Chú trọng tạo sức mạnh nội sinh
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:41:53 PM
YBĐT - Đợt bình xét cuối năm 2012, đã có 8 thôn ở các xã và 6 tổ dân phố ở thị trấn Mù Cang Chải được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa. Toàn huyện có 9.019 hộ thì 6.204 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá và số hộ đạt danh hiệu là 3.982 hộ. Làm tốt phong trào này là các xã: La Pán Tẩn, Púng Luông, Dế Xu Phình, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải.
Người Mông Mù Cang Chải mang hàng thổ cẩm đến giao bán cho các đại lý ở chợ huyện.
|
Ông Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Mù Cang Chải cho biết, thuận lợi lớn nhất trong xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa theo tiêu chí mới ở Mù Cang Chải là luôn tạo được sự nhập cuộc rất nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Trình độ dân trí ở một huyện có trên 90% đồng bào Mông sinh sống tuy vẫn thấp, đời sống kinh tế còn muôn vàn khó khăn nhưng đang trên đà cải thiện đáng kể so với nhiều năm về trước. Nhân dân đều hiểu rằng, việc xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa mang lại lợi ích cho chính họ nên khi thực hiện theo tiêu chí cũ, Mù Cang Chải đã có 48/126 thôn bản được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Khi vận dụng các tiêu chí mới áp dụng chung trong xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa, Mù Cang Chải không có thôn nào đạt chuẩn. Chẳng hạn, về chuẩn gia đình văn hóa phải bảo đảm tiêu chí tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tiêu chí về môi trường bảo đảm giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, nhà ở ngăn nắp, khuôn viên xanh - sạch - đẹp, sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh, các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao…
Đối với thôn văn hóa phải đạt tiêu chí có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ có nhà bền vững phải đạt cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh… Trong khi đó, rào cản lớn nhất trong xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa theo tiêu chí mới ở Mù Cang Chải là tỷ lệ hộ nghèo ở mức gần 75%, nhà ở phần đa vẫn là nhà tạm.
Tình trạng thả rông gia súc vẫn phổ biến; đường sá không được quét dọn do dân thưa thớt, lên nương từ sáng sớm đến tận tối mới về. Đa số hộ dân không có hố xí và dù đang được đầu tư mỗi hộ 1 triệu đồng để xây dựng nhưng năm 2013 này cũng chỉ hy vọng đạt khoảng 20% số hộ có hố xí hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm cản trở quyết tâm của huyện trong triển khai phong trào xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa. Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cho biết, quan điểm của huyện là phải vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế ở Mù Cang Chải. Ngay sau khi triển khai thực hiện theo tiêu chí mới vào đầu năm 2011, huyện đã chỉ đạo mỗi xã chọn một thôn đăng ký xây dựng thôn văn hóa.
Sau khi đăng ký, các ban, ngành được phân công phụ trách xã, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin, chính quyền cơ sở bắt tay ngay vào việc giúp đỡ thôn bản đã đăng ký chỉnh sửa quy ước, hương ước xây dựng thôn bản văn hóa và ký cam kết thực hiện đến các hộ dân. Việc hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân hướng vào các nhiệm vụ, tiêu chí chung trong xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa được triển khai nghiêm túc bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng các chương trình phát thanh tiếng Mông phát trên các loa phát thanh của xã. Phòng Văn hóa - Thông tin phát huy vai trò của Đội Thông tin lưu động trong tuyên truyền miệng, kịch thông tin thông qua các đợt chiếu phim ở thôn bản. Các ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp tuyên truyền đến hội viên trực tiếp quản lý. Công tác đánh giá tiến độ và bình xét danh hiệu tiến hành chặt chẽ và rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời.
Bên cạnh những biện pháp và kết quả bước đầu, về lâu dài, bà Lương Thị Xuyến cho biết thêm, huyện chủ trương huy động mọi giải pháp và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hướng tới nâng cao dân trí và đời sống kinh tế, xã hội, làm nền tảng cho xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa. Trong đó coi trọng xây dựng mô hình gia đình ít con, chống tảo hôn và các hủ tục trong việc cưới, việc tang, gây ảnh hưởng đến kinh tế của người dân; tập trung chăm lo sức khỏe nhân dân và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục; thực hiện tốt các nhiệm vụ tăng cường sinh kế cho người dân vùng cao như dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là những nghề mang tính lợi thế của người Mông ở đây.
Bên cạnh đó xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa để tránh dàn trải sức lao động, bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về giao thông và phục vụ sản xuất; tích cực phát huy giá trị văn hóa di sản ruộng bậc thang, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn nghề truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể để hướng tới phát triển du lịch cộng đồng…
Khi những giải pháp căn bản này tạo được sức mạnh nội sinh, chắc chắn phong trào xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa sẽ mang đến hình ảnh mới về vùng cao Mù Cang Chải ấm no, tươi đẹp.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Hướng tới mục tiêu vì một đô thị văn minh, xanh - sạch- đẹp, năm 2013, thành phố Yên Bái tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Các dự án này đang được khẩn trương thi công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và góp phần phòng chống lụt bão trên địa bàn.
YBĐT - Những năm qua, từ hoạt động công tác chuyên môn và tấm lòng “tương thân tương ái” của các y, bác sỹ, Hội chữ thập đỏ (CTĐ) Trung tâm Y tế dự phòng Yên Bái đã là nơi trao gửi niềm tin vào cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp trong nhân dân địa phương.
YBĐT - Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có 538 ca hội chứng cúm, 86 ca tiêu chảy thường, 21 ca lỵ a mít, 24 trường hợp thủy đậu, 21 ca quai bị, 12 ca TCM…
YBĐT - Nhờ những giải pháp cụ thể và sát hợp với tình hình thực tế mà việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 của BHXH huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có sự chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm và trên tất cả các mặt công tác.