Quản lý trẻ em dịp hè: Không thể mãi “đánh trống bỏ dùi”!
- Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2013 | 2:52:51 PM
YBĐT - Cứ mỗi dịp hè đến là các địa phương lại lo lắng chuyện quản lý trẻ. Gửi trẻ, quản lý trẻ và tạo sân chơi bổ ích cho trẻ làm sao không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc là chuyện không hề đơn giản, nhất là những địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.
Thiếu điểm vui chơi nên trẻ em vùng cao thường rủ nhau tắm suối rất dễ dẫn đến tai nạn đuối nước.
|
Gia đình anh Cường, chị Hồng ở thôn 14, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn có hai con trai, đứa lớn năm nay lên lớp 5 còn đứa nhỏ thì tháng 9 này cũng bước vào lớp 1. Hai vợ chồng là giáo viên, anh Cường dạy học gần nhà còn chị Hồng lại dạy học tận xã Suối Bu cách nhà tới 30 km. Mặc dù hè hai vợ chồng đều nghỉ, song anh chị mở thêm dịch vụ photocopy và bán hàng tạp hóa nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Hai cậu con trai trong độ tuổi hiếu động, để chúng tự do vui đùa suốt ba tháng hè anh chị không thể yên tâm khi những tai nạn rủi ro luôn rình rập.
Băn khoăn bàn đi tính lại không biết nên cho chúng về bên nội hay bên ngoại nhờ trông giúp, sau khi làm “công tác” tâm lý và hỏi ý kiến hai cậu con trai, cuối cùng gia đình anh quyết định cho con vào thị xã Nghĩa Lộ. Song gần đến ngày đi thì cậu con trai lại không muốn với lý do vào đó buồn vì không có bạn để chơi, hơn nữa ông bà quản lý nghiêm khắc quá nên không được vui chơi thoải mái...
Thuyết phục mãi cuối cùng cu cậu mới chịu vào nhà ông bà ngoại nhưng trước khi đi chúng còn giao hẹn là chỉ vào đó 1 tuần. Một tuần, cùng lắm cũng chỉ được nửa tháng là chúng đã gọi điện inh ỏi bắt đón về, còn khoảng thời gian dài ở nhà biết quản lý chúng ra làm sao?
Anh Cường cho biết thêm, ở lứa tuổi hiếu động, từ sáng đến tối anh em chúng lại cùng đám bạn trong xóm rủ nhau đi chơi, hết thả diều, đá bóng rồi đủ mọi trò chơi về đến nhà là quần áo lấm lem. Gia đình anh Đạm, chị Hà ở thôn Trung Tâm, xã Đại Lịch cũng vậy. Nhà có hai cậu con trai, đứa lớn học lớp 8, đứa bé năm học mới này cũng vào lớp 1. Điều kiện gia đình không có gì khá giả nên hè đến ngoài việc phụ giúp cha mẹ công việc ruộng đồng, trông em, bọn trẻ cũng không biết chơi ở đâu.
Rồi gia đình anh Hà, chị Thu, thôn 14, xã Đại Lịch không nằm ngoài nỗi lo ấy. Gia đình anh chị có hai con gái, đứa lớn học lớp 7 còn đứa nhỏ học mầm non, song anh Hà cũng không khỏi lo lắng bởi mỗi khi hè về chúng cũng không có chỗ chơi, tụ tập với đám bạn hiếu động ngộ nhỡ xảy ra tai nạn thì biết làm sao. Cả một năm học vất vả không nhẽ hè đến lại bắt chúng đi học thêm, hơn nữa gia đình anh Hà cũng phải lo chuyện làm ăn.
Mong muốn của anh Hà, chị Thu cũng như mong muốn của tất cả các hộ dân trong xã Đại Lịch là hè này giá như địa phương có những hoạt động vui chơi bổ ích như hội trại hay các hoạt thể thao bổ ích nào đó để thu hút các cháu tham gia, vừa tạo cho các cháu có điểm vui chơi sinh hoạt, vừa xây dựng lối sống, nhân cách và ý thức tốt đẹp cho các cháu. Song trong nhiều năm qua, hè nào cũng vậy, nhà nào có điều kiện thì cho con cái đi chơi chỗ này chỗ kia, còn không thì các em phải lên đồi, lên rẫy phụ giúp bố mẹ hoặc ở nhà trông em và vui chơi gì tùy thích.
Theo số liệu báo cáo, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn xã Đại Lịch là 1.390 cháu, chiếm 31% dân số toàn xã, trong đó, trẻ dưới 6 tuổi 383 trẻ, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm 15% tổng số trẻ trong toàn xã, 4 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 2 trẻ khuyến tật nặng hệ vận động. Mặc dù công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, song trong 4 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ngoài tiền trợ 180 ngàn đồng mỗi tháng thì chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn xã nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, 2 trẻ bị khuyết tật nặng hệ vận động mới có 1 cháu được Phòng Văn hóa huyện nhận đỡ đầu. Các mô hình về chăm sóc và bảo vệ trẻ em như phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em hay “Ngôi nhà an toàn” cũng chưa được triển khai ở xã.
Theo đồng chí Phạm Thu Hương - Bí thư Đoàn thanh niên xã, năm nào cũng vậy, khi học sinh nghỉ hè địa phương cũng tiếp nhận từ nhà trường về địa phương rồi giao kế hoạch sinh hoạt cho các chi đoàn cơ sở. Song địa bàn xã rộng, lực lượng cán bộ mỏng, kinh phí hoạt động không có nên cũng chỉ là những hoạt động sinh hoạt văn nghệ gọi là có một đến hai buổi tối mỗi tuần còn các hoạt động cắm trại hay các hoạt động khác thì không thể. “Các cháu cũng muốn, gia đình cũng muốn và chúng tôi cũng muốn hè về các cháu phải có một môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh song tất cả cũng chỉ biết trông chờ khi mà kinh phí hạn hẹp, biết là xung quanh các em có nhiều tai nạn nguy hiểm luôn rình rập nhưng “lực bất tòng tâm”, Bí thư Đoàn xã phân trần.
Để các em có một mùa hè bổ ích, giảm đến mức thấp nhất các tai nạn thương tích có thể gây ra cần phải có sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành chứ không thể hô hào chung chung theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” mãi như vậy. Có như thế, mùa hè mới thật sự là kỳ nghỉ ngơi, vui chơi lý tưởng với các em mà gia đình cũng bớt phần lo lắng trong việc quản lý con trẻ suốt ba tháng hè.
Lê Thanh
Các tin khác
YBĐT - Với mục tiêu để mọi người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ và thực hiện nghiêm chính sách, Pháp lệnh Dân số, trong những năm gần đây, huyện Yên Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông dân số và đến nay đã thu được những kết quả quan trọng.
YBĐT - Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm A (H1N1), (H5N1), (H7N9), dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh hiện đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh TCM, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe nhân dân (nhất là trẻ em), ngành y tế đã huy động cả cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch.
YBĐT - Với phương châm sống vui, sống khỏe, sống có ích, gần 900 hội viên NCT phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái (Yên Bái) luôn đoàn kết nhất trí, hoạt động ngày càng có hiệu quả thiết thực, nêu gương sáng trong đời sống xã hội.
YBĐT - Đợt xét nghiệm tháng 4 vừa qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phát hiện thêm 14 trường hợp dương tính với virut HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn lên 681 trường hợp; trong đó có 204 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS.