Sẵn sàng đối phó với cúm A/H1N1

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/4/2013 | 9:08:01 AM

YBĐT - Tính đến hết ngày 23/4, ngoài 2 trường hợp tử vong, 1 nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại huyện Văn Yên và 1 nhiễm cúm A/H1N1 tại huyện Yên Bình, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành xét nghiệm nhiều mẫu bệnh phẩm từ các cơ sở y tế đã phát hiện tiếp 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1 tại phòng cách ly.
Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1 tại phòng cách ly.

Trong đó huyện Trấn Yên 3 trường hợp, thành phố Yên Bái 6 trường hợp. Riêng số người nhiễm cúm A/H1N1 tại thành phố Yên Bái có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp...

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Duy Đạt - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 3.276 ca mắc cúm. Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm lớn trong những ngày hè sẽ tạo điều kiện cho các loại vi rút gây bệnh như: cúm mùa, viêm đường hô hấp, bệnh tay chân miệng phát triển…., đặc biệt là các loại cúm A”.

Tại thành phố Yên Bái, hai trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 ngày 18/4 là vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Tân  ở tổ 50, phường Nguyễn Thái Học với những biểu hiện ho, sốt cao, đau ngực, khó thở, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trường hợp thứ 3, cháu Vũ Kỳ Hải - tổ 40, phường Nguyễn Thái Học là học sinh lớp 6D, Trường THCS Lê Hồng Phong. Ngoài ra, đã có thêm 3 trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 mới được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thông tin. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại 2 tổ 40 và 50, phường Nguyễn Thái Học, Trung tâm Y tế thành phố đã tiến hành cách ly, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu bệnh phẩm và giám sát người trực tiếp bị mắc cúm A/H1N1…

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do các cơ sở  y tế nơi đây còn gặp nhiều khó khăn như: đội ngũ y tế mỏng; máy móc, phương tiện nhằm phát hiện ban đầu của bệnh dịch không có; công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên liên tục; người dân thiếu hiểu biết về cơ chế lây nhiễm cũng như nguy cơ của cúm A/H1N1 nên chưa có ý thức phòng ngừa. Một số người sau khi xét nghiệm biết mình dương tính với cúm A/H1N1 tỏ ra hoang mang, lo sợ, tâm lý muốn chuyển tuyến…

Theo thông tin của ngành y tế Yên Bái, sau dịch cúm A/H1N1 diễn ra năm 2009, các nhà chuyên môn khẳng định cúm A/H1N1 là dạng cúm mùa. Cơ chế lây nhiễm của loại cúm này là từ người sang người nên ai cũng có thể mắc thông qua đường hô hấp. Tỷ lệ tử vong do cúm này gây nên không cao. Và từ năm 2009 đến nay, tại Yên Bái cúm A/H1N1 có phần lắng xuống thì thời điểm hiện tại đã có nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 và đã có những diễn biến khá phức tạp.

Bác sỹ Vàng A Sàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tính đến cuối buổi chiều ngày 23/4, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 15 ca nghi nhiễm cúm A/H1N1, trong đó 9 ca cho kết quả dương tính, chúng tôi đã có thuốc để bệnh nhân điều trị và sức khỏe các bệnh nhân đã tiến triển tốt. Chúng tôi cũng mong rằng, khi người dân mắc cúm A/H1N1 phải bình tĩnh, không được hoang mang và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn. Đây chỉ là dạng cúm mùa nên chúng ta chỉ cần hiểu rõ về cơ chế lây nhiễm cũng như cách phòng chống nguồn lây là hoàn toàn có thể đối phó. Đối với Bệnh viện, trước tình hình gia tăng của cúm A/H1N1, thực hiện Công văn khẩn về phòng chống dịch của Bộ Y tế, Sở Y tế, Bệnh viện cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để ứng phó. Cơ sở vật chất Của Khoa Truyền nhiễm đã chuẩn bị sẵn sàng để thu dung bệnh nhân, có phòng cách ly cho bệnh nhân khi có chẩn đoán dương tính với cúm A; sẵn sàng huy động toàn bộ cán bộ của Khoa Truyền nhiễm, nếu cần thiết sẽ tăng cường thêm cán bộ từ các phòng chức năng để chăm sóc bệnh nhân với điều kiện tốt nhất”.

Nhằm hạn chế tối đa sự lây lan và tử vong do cúm A/H1N1 trên địa bàn thành phố Yên Bái nói riêng, toàn tỉnh nói chung, ngành y tế Yên Bái yêu cầu khi phát hiện ổ dịch cần điều tra người tiếp xúc để xác định triệu chứng, cách ly và hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế; đối với nơi xảy ra ổ dịch cần tuyên truyền nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Trường hợp cấp thiết do chuyên môn đánh giá mức độ nguy hiểm cần phải tiến hành thanh khiết môi trường; cá nhân khi phát hiện cúm nặng có thể là A/H1N1 hoặc cúm khác cần đến bệnh viện điều trị và sử dụng thuốc đặc trị Tamiflu; hệ thống y tế cơ sở cần nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức để phát hiện những trường hợp cúm bất thường sớm và khuyến cáo người bị bệnh đến cơ sở y tế điều trị; chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư kịp thời ứng phó với dịch cúm A/H1N1; tăng cường các hoạt động giám sát tại cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông trên loa, đài phát thanh xã về phòng chống cúm A/H1N1...

Bác sỹ Phạm Thị Hòa - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh:

Trước hết, chúng tôi khẳng định bệnh cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa, tuy nhiên bệnh cũng rất nguy hiểm đối với trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có các bệnh mãn tính.

Chúng tôi rất mong người dân khi có dấu hiệu sốt, ho, viêm đường hô hấp nên đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay để các bác sỹ tư vấn, không nên chủ quan với dịch bệnh. Chúng tôi cũng mong rằng khi bị mắc dịch bệnh này bệnh nhân phải bình tĩnh, không được hoang mang và đến cơ sở y tế gần nhất để được sự tư vấn của bác sỹ.

 

Anh Phạm Viết Sơn - tổ 59, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái:

Tôi đang công tác ở Hà Nội. Ngày nghỉ tranh thủ về thăm gia đình, vào chiều thứ 7 (ngày 20/4), tôi thấy người hơi mệt, có biểu hiện sốt, ho và cũng nghĩ cúm nên tự mua thuốc tây uống điều trị ở nhà nhưng không thấy bệnh tiến triển.

Đến chiều Chủ nhật (21/4), bệnh tình trong người không giảm và có dấu hiệu suy hô hấp, gia đình đã đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán tôi dương tính với cúm A/H1N1. Khi nhận thông tin, gia đình rất hoang mang, lo lắng và đề nghị Bệnh viện làm thủ tục chuyển tuyến. Nhưng sau khi được tư vấn, tuyên truyền về mức độ, cơ chế lây nhiễm của cúm A/H1N1, sự chăm sóc điều trị nhiệt tình, chu đáo của các bác sỹ, đến nay sức khỏe của tôi đã tiến triển tốt, trong vài ngày tới sẽ được xuất viện.

Ông Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh:

Cúm A/H1N1 là một dạng cúm mùa, cơ chế lây nhiễm từ người qua người thông qua đường hô hấp nên ai cũng có thể bị nhiễm. Tôi có thể khẳng định, cúm A/H1N1 tỷ lệ tử vong không cao và chỉ nguy hiểm khi có biến chứng do người dân không được điều trị kịp thời. Về các triệu chứng của bệnh cúm thông thường, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết như: sốt nhẹ, ho khan, cơ thể đau mệt.

Tuy nhiên, nếu người dân có các triệu chứng sốt cao kéo dài, khó thở thì khuyến cáo nhất thiết phải đến các cơ sở y tế điều trị và có hướng dẫn cụ thể của các y, bác sỹ. Và chỉ khi người bị mắc cúm đến các cơ sở y tế thông qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm thì mới có kết luận cụ thể nhiễm loại cúm gì và phác đồ điều trị ra sao. Để người dân thực sự hiểu về cơ chế lây nhiễm, mức nguy hiểm của cúm A/H1N1, công tác tuyên truyền phải đặc biệt chú ý .

Minh Ngọc

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân buông lỏng chỉ đạo, để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép...

Bộ Công thương vừa có công văn gửi các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên đề nghị chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh và các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tạm dừng (cho đến khi có quyết định mới) việc nhập khẩu, mua bán, trao đổi các loại gia cầm sống, giống gia cầm, trứng gia cầm và sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

YBĐT - Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 11 trường hợp bị nhiễm cúm A/ H1N1 và đã có 2 bệnh nhân bị tử vong do cúm A/ H1N1. Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm hiện nay, phóng viên Báo Yên Bái điện tử đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyến – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái để làm rõ hơn những thông tin về diễn biến tình hình dịch cúm hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Số trẻ được huy động ra lớp ở các bậc học đã tăng lên đáng kể.

YBĐT - Bản Pá Hu – một trong số hai thôn bản đặc biệt khó khăn và xa nhất nhì của xã Pá Hu huyện Trạm Tấu đặc đồng bào Mông, vẫn chưa có điện lưới thắp sáng. Cái ăn chưa đủ nên việc gieo ươm cái chữ cho con em đồng bào nơi đây là cả núi khó khăn với các thầy cô giáo...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục