Máu cho Tổ quốc
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:44:26 PM
YBĐT - “Trận đánh ở Lái Thiêu, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là ký ức về những khó khăn, gian khổ, những hy sinh mất mát, có người đã mãi mãi không trở về và người trở về những đã để lại một phần thân thể, xương máu của mình nơi chiến trường… song cũng đầy vinh quang tự hào đối với người lính trẻ chúng tôi khi tham gia chiến trường miền Nam”. Người cựu binh Vũ Hồng Việt – Phó bí thư, Trưởng ban công tác mặt trận phố Quyết Thắng, phường Nguyễn Thái Học nhớ lại.
Sinh ra ở xã Bảo Hưng, Trấn Yên, Yên Bái, học hết lớp 9, trước cảnh hoang tàn do máy bay bắn phá ồ ạt của đế quốc Mỹ đối với mảnh đất quê hương, người thanh niên Vũ Hồng Việt không khỏi xót xa, căm hờn. Tháng 12/1972, anh cùng các bạn học đăng ký nhập ngũ và tham gia vào Tiểu đoàn 6, E246, Quân khu Việt Bắc tập trung ở xã Thịnh Hưng, Trấn Yên. Sau gần 3 tháng huấn luyện, đơn vị của ông được điều động về xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên bây giờ).
Đến tháng 3/1973, đơn vị được điều động vào chiến trường miền Nam, rồi chiến trường Tây Nguyên, sau đó sáp nhập với Sư đoàn 10 thuộc Trung đoàn 28 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tiểu đội 66, Đại đội 4 gồm 12 người, sau khi tham gia các chiến dịch đánh địch ở Buôn Mê Thuột, quân địch rút lui về địa điểm Lái Thiêu thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Tại đây, đơn vị của ông được cấp trên đưa ra chỉ thị phải đánh tan quân địch. “Tôi nhớ, lúc đó là cuối năm 1973, đầu năm 1974, gần 3 tháng giằng co với lính Mỹ, lúc thì ta lấn át được bên địch, lúc thì địch đẩy ta lùi bởi hỏa lực mạnh, vũ khí tối tân. Hôm ấy, một ngày cuối tháng 3, Tiểu đội 66 do anh Trọng (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên hiện nay) tiên phong đã thọc sâu vào vị trí trọng yếu của địch. Một loạt đạn khét lẹt rền vang, anh Trọng chỉ kịp lách người sang ta luy và hét lớn, một phần chân của anh đã bị cắt phăng, máu phun ra đầm đìa. Anh lảo đảo ngã xuống.
Một chiến sĩ được giao trọng trách sử dụng B40 là hỏa lực mạnh, tiến lên nổ súng, chúng tôi và các anh em sử dụng AK yểm trợ. Trước hỏa lực mạnh của quân ta, quân địch rút chạy. Sau gần 3 tháng, cuối cùng cứ điểm Lái Thiêu đã bị quân ta san phẳng. Sau đó, chúng tôi cùng với các binh đoàn khác tiến về giải phóng Sài Gòn”.
Giải phóng Sài Gòn, nhiều đồng đội đã trở về với gia đình, riêng ông Việt lại tiếp tục được điều động sang Campuchia tham gia hỗ trợ nước bạn. sau đó ông Việt tiếp tục chuyển về Đại Từ (Thái Nguyên) rồi lên Cao Bằng tham gia chiến tranh biên giới. Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê xây dựng gia đình.
Trở về quê hương với hai bàn tay trắng nhưng ông luôn tâm niệm: “Gian khổ, hi sinh như chiến tranh mình vẫn vượt qua, nay đã hòa bình, việc ổn định, phát triển kinh tế, giúp vợ nuôi dạy con cái không có gì là không làm được nếu như mình quyết tâm”. Và nhờ quyết tâm, ông đã thành công trong kinh doanh, buôn bán. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động của tổ dân phố như Chi hội phó rồi Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, đại biểu HĐND phường Nguyễn Thái Học. Ông Việt đã vinh dự được nhận Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Hai và hầu như năm nào cũng được nhận các bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà nước.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Đợt bình xét cuối năm 2012, đã có 8 thôn ở các xã và 6 tổ dân phố ở thị trấn Mù Cang Chải được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa. Toàn huyện có 9.019 hộ thì 6.204 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá và số hộ đạt danh hiệu là 3.982 hộ. Làm tốt phong trào này là các xã: La Pán Tẩn, Púng Luông, Dế Xu Phình, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải.
YBĐT - Hướng tới mục tiêu vì một đô thị văn minh, xanh - sạch- đẹp, năm 2013, thành phố Yên Bái tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Các dự án này đang được khẩn trương thi công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và góp phần phòng chống lụt bão trên địa bàn.
YBĐT - Những năm qua, từ hoạt động công tác chuyên môn và tấm lòng “tương thân tương ái” của các y, bác sỹ, Hội chữ thập đỏ (CTĐ) Trung tâm Y tế dự phòng Yên Bái đã là nơi trao gửi niềm tin vào cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp trong nhân dân địa phương.
YBĐT - Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có 538 ca hội chứng cúm, 86 ca tiêu chảy thường, 21 ca lỵ a mít, 24 trường hợp thủy đậu, 21 ca quai bị, 12 ca TCM…