Ðổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng bằng tổ chức thi nhiều đợt
- Cập nhật: Thứ ba, 25/6/2013 | 2:22:01 PM
Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2013 đang đến gần. Ðiểm đáng chú ý là năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khoảng 100 nghìn bộ, là dấu hiệu về những chuyển biến của kỳ thi so với những năm trước. Tuy nhiên, bài toán về đổi mới tuyển sinh vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Các thí sinh xem số báo danh tại Hội đồng thi Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2012.
|
Trước tiên, cần thấy rằng việc giảm hồ sơ đăng ký dự thi cho thấy những biến động đáng kể trong vấn đề thi, tuyển sinh ÐH, CÐ do nhiều nguyên nhân. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, hiện nay số dân dần đi vào ổn định, mỗi gia đình có từ một đến hai con cho nên số lượng học sinh lớp 12 giảm xuống và ổn định dần so với các năm trước. Qua tiếp xúc với lãnh đạo các trường THPT, chúng tôi được biết khoảng ba năm trở lại đây, mỗi năm học, số lượng học sinh của nhà trường giảm đi khoảng từ hai đến bốn lớp 12. Ngoài ra, công tác hướng nghiệp của các trường THPT và một số tổ chức xã hội tuy còn yếu song bước đầu cũng có những tác dụng nhất định, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Vì thế, lượng hồ sơ trải đều cho các ngành, lĩnh vực và số hồ sơ ảo giảm dần. Ðáng chú ý, mười năm trở lại đây, các cơ sở giáo dục và đào tạo tập trung đào tạo quá nhiều nhân lực cho các ngành thuộc khối kinh tế, dẫn đến dư thừa lực lượng lao động trong ngành này, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm là điều tất yếu. Cộng thêm tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay dẫn đến tình trạng "thất nghiệp" trong nhóm ngành này càng tăng cao. Vì thế học sinh chuyển dịch dần lựa chọn ngành nghề của mình sang các ngành kỹ thuật mà ở đó nhu cầu nhân sự vẫn tăng cao.
Số hồ sơ đăng ký dự thi giảm có nhiều nguyên nhân. Vậy, giải pháp nào để công tác tuyển sinh những năm tới đạt hiệu quả? Theo tôi, Luật Giáo dục đại học mới ban hành và có hiệu lực từ đầu năm 2013, phù hợp với xu thế phát triển của nền giáo dục Việt Nam nói riêng và từng bước hội nhập quốc tế. Trong tương lai, cơ sở giáo dục và đào tạo nào chất lượng cao sẽ được người học lựa chọn và sự cạnh tranh giữa các trường hy vọng sẽ diễn ra bình đẳng. Kỳ thi "ba chung" của Bộ GD và ÐT đã giải quyết tốt các việc như sau: Bảo đảm được chất lượng đề thi phù hợp, sát với chương trình THPT; điểm sàn đánh giá được chất lượng thí sinh đầu vào bình đẳng cho các trường; đăng ký chỉ tiêu là điều kiện để Bộ quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo. Việc tổ chức kỳ thi kiểu đồng thời, duy nhất như hiện nay có thể coi là đã hoàn thành sứ mệnh và đang bộc lộ một số những nhược điểm. Vì vậy rất cần một sự phát triển đột phá để nâng cao tính cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng đào tạo theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học đã đề ra. Theo tôi, nên cho các cơ sở giáo dục và đào tạo áp dụng thí điểm từng bước tự chủ tuyển sinh bằng các phương án tuyển sinh riêng. Sau đó dần dần cho các trường hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh và Bộ GD và ÐT chỉ làm công tác quản lý nhà nước và đánh giá chất lượng đào tạo, xếp hạng các cơ sở giáo dục.
Trong tuyển sinh, đào tạo không nên phân biệt đại học công lập và đại hoc ngoài công lập. Kỳ thi tuyển sinh vào ÐH, CÐ nên chăng được một số đơn vị (do Bộ GD và ÐT cho phép) tổ chức thành các trung tâm thi (theo phương thức của các nước tiên tiến đang làm); hình thức thi quanh năm, thủ tục đơn giản. Như vậy thí sinh nào cũng nhận được một phiếu điểm theo một thang chung. Nộp vào trường nào là quyền của thí sinh. Chất lượng đầu vào mỗi trường lấy thang điểm bao nhiêu thì công bố. Các trường tốp trên thì lấy thang cao, tốp dưới thì lấy thang thấp. Như vậy là các trường được tự chủ. Trường nào đặc thù thì có thể kiểm tra thêm môn năng khiếu, tính thêm hệ số. Vấn đề là: Chất lượng tuyển sinh của từng trường do chính trường đó chịu trách nhiệm.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25/6, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền (Sudecom) tổ chức Hội nghị sơ kết năm thứ 2 thực hiện Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) và những người có nguy cơ bị bạo lực tại 3 xã, phường: Quang Minh (huyện Văn Yên), xã Tân Thịnh, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái)”.
YBĐT - Hướng tới Liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó tỉnh Yên Bái lần thứ I - 2013, hưởng ứng kết quả đạt được của cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” do Đoàn TNCS Việt Nam tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với chị Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái về những cố gắng của tuổi trẻ toàn tỉnh trong sự nghiệp chăm sóc thiếu niên, nhi đồng thời gian qua.
YBĐT - Bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình (Yên Bái) đã và đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hơn bao giờ hết, phong trào thi đua yêu nước càng diễn ra sôi động và tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất.
YBĐT - Khó khăn nhất hiện nay đối với thành phố Yên Bái trong giảm tình trạng sinh con thứ 3 chính là các dịch vụ y tế tư nhân thường cho biết về giới tính thai nhi.