Chung sức xây dựng quê hương
- Cập nhật: Thứ ba, 25/6/2013 | 2:45:37 PM
YBĐT - Từ năm 2010, khi triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái) càng được dấy lên mạnh mẽ.
Khu trường tiểu học bán trú và mầm non xã Nậm Lành được xây dựng khang trang ở khu vực trung tâm xã.
|
Nậm Lành là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Toàn xã có 670 hộ dân và có tới 98% là đồng bào Dao. Khoảng chục năm về trước, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn do cả xã chỉ có gần 120ha ruộng nước nhưng lại phân bố không đều trong 7 thôn. Nhiều diện tích ruộng chỉ cấy một vụ bằng giống năng suất thấp, thiếu đầu tư thâm canh.
Từ những khó khăn về kinh tế kéo theo an ninh trật tự cũng phức tạp bởi trộm cắp vặt. Nạn phá rừng diễn ra thường xuyên để canh tác lương thực. Con em không được chú ý việc học hành, đặc biệt là các em gái. Nhiều hủ tục vẫn diễn ra, điển hình là tệ cúng bái cho người ốm gây tốn kém kinh tế mà không mang lại sức khỏe cho người bệnh...
Từ thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”.
Trọng tâm của cuộc vận động và phong trào này tập trung vào các giải pháp nâng cao đời sống kinh tế gắn với nâng cao dân trí. Đồng thời, các chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước được tăng cường triển khai tại địa phương như ưu tiên về xây dựng công trình thủy lợi, phát triển giao thông nông thôn, giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, trợ giá các giống lúa và ngô mới có năng suất cao; khuyến khích nhân dân khai thác tiềm năng kinh tế như trồng quế, chăn nuôi đại gia súc; lựa chọn các thôn có đời sống kinh tế tương đối ổn định để ra mắt xây dựng điểm mô hình làng văn hóa…
Nhờ vậy, đời sống của người dân đã có chuyển biến khá nhanh, nhất là sản xuất lương thực đã đi vào thâm canh và tăng vụ. Đến nay, toàn xã đã có tới trên 700ha quế và bình quân mỗi hộ có gần 2 con trâu, bò. Rừng phòng hộ được bảo vệ tốt nên có khoảng 100ha măng sặt mang lại nguồn thu cho người dân mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện tại là 58% theo tiêu chí mới và hộ khá đã chiếm khoảng 10%.
Ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết, điều đáng phấn khởi là đời sống nhân dân được cải thiện đã làm cho tình hình an ninh trật tự và hủ tục được cải thiện rõ nét. Ba thôn văn hóa của xã là Nậm Kịp, Giàng Cài, Tà Lành đều là những hạt nhân trong xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nậm Lành là địa phương nổi bật nhất của huyện Văn Chấn trong phong trào hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở.
Năm 2004, để bảo đảm diện tích xây dựng trạm xá ở khu vực trung tâm xã, gia đình ông Hoàng Phúc Thanh đã hiến cho xã 2.000m2 đất bằng đang canh tác. Đặc biệt, mở rộng đường giao thông nông thôn đến đâu, dân hiến đất tới đó. Đến khi xây dựng trụ sở xã trên diện tích 3.000m2, gia đình ông Hoàng Phúc Thanh lại tiếp tục hiến khá nhiều đất cho công trình này.
Từ năm 2010, khi triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở càng được dấy lên mạnh mẽ. Vai trò của đảng viên đã thể hiện rõ tính tiền phong gương mẫu. Bởi thế, ngôi trường trung học cơ sở bán trú của xã được xây ở vị trí đắc địa ngay trung tâm xã vốn là điểm quy hoạch từ lâu nhưng lại mắc về diện tích đất không bảo đảm quy định đã được tháo gỡ nhanh chóng.
Khắc phục khó khăn này bắt đầu bằng việc Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Lành là ông Bàn Thừa Triệu đã sẵn sàng hiến 2.000m2 đất liền kề với vị trí quy hoạch xây dựng trường. Sau khi ông Triệu hiến đất, ngay lập tức các ông: Đặng Văn Thăng, Lý Hữu Thọ, Lý Hữu Hương cũng hiến từ gần 1.000m2 đến 1.400m2 đất cho nhà trường. Cùng với trường trung học cơ sở bán trú thì trường tiểu học bán trú, trường mầm non của xã cũng được xây dựng ở vị trí đẹp nhờ có một phần hiến đất của người dân.
Những ngôi trường khang trang, kiên cố này đã mang lại niềm vui lớn cho người dân trong xã vì hàng trăm con em người Dao đã được ở và học tập tốt hơn. Các thôn như Nậm Tộc, Nậm Cài cách trung tâm xã 17km và thôn Tà Lành, Ngọn Lành cách từ 8 đến 10km, trước đây, trẻ em đi học vô cùng trở ngại thì nay không còn phải lo lắng nữa. Hơn nữa, những ngôi trường này còn là nơi gửi gắm niềm tin của bao người Dao trong xã bởi khi con cái họ được học hành chu đáo thì nhất định, cuộc sống tương lai sẽ ngày càng tươi sáng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện đã góp phần quan trọng giúp chị em phụ nữ huyện Văn Yên xóa đói, giảm nghèo. Đây là kết quả của chương trình phối hợp chặt chẽ giữa Hội Phụ nữ Văn Yên với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ủy thác cho hội viên vay vốn và sự trợ giúp về kiến thức của các tổ chức đoàn thể và ngành liên quan.
Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2013 đang đến gần. Ðiểm đáng chú ý là năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khoảng 100 nghìn bộ, là dấu hiệu về những chuyển biến của kỳ thi so với những năm trước. Tuy nhiên, bài toán về đổi mới tuyển sinh vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
YBĐT - Ngày 25/6, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền (Sudecom) tổ chức Hội nghị sơ kết năm thứ 2 thực hiện Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) và những người có nguy cơ bị bạo lực tại 3 xã, phường: Quang Minh (huyện Văn Yên), xã Tân Thịnh, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái)”.
YBĐT - Hướng tới Liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó tỉnh Yên Bái lần thứ I - 2013, hưởng ứng kết quả đạt được của cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” do Đoàn TNCS Việt Nam tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với chị Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái về những cố gắng của tuổi trẻ toàn tỉnh trong sự nghiệp chăm sóc thiếu niên, nhi đồng thời gian qua.