Khoảnh khắc bấm máy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 2:40:37 PM

YBBĐT- Để có được những bức ảnh thời sự đẹp, mang hơi thở cuộc sống xuất hiện trên các báo, tạp chí là cả một sự dày công khổ luyện của mỗi phóng viên thời sự trong tác nghiệp ghi hình, đặc biệt phải chọn được cho mình những khoảnh khắc bấm máy hợp lý nhất.

Tác nghiệp.  Ảnh: Linh Chi
Tác nghiệp. Ảnh: Linh Chi

Là lớp phóng viên chuyên chụp máy ảnh cơ, một thời phải tiết kiệm từng kiểu phim bằng cuộn băng dính và chiếc kéo thường ngày có trong túi máy ảnh để nối phim đã giúp chúng tôi cẩn trọng hơn trong bố cục khuôn hình mỗi khi bấm máy. Bởi mỗi lần bấm máy, điều mong muốn lớn nhất là có được một bức ảnh ưng ý. Đồng nghiệp chúng tôi cũng đã có người mới vào nghề, vì tiết kiệm nhưng chưa có kinh nghiệm nối phim khiến phim bị tuột đi chụp cả buổi về không được kiểu nào, về khóc dở, mếu dở nhưng rồi cũng thành quen.

Chính từ cái khó trong chụp ảnh máy cơ, người chụp phải nắm thành thục kỹ thuật chụp ảnh từ đặt tốc độ đến độ mở ống kính, chế độ cho phim, chọn góc độ, lấy nét hay ước lượng cự ly... đã giúp chúng tôi thêm thận trọng và có được những bức ảnh ưng ý.

Máy kỹ thuật số hiện nay cứ đặt chế độ tự động là vô tư “nháy”. Phóng viên ảnh giờ đây nhàn hạ hơn là không phải lo trước khi tác nghiệp đã đặt đúng chế độ cho máy hay chưa, thậm chí không phải lấy nét. Nhưng chính những cái tự động ấy đã khiến không ít phóng viên thụ động. Các bức ảnh thường hay bố cục khuôn hình không chặt chẽ, hay rung, mất nét. Những bức ảnh này cho thấy sự thiếu chủ động trong chọn góc độ, nên để mất đi cơ hội, khoảnh khắc bấm máy, nhiều khi bấm quá sớm hoặc quá muộn. Do vậy có cả những bức ảnh chụp trao bằng khen, giấy khen, hoa, quà còn chụp cả ở phía sau nhân vật chính.

Là một phóng viên từng đưa tin các hội nghị quan trọng và các  chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã gom góp cho tôi nhiều kinh nghiệm trong chụp ảnh thời sự. Có lẽ với mỗi phóng viên thời sự, điều đáng lo và buồn nhất là khi cầm máy ảnh không chớp được những khoảnh khắc bấm máy. Vậy đâu là khoảnh khắc bấm máy? Đó là những hình ảnh chỉ diễn ra trong tích tắc. Còn nhớ có lần một phóng viên đi cùng một đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh không thành công, bởi đồng chí lãnh đạo tỉnh này có thói quen khi đi cơ sở thường đi nhanh, dừng lại ít. Thêm nữa, trong các hội nghị khi tặng bằng khen, hoa..., đồng chí cũng trao rất nhanh nên phóng viên ít khi “chớp” được hình ảnh.

Quả thực đi tác nghiệp gặp những tình huống như vậy càng đòi hỏi phóng viên phải cực kì nhanh nhạy. Trước hết phóng viên luôn phải là người đi ở phía trước đoàn công tác. Khi đồng chí lãnh đạo tỉnh bước vào thăm nhà máy chè chẳng hạn, nếu đồng chí không dừng thì phóng viên phải chọn đúng thời điểm đồng chí lãnh đạo tỉnh đi đúng tới máy đang sao, sấy chè thì bấm máy. Trong quá trình này phóng viên dứt khoát không được tiết kiệm.

Thời nay, máy số thì bấm thoải mái nhưng ngày trước dù phải tiết kiệm phim thật nhưng chúng tôi vẫn phải “xả” phim để có được bức ảnh thời sự. Còn tình huống đồng chí lãnh đạo tỉnh trao hoa được tôi tác nghiệp nhanh bằng bấm nhanh kiểu nghiêng và cận khi bắt đầu trao và lùi thật nhanh đẩy zoom máy ảnh để chụp cảnh đồng chí quay mặt xuống hội trường vỗ tay, nhờ vậy mà rất ít khi thất bại khi bấm máy.

Nhưng cũng có những trường hợp phóng viên đựợc các đồng chí lãnh đạo tạo điều kiện cho tác nghiệp. Chẳng hạn bố trí chụp một bức ảnh gặp gỡ nhân dân, nếu không biết sắp xếp một cách tự nhiên, chọn góc độ phù hợp để chụp thì cũng chỉ thu lại được những bức ảnh vô hồn, có thể là tất cả mọi người đều nhìn vào ống kính hoặc lộ rõ là xếp người vào để chụp hoặc nhân vật chủ thể nhỏ quá hoặc to quá...

Do vậy để có bức ảnh như ý, phóng viên thời sự phải mạnh bạo, kỳ công và đề nghị nhân vật chủ thể và người dân trao đổi một cách cởi mở, thoải mái và chọn góc độ đẹp nhất, hợp lý nhất bấm máy. Giờ đây, máy số khi chụp xong có thể xem lại và thực hiện lại được ngay, khác hẳn thời máy phim ngày xưa, về nhà chưa yên tâm, ra hiệu ảnh tráng phim, soi xét xong cũng chưa yên tâm, đến khi in ra mới biết được hay không.

Với ảnh thời sự, khoảnh khắc bấm máy càng quan trọng. Đối với phóng viên, khi tác nghiệp làm các bài điều tra, phóng sự điều tra, để chụp được những bức ảnh làm bằng chứng lại càng khó khăn hơn. Chẳng hạn khi tiếp cận cảnh khai thác gỗ trái phép phải giả làm người lấy củi, giấu máy ảnh kín đáo nhất. Quan trọng hơn là phải lựa chọn thời điểm nào để bấm máy ghi lại hình ảnh thực mà không bị phát hiện. Tôi vẫn mãi không bao giờ quên những hình ảnh tang thương được ghi lại rất chân thực trong trận lũ quét năm 2005 ở thị trấn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn).

Đó là hình ảnh các chiến sĩ quân đội vớt người bị cuốn trôi đưa về để nhận dạng. Những giọt nước mắt trong cảnh tang tóc của người vợ mất chồng; cảnh một ngôi nhà bị cuốn trôi chỉ còn trơ lại nền và vẻn vẹn một chiếc giường mới được vớt lại được..., tất cả những khoảnh khắc ấy đã xâu chuỗi nên một phóng sự ảnh đem lại cho tôi giải C trong Giải Báo chí toàn quốc năm 2005.

Với phóng viên thời sự, bên cạnh việc thành thạo kỹ thuật, giàu kinh nghiệm thì sự nhanh nhạy lựa chọn khoảnh khắc bấm máy luôn là yếu tố quyết định để có được những bức ảnh đẹp, tác phẩm báo chí trung thực có tính thời sự và thuyết phục cao. Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, xin chúc các nhà báo có được những khoảnh khắc bấm máy tuyệt diệu để có được những bức ảnh đẹp đáp ứng mong đợi của độc giả!

Đào Minh 

Các tin khác
Biên dịch viên phòng Dân tộc (Đài phát thanh - Truyền hình) tỉnh trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Ảnh: Thanh Ba

YBĐT - Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của tỉnh Yên Bái được thông tin kịp thời đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Kết quả quan trọng này là nhờ những đóng góp không nhỏ của các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Yên Bái.

Đường đi của cơn bão.

Sáng 21/6, BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn gửi BCH Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi.

Tuyên truyền về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

YBĐT - Hưởng ứng tháng cao điểm toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu có ít nhất 90% số phụ nữ từ 15 – 49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con (DPLTMC).

Phóng viên Đài TT-TH Văn Chấn tác nghiệp tại xã Suối Giàng.

YBĐT - Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, tôi được lãnh đạo cơ quan giao viết một bài tâm sự về nghề. Lúc ấy, bản thân tôi thấy rất vui và có phần “hí hửng” bởi những tưởng sẽ được “kể lể” về mình, được nói những “lời hay, ý đẹp” về công việc và đồng nghiệp… Thế nhưng sau nhiều lần chắp bút, hết gạch lại xóa, tôi bỗng thấy lo lắng với đề tài tưởng dễ này. Bởi lẽ, viết về mình thật khó…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục