Bảo Ái coi trọng thực hiện chính sách dân tộc
- Cập nhật: Thứ năm, 27/6/2013 | 2:24:56 PM
YBĐT - Có địa bàn rộng tới gần 5.800ha với 8.148 nhân khẩu, trong đó người Kinh chiếm 45%, còn lại là đồng bào Tày, Nùng, Dao nên xã Bảo Ái - Yên Bình (Yên Bái) đã coi trọng việc thực hiện các chính sách dân tộc, coi đó là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cầu Đát Lụa được nhân dân đóng góp xây dựng, góp phần giúp đồng bào đi lại thuận lợi hơn.
|
Tuy thuận lợi có quốc lộ 70 chạy qua, đường ô tô đến được trung tâm các thôn nhưng chủ yếu đường đất nên việc đi lại ở Bảo Ái còn nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, có thôn vùng ven hồ Thác Bà phải đi lại bằng thuyền. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chiếm 27,8%, còn 6/16 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn hầu hết là đồng bào Dao sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều.
Bà Ma Thị Hòa - Phó chủ tịch UBND xã trao đổi, ngoài hạn chế dân trí thấp, người dân ở đây còn thiếu đất sản xuất, trong tổng diện tích 700ha đất nông nghiệp, đất trồng lúa chỉ có 163ha. Cá biệt, xã có thôn Vĩnh An nằm ngoài hồ, đồng bào chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Đến đầu năm 2013, gần 400 hộ dân của xã mới thoát khỏi cảnh đèn dầu, có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể xây dựng chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào thiểu số được triển khai đến thôn. Ban chỉ đạo chi trả chế độ chính sách của xã được kiện toàn; việc xét duyệt các đối tượng thụ hưởng chế độ đối với hộ nghèo, hộ chính sách được tiến hành từ thôn, đảm bảo dân chủ, công bằng.
Bà Hồ Thị Thu - Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Bình cho biết, Bảo Ái là một trong những địa phương chú trọng thực hiện chính sách dân tộc. Khi có chỉ đạo của huyện, chính quyền cơ sở luôn khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ và thanh quyết toán đảm bảo thời gian; công tác chuẩn bị đầu tư đảm bảo đúng tiến độ nên thuận lợi trong việc triển khai thi công các công trình từ vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ.
Trẻ em người dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc.
Nhờ những cố gắng của địa phương, trong những năm gần đây, các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc và địa bàn đặc biệt khó khăn thực hiện ở Bảo Ái có ý nghĩa thiết thực và mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi năm, có hàng ngàn người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, riêng năm 2013 có 4.318 thẻ đã được cấp đến tay đồng bào, tạo thuận lợi để bà con chăm sóc sức khỏe. Việc hỗ trợ cho học sinh con em đồng bào diện đặc biệt khó khăn đảm bảo đúng đối tượng với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Người có uy tín trong cộng đồng được cấp báo và được tặng quà tết; những hộ dân chưa được sử dụng điện lưới được hỗ trợ tiền dầu hỏa thắp sáng...
Mấy năm qua, nguồn vốn 135 của Chính phủ đã đầu tư xây dựng lớp học ở thôn Ngòi Ngần, cầu Ngòi Nhầu và 3 tuyến đường bê tông trên địa bàn xã với tổng chiều dài 1,5km. Hiện xã đang tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 500 mét đường bê tông với mức đầu tư 800 triệu đồng. Điều quan trọng là nhờ có nguồn đầu tư và thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức được việc phải cùng nhau bỏ công góp sức để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế và thuận tiện trong sinh hoạt.
Ông Hứa Minh Hợp - Trưởng thôn Đát Lụa kể: "Chúng tôi đã huy động sự đóng góp của các hộ dân trong thôn được gần 30 triệu đồng làm 1 cầu sắt qua suối đạt trọng tải 2 tấn, tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại, vận chuyển vật tư, nông sản. Cũng nhờ huy động đóng góp của nhân dân, đến nay, 12/16 thôn đã có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân".
Cùng với hỗ trợ phân bón, cây - con giống kịp thời vụ, xã cũng đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người dân vùng 135 và đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng trăm lượt người. Năm vừa qua, từ nguồn kinh phí này, có 30 học viên của xã được đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong thời gian gần 40 ngày. Thông qua đào tạo, tập huấn, người dân có nhiều thay đổi tích cực trong nhận thức và thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập của gia đình.
Qua đó phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo của xã từ 3% - 5%/năm, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ở địa phương.
M.Q
Các tin khác
YBĐT - Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Phạm Thị Chi ở thôn Cầu Đền, xã Nam Cường, thành phố Yên Bái còn trẻ và khỏe mạnh hơn rất nhiều so với tuổi 79 của bà. Những người hàng xóm xung quanh thì nói vui rằng bí quyết của bà là có một "gia tài" đáng tự hào với 9 người con đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định và có vị trí trong xã hội.
YBĐT - Đã nhiều lúc chị nằm khóc một mình vì cảm thấy cô đơn, trống trải. Có những lúc chị tự hỏi cuộc sống này liệu sẽ tiếp diễn đến bao giờ? Tình yêu của hai người có thắng nổi được những “cám dỗ” của cuộc sống ?... Nhưng rồi thời gian đã chứng tỏ, nếu hai người biết trân trọng và gìn giữ những gì đang có thì tình yêu sẽ là mãi mãi, hạnh phúc sẽ không bao giờ là điều xa xỉ.
Theo Nghị định thi hành án hình sự thì bắt đầu từ ngày 27.6 sẽ áp dụng biện pháp tiêm thuốc độc khi thi hành án tử hình thay cho biện pháp xử bắn trước đây.
Tăng cường thêm 570 xe tại các bến Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của thí sinh và người nhà.