Chúng tôi làm nghề
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 9:51:12 AM
YBĐT - Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, tôi được lãnh đạo cơ quan giao viết một bài tâm sự về nghề. Lúc ấy, bản thân tôi thấy rất vui và có phần “hí hửng” bởi những tưởng sẽ được “kể lể” về mình, được nói những “lời hay, ý đẹp” về công việc và đồng nghiệp… Thế nhưng sau nhiều lần chắp bút, hết gạch lại xóa, tôi bỗng thấy lo lắng với đề tài tưởng dễ này. Bởi lẽ, viết về mình thật khó…
Phóng viên Đài TT-TH Văn Chấn tác nghiệp tại xã Suối Giàng.
|
Tập thể Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) Văn Chấn có tổng số gần 30 cán bộ, công nhân, viên chức, trong đó riêng đội ngũ làm công tác tuyên truyền có 13 người. 13 con người ấy đã dồn hết tâm huyết, trách nhiệm của mình vào những tác phẩm phản ánh mọi hoạt động của đời sống xã hội trên địa bàn. Mỗi tác phẩm chính là những “đứa con tinh thần” của mỗi chúng tôi.
Với các nhà báo, phóng viên ở các cơ quan báo chí lớn, việc được tận mắt chứng kiến hoạt động tác nghiệp của chúng tôi - những người làm công tác tuyên truyền ở cấp huyện làm họ thấy rất ngạc nhiên. Đó chính là sự “đa di năng” của chúng tôi. Là việc một hoặc hai phóng viên với máy quay, máy ảnh, máy ghi âm để có những tin, bài phản ánh trên cả ba lĩnh vực: truyền hình, báo viết, phát thanh; luôn phải đón đầu sự kiện, theo dõi, nuôi dưỡng đề tài đồng thời “thiên biến vạn hóa” để tạo nên những tác phẩm không rập khuôn, đầy tính sáng tạo của từng loại hình báo chí.
Sống với nghề, 13 phóng viên Đài TT - TH Văn Chấn thường xuyên phải lăn lộn, bám cơ sở, phát hiện, cập nhật, khai thác các đề tài, sự kiện mang tính thời sự, sự kiện quan trọng diễn ra tại huyện và kịp thời phản ánh một cách trung thực, khách quan để chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Không ít lần, để hoàn thành một tác phẩm có đề tài khó, chúng tôi phải tranh thủ sắp xếp công việc gia đình, cố gắng thức khuya dậy sớm, dành thời gian viết bài.
Chính sự động viên của gia đình, sự quan tâm của công chúng, sự lan tỏa rộng khắp của mỗi tác phẩm đã trở thành động lực, thúc đẩy chúng tôi ngày càng cố gắng và cống hiến cho độc giả, thính giả, khán giả nhiều tác phẩm hơn. Phóng viên Trần Van với 7 năm kinh nghiệm nghề, người luôn đứng “đầu bảng” về số lượng tác phẩm cộng tác với các cơ quan báo chí của tỉnh Yên Bái; người luôn tiên phong đảm nhận nhiệm vụ khó chưa lúc nào quên những khó khăn, kỷ niệm của nghề.
Liên tục trong 2 năm (2009 - 2010), đã 2 lần anh theo đoàn công tác của huyện đi bộ ròng rã suốt một ngày trời để ghi hình phá bom mìn tại khu vực giáp ranh giữa thôn Pín Pé với Làng Lao, xã Cát Thịnh; lần đi phá cây thuốc phiện tại khu vực giáp ranh giữa Làng Lao, xã Cát Thịnh với xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) và huyện Phù Yên (Sơn La). Nữ phóng viên Phương Thảo mới về Đài hơn 4 tháng nhưng đã có tác phẩm “Ông vệ sinh môi trường” đạt giải Ba cuộc thi “Hoa đời thường” do Báo Yên Bái tổ chức năm 2011 khiến nhiều phóng viên chúng tôi “tâm phục, khẩu phục”.
Đó còn là những tác phẩm từng đạt giải các kỳ liên hoan phát thanh - truyền hình, cuộc thi viết do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Yên Bái tổ chức như: “Chè dời núi” (năm 2007), “Trọn đời với công tác dân vận” (năm 2010), “Trên đau, dưới đói” (năm 2011), “Đời chè” (năm 2012)… Và còn nhiều, rất nhiều câu chuyện ghi nhận sự cố gắng của mỗi phóng viên sáng tạo nên những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Nâng cao tính chuyên nghiệp, liên tục từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là năm 2012, Đài TT - TH Văn Chấn đã đầu tư đầy đủ dàn máy vi tính, 7 máy tính xách tay, bộ dựng truyền hình, hệ thống cáp quang, đường truyền với tốc độ cao, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền tại cơ sở. Hoàn thành khối lượng sản xuất 6 chương trình phát thanh/tuần; 16 tin, 4 bài/tháng là chỉ tiêu “bất di bất dịch” của chúng tôi.
Tuy không khó để hoàn thành nhưng để đều đặn mỗi tuần “sản xuất” đủ tin, bài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, đổi mới cách tiếp cận, thể hiện chủ đề sao cho phù hợp.
Đặc biệt trước yêu cầu nâng cao chất lượng các tác phẩm cộng tác với Báo Yên Bái đã trở thành “áp lực ganh đua” giữa chúng tôi. Vui là trong 6 tháng đầu năm nay, liên tục các phóng viên Đài TT-TH Văn Chấn có những bài báo được đăng trên trang nhất của Báo Yên Bái.
Những bài viết: “Khi rừng là cuộc sống”, “Lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục ở Nậm Lành”, “Bài toán lợi nhuận nông nghiệp ở Văn Chấn”… đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc trong huyện.
“Không có niềm vui nào hơn là có nhiều tập thể, cá nhân đã nghe và đọc các bài viết, phóng sự do mình thực hiện để học những cách làm hay trong phát triển kinh tế, xã hội. Đó còn là những tác phẩm, đề tài nhạy cảm, phản ánh mặt trái trong cuộc sống có tác động lớn đến xã hội, là cơ sở để các ngành liên quan rút kinh nghiệm, điều chỉnh, khắc phục” - phóng viên Nguyễn Nghĩa chia sẻ. Đó cũng chính là phương châm làm việc của mỗi chúng tôi - những phóng viên của Đài TT-TH Văn Chấn.
Thanh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Sự cộng hưởng và sức lan tỏa đong đầy sự sẻ chia và tiếp sức của Báo Yên Bái, của những tấm lòng hảo tâm đã giúp cho nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận vơi bớt nỗi đau, có thêm được niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn, tin yêu vào cuộc sống.
4 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Nam Định.
YBĐT - Ngày 20/6, Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Chương trình Phát triển vùng tại Yên Bái tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2013.
YBĐT - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện nhưng dường như, đối với những người thu nhập thấp ở một tỉnh miền núi như Yên Bái rất khó có thể tiếp cận nguồn vốn này!