Sinh hoạt hè: “Sinh” mà không “hoạt”!
- Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 2:44:40 PM
YBĐT - Các buổi sinh hoạt nên gắn với chủ đề, chủ điểm như giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc. Điều đó rất cần có sự đổi mới, năng động, quan tâm của các cấp bộ Đoàn, chính quyền, đặc biệt là mỗi đoàn viên phụ trách nên trau dồi thêm kiến thức.
Một buổi sinh hoạt hè ở phường M chưa hợp lý về hình thức tổ chức và nội dung sinh hoạt.
|
Năm học 2012 - 2013 đã kết thúc. Với những cô, cậu học trò, nghỉ hè là thời gian lý tưởng được nghỉ ngơi, đi lại và tham gia nhiều hoạt động lý thú, bổ ích cùng gia đình. Bên cạnh đó, các em cũng phải tham gia sinh hoạt hè tại khu dân cư theo sự phối hợp giữa liên đội nhà trường với Đoàn thanh niên địa phương. Nhưng việc sinh hoạt hè có đáp ứng được những điều mong ước của gia đình, nhà trường và các em nhỏ hay không? Điều đó rất cần sự năng động, đổi mới trong việc tổ chức sinh hoạt hè của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương.
Nhốn nháo, ồn ào, tổ chức thiếu quy củ, nội dung nhạt nhẽo là điều dễ nhận thấy trong các buổi sinh hoạt thiếu nhi tại Nhà văn hóa phố T, phường M, thành phố Yên Bái. Chị Oanh, tổ 34, phường M cho biết: "Nếu không cho con đi sinh hoạt thì không đúng với những cam kết giữa gia đình và nhà trường nhưng hôm nào con trai đi sinh hoạt, tôi cũng phải đi cùng vì ở đó các cháu hay trêu đùa nhau tự do rồi sinh ra cãi nhau, ném đá vào nhau.
Tại các buổi sinh hoạt, các anh chị phụ trách không thực hiện việc giới thiệu tên và điểm danh nhi đồng, đội viên, thiếu niên. Trong quá trình tổ chức sinh hoạt, các bé trai được phát cho quả bóng nhựa và đề nghị đá bóng ở góc sân nhà văn hóa. Với các bé gái có năng khiếu hát, múa, nhảy hiphop, aerobic thì sẽ lên sân khấu bật nhạc và tập tự do. Những cháu còn lại, nếu biết chữ thì được phát truyện tranh như "Đô-rê-mon", "7 viên ngọc rồng”... Hai buổi sinh hoạt của con tham gia đều không có chủ đề, chủ điểm gì cả và chỉ trong vòng 45 phút là kết thúc”.
Cũng giống như tâm trạng của chị Oanh, anh Vinh ở tổ 36, phường M bức xúc: “Tôi thực sự không hài lòng với kiểu tổ chức sinh hoạt hè như hiện nay. Con tôi đi sinh hoạt hè về chẳng thấy học được điều gì bổ ích cả, cháu không biết anh chị phụ trách gồm những ai, mấy người và không thể tham gia vào nội dung sinh hoạt nào vì không có nội dung nào phù hợp và đề nghị bố mẹ không cho đi nữa”.
Ở phường N cũng vậy, vào các tối thứ 3, thứ 5, các đội viên đến sinh hoạt chủ yếu để ghi tên. Các anh chị phụ trách không giữ được vai trò quản lý. Hầu hết họ chỉ đến bật điện, quạt và mang nước uống chứ không hề có hoạt động gì. Một số anh chị được phân công phụ trách đội viên, thiếu niên nhưng không biết làm gì mà chỉ gọi điện, nhắn tin rồi tuyên bố nghỉ, cho các em về.
Trong khi đó, tại một khu phố của xã H, thành phố Yên Bái, việc tổ chức sinh hoạt hè thực hiện rất nghiêm túc. Không những đoàn viên phụ trách tham gia nhiệt tình, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mà các đảng viên ở chi bộ Đảng, hội phụ nữ cơ sở cũng đến tham gia quản lý, vui chơi cùng với các em.
Còn nhớ, gần 30 năm trước, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng việc sinh hoạt hè rất ý nghĩa. Mỗi tối sinh hoạt, các anh chị phụ trách sẽ nhắc lại tên chi đội, sau đó điểm danh, ghi tên đội viên, thiếu niên. Các buổi sinh hoạt đều có ý nghĩa, nội dung riêng. Các em sẽ được học hát, múa, nghe đọc chuyện, học các bài đồng dao, chơi trò chơi truyền thống, hát các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ, những anh hùng trẻ tuổi...
Không những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được làm tốt, các hoạt động đội viên làm kế hoạch nhỏ cũng rất thành công, được đông đảo đội viên tham gia tích cực. Riêng ngày 27/7, các em tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ; làm cỏ, quét vôi nghĩa trang liệt sỹ. Cuối mỗi dịp hè, liên đội nhà trường cùng phường, xã tổ chức gặp mặt các thương binh, tổ chức liên hoan văn nghệ, cắm trại. Các đội viên xuất sắc sẽ được phường thưởng một chuyến đi tham quan về Thủ đô thăm Lăng Bác, tắm biển ở Đồ Sơn (Hải Phòng)...
Sinh hoạt hè là hoạt động rất có ý nghĩa, tạo cơ hội cho các em có một mùa hè lành mạnh, bổ ích thông qua tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bằng các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; những kỹ năng sống an toàn và ý thức phòng chống tệ nạn xã hội. Các buổi sinh hoạt nên gắn với chủ đề, chủ điểm như giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc. Điều đó rất cần có sự đổi mới, năng động, quan tâm của các cấp bộ Đoàn, chính quyền, đặc biệt là mỗi đoàn viên phụ trách nên trau dồi thêm kiến thức. Có như vậy, nét hồn nhiên và nụ cười rộn rã của các em trong các buổi sinh hoạt hè mới thực sự là điều mong muốn của gia đình và xã hội.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBĐT - Trong 10 năm qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Yên Bái phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế thu được nhiều kết quả to lớn, đã giúp 6 nghìn phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm chủ hộ thoát nghèo.
YBĐT – Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 17/6, Chi hội Nhà báo Báo Yên Bái đã tổ chức buổi Tọa đàm nâng cao chất lượng thể tài bình luận, chuyên luận trên ấn phẩm Báo Yên Bái thời sự.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2013 để điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ.
“Ăn theo” chương trình đổi nón bảo hiểm vừa được triển khai, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện một số điểm đổi nón không nằm trong danh sách của Ban An toàn giao thông TPHCM. Ghi nhận của chúng tôi trong hai ngày 14 và 15-6, khách hàng tới đổi nón tại các điểm tự phát rất đông.