Công chức, viên chức: Cấm "gieo hạt" vi phạm

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2013 | 2:56:41 PM

YBĐT - Qua khảo sát, đông đảo CNVCLĐ thấy Pháp lệnh Dân số cần phải quy định rõ và tăng mức độ về các hình thức xử lý hành vi vi phạm chính sách dân số.

Đánh giá từ các cấp công đoàn, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003 - 2013), xu hướng chấp nhận mô hình gia đình ít con (cụ thể là 1 hoặc 2 con) của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tăng lên, bình đẳng giới cho trẻ em gái cũng dần được khẳng định hơn, khái niệm về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được hiểu rộng hơn, đầy đủ ý nghĩa hơn, không chỉ đơn thuần trong phạm vi "sinh đẻ có kế hoạch".

Thông qua nhiều hình thức hoạt động của mình, 100% các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số và tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các nội dung của Pháp lệnh đến toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Tuy nhiên, theo báo cáo của các cấp công đoàn 10 năm qua (2002 - 1012) trong CNVCLĐ còn có 26 trường hợp sinh con thứ 3.

Những trường hợp này chủ yếu là những đối tượng, hộ gia đình CNVCLĐ có điều kiện về kinh tế, họ không phải là những đối tượng không hiểu, hiểu nhầm hoặc hiểu sai về Pháp lệnh Dân số mà là những hành vi cố tình lợi dụng vào sự thiếu chặt chẽ của Điều 10 (Pháp lệnh Dân số 2003).

Thế nhưng, trong số 26 trường hợp sinh con thứ 3 trên chỉ duy nhất có 1 trường hợp tự nguyện xin nghỉ việc, những trường hợp là đảng viên thì cũng chỉ chịu hình thức khiển trách (theo Quy định số 94-QĐ-TW ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị), số CNVCLĐ vi phạm không là đảng viên thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng không áp dụng được hình thức kỷ luật nào ngoài việc khiển trách (theo Quyết định số 09/2006/QĐ-TTG ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), đối với các bà mẹ vẫn được hưởng chính sách thai sản hiện hành như các lần sinh khác.

Như vậy, tính giữa "thiệt" và "hơn" thì số người "khát" vẫn "ung dung" sẵn sàng chấp nhận vi phạm. Nghịch lý là ở chỗ: người quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp muốn xử lý mạnh tay hơn để đủ sức răn đe nhưng Pháp lệnh Dân số không có quy định hướng dẫn cho phép thực hiện.

Thêm nữa, việc sinh con thứ 3 không nằm trong các hành vi vi phạm hành chính. Vậy nên, người quản lý và công đoàn cơ sở cũng thiếu căn cứ để đề ra các điều khoản mang tính quyết định, triệt để nhằm đưa vào nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và đây cũng chính là một trong những khó khăn, trở ngại căn bản của tổ chức công đoàn trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh Dân số.

Qua khảo sát, đông đảo CNVCLĐ thấy Pháp lệnh Dân số cần phải quy định rõ và tăng mức độ về các hình thức xử lý hành vi vi phạm chính sách dân số, đồng thời phải có các điều khoản nhấn mạnh về vai trò gương mẫu tiên phong của đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bởi vô hình chung những hành vi vi phạm của những đối tượng này là sự "gieo hạt" có hiệu quả nhất cho những tác động ngược trở lại.

Cụ thể, ở những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên: nếu cán bộ, viên chức, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo (mặc dù đã có Luật Công chức, Luật Viên chức) phải bị cảnh cáo và cách chức, nếu không giữ cương vị lãnh đạo thì cũng bị cảnh cáo và không đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, không được chuyển ngạch công chức, kéo dài thời hạn nâng lương, không đưa vào diện xét thi đua và nếu những đối tượng này cố tình lặp lại vi phạm lần thứ 2 sẽ bị buộc thôi việc.

Theo đó, Pháp lệnh Dân số cần có vị trí độc lập: nếu tập thể, cá nhân nào vi phạm về chính sách dân số thì bị xử lý theo các quy định tại Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Pháp lệnh Dân số sẽ cùng với các luật khác, quy định khác hỗ trợ lẫn nhau và làm tăng thêm tính chặt chẽ cho việc xử lý hành vi vi phạm của một cá nhân, một tập thể về chính sách dân số và cũng nên luật hóa công tác dân số để thực hiện hiệu quả hơn, khắc phục những tồn tại như hiện nay.

Các cấp công đoàn trong tỉnh cũng đã nhận định cần nỗ lực vào cuộc hơn nữa, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kèm theo các hoạt động phối hợp truyền thông và tư vấn về chăm sóc sức khỏe người lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền mạnh và làm rõ sự ảnh hưởng của những hành vi sinh thêm con, lựa chọn giới tính thai nhi, chú trọng đến kỹ năng thương lượng của cán bộ công đoàn cơ sở trong xây dựng nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể ... với những điều khoản khuyến khích CNVCLĐ thực hiện tốt chính sách dân số.

Bích Khang

Các tin khác
Hình ảnh các em chuẩn bị vào lớp 1 được cha mẹ cho đi học sớm. Mỗi em một tư thế và tư thế nào cũng không đảm bảo. (Ảnh minh họa)

YBĐT - Còn hai tháng nữa mới bước vào năm học 2013 - 2014 song với những trẻ năm nay bước vào lớp 1 ở thành phố Yên Bái hầu như không được nghỉ hè bởi chúng phải theo bố mẹ đến các lớp luyện chữ. Đặc biệt, sự học của các em cũng vất vả tối ngày, chẳng kém các anh chị thi tốt nghiệp lớp 12.

Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

YBĐT - Để đảm bảo môi trường sống trong lành, rất mong các ngành chức năng nghiên cứu cách xử lý những chất thải sinh hoạt bằng phương pháp sinh học, đảm bảo không hại sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 5/6 đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu đã lên thăm và kiểm tra công tác quản lý đất đai, tình hình triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa đưa ra lộ trình đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục