa phương này. Những viên đá lớn bằng ngón tay, ngón chân, có viên to bằng quả trứng gà, trứng vịt đã trút xuống khu vực thị trấn Quan Hóa và các xã phụ cận. Mưa đá kèm dông lốc giật mạnh khiến người dân hết sức lo ngại, nhất là trong thời điểm diện tích lúa và hoa màu đang trong thời kỳ phát triển.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, với đường kính hạt mưa lớn nhất lên tới 10 -14 cm, trận mưa đá ở Lào Cai là lớn nhất từng ghi nhận. Nguyên nhân của trận mưa kỷ lục này là những ngày trước đó Lào Cai nắng nóng gay gắt, mặt đất bị hun nóng và khô. Rạng sáng 27/3, gió mùa Đông Bắc tràn xuống, gây ra sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh. Hơi nước bốc lên cao gặp khí lạnh đột ngột đã ngưng tụ thành hạt đá nhỏ. Nhiều hạt nhỏ đông kết, dính nhau tạo nên những hạt đá lớn.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này rất nguy hiểm, dù chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng mức độ thiệt hại khó có thể lường trước. Vào mùa xuân, thời điểm giao mùa giữa lạnh và nóng nên cũng là mùa của mưa đá và dông lốc. Mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc thì khả năng cao hơn, mức độ nghiêm trọng hơn.
Hiện chưa thể dự báo chính xác về các trận mưa đá mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo ở khu vực rộng. Người dân có thể nhận biết dấu hiệu mưa đá khi thấy dông mạnh vào ban ngày, mây đen kịt trên bầu trời, hoặc ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nếu thấy cảnh báo mưa đá và những dấu hiệu như trên, đặc biệt là vào ban đêm, người dân đang ở những ngôi nhà ngói, lợp tấm proximăng nên tìm chỗ có mái che kiên cố như nhà mái bằng, nhà tầng để tránh. Nếu ở vùng hoang vắng, người dân có thể chui xuống gầm giường, phủ chăn lên trên. Hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5.
Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng, Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, mưa đá thường xuất hiện trong các trường hợp như có sự tương tác giữa không khí lạnh và nóng trong các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về nhanh, hoặc gió mùa Đông Bắc tràn về trong khi nền nhiệt độ cao ở mặt đệm (đối với khu vực phía Bắc nước ta). Trong những trận dông mạnh do bất ổn định khí quyển cao kết hợp với tương tác đất - biển, địa hình trung du, núi… cũng là những nguyên nhân gây ra mưa đá.
Theo thống kê sơ bộ, hằng năm ở nước ta thường xảy ra 15 - 25 trận mưa đá và thường gây thiệt hại lớn về tài sản, đôi khi gây thiệt hại về người. Điển hình là trận mưa đá kèm lốc xoáy đêm 25 rạng sáng 26/4/2005 tại 12 xã thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) với những cục đá dày và to, có đường kính lên tới 15 - 20 cm gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Năm 2006, có 25 trận mưa đá trên phạm vi toàn quốc, nhưng riêng từ ngày 19 đến 21/11 đã có 13 trận mưa đá xảy ra liên tiếp ở 12 tỉnh thuộc Bắc Bộ như Phú Thọ (2 trận); Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương (1 trận).
(Theo VTV)
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Lục Yên không xảy ra sự cố về cháy nổ. Thành công nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành các cấp trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trong đó có đóng góp không nhỏ của lực lượng công an huyện.
Trong tháng 4, ngoài 2 Thông tư 11, 12 của Bộ Công an hướng dẫn việc xử phạt vi phạm giao thông và đăng ký xe qua nhiều đời chủ còn có nhiều văn bản quan trọng khác có hiệu lực thi hành. Sau đây là một số quy định như vậy.
Rạng sáng 31.3, một đợt không khí lạnh cường độ yếu tăng cường xuống miền Bắc gây mưa trên diện rộng, lượng mưa phổ biến trong khoảng 20-40 mm.
Vào tối 29 và sáng 30.3, nhiều trận động đất nhẹ liên tiếp xảy ra ngay sau khi có các trận dông lốc tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).