Hành trình “về với tuổi thơ”
- Cập nhật: Thứ hai, 12/5/2014 | 10:05:43 AM
YBĐT - Mỗi người đều có một tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm thuở thiếu thời. Tuổi thơ của Nhà giáo ưu tú Lê Văn Lộc gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xã cùng những trò chơi dân gian: kéo co, đánh chắt, đánh bi, nhảy dây… và lời ru của người mẹ.
|
Cuộc hành trình trên nửa thế kỷ từ lúc cắp sách đến trường tới khi trở thành nhà quản lý giáo dục gần bốn mươi năm, ký ức tuổi thơ luôn song hành và là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật để tác giả có khối lượng tác phẩm kha khá. Lần lượt các tập thơ ra đời: “Ngàn xanh”, “Lòng phượng”, “Lích tích chim xanh”, “Vọng xanh”, “Dấu son đồng chiều”, “Nẻo phồn sinh”, “Bầu trời qua đôi cánh chuồn”, “Như chưa hề qua thu”, “Vẽ nôi ru mặt trời”.
Ở “Vẽ nôi ru mặt trời” - một tuyển thơ thì quá nửa dành cho thiếu nhi, nhà thơ Lê Văn Lộc đang thực sự “trở về ngày bé con con. Bóng mình lũn cũn lăn tròn lối xưa” để mà hoà điệu vào tâm hồn trẻ. Vốn sống phong phú đã giúp nhà thơ đề cập đến khá nhiều mảng đề tài: những trò chơi con trẻ như đánh chắt, rồng rắn, học vẽ, xếp hình đến giả làm ông già, bà lão; rồi các con vật hằng ngày sống quanh ta cùng những hiện tượng tự nhiên mà trí óc non nớt của trẻ luôn muốn quan sát và tìm hiểu. Cảm động làm sao khi bé chơi trò tôm tép đưa đón bà còng lúc trời mưa sa hay giả làm ông già được chăm sóc khi trở trời trái nắng:
Ông nhà lên cơn sốt: rét run
Cũng đun nước xông, bón từng thìa cháo
Ông thều thào: ước thành chân sáo
Giống hôm nào nhận phiếu bé ngoan.
(Làm ông)
Thế giới trẻ thơ là những câu hỏi vì sao và cần được giải thích. Học vẽ tranh có hoa, có lá nhưng “Cô ơi sao giống thế/ mà bướm chưa lạc vào/ Mà sao ong chưa đến/ Bướm ong khó tính sao”. Hay cầu vồng vì sao bảy sắc, vì sao con sên cõng nhà hình ốc xoắn, con rùa đội văn bia, con rết nhiều chân, con rắn giấu đuôi… đều được tác giả tìm cách lý giải theo cách hiểu con trẻ “Con rết thêm chân/ Sợ bò quanh quẩn/ Con rắn giấu đuôi/ Sợ cười đầu lưỡi”. Thiên nhiên với muôn màu sắc hấp dẫn: búp lá đa như ngọn bút vẽ vào trời xanh; mặt trời chiều lặn tít vào mắt ri; con đê làng chín rạn giữa đồng cạn đồng sâu luôn gợi mở cho các em óc quan sát và sự liên tưởng độc đáo:
Chả là hoa cũng sắc vàng
Thì ra tắt nắng, mơ màng gió hoe
Để cho đom đóm lập loè
Bờ ao rười rượi ếch khoe bóng mình
(Bờ vàng)
Thấm đẫm trong các bài thơ vẫn là tình yêu thương. Chính cái gốc nhân sinh này đã làm nên sự hấp dẫn của thơ ông. Thương cô Tấm trong câu chuyện cổ tích; thương một đàn kiến gặp mưa, chú chó vàng bị người đời hoá kiếp; thương cả vật vô tri và đậm nhất vẫn là tình yêu dành cho những đứa cháu:
Một mình ông với cháu cu
Ngựa phi nước đại tít mù chiều hôm
Viết cho trẻ thơ là phải “trẻ thơ hóa” sự vật, tình cảm chứ không phải là sự bắt chước một cách ngọng ngịu. Nghĩa là phải sống, phải hòa đồng và thực sự hiểu tâm tư, tình cảm của các em. Cũng không ít nhà thơ từng viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi nhưng thành công nào có mấy. Nhà thơ Lê Văn Lộc đã biết “trẻ thơ hoá” bằng tìm cách diễn đạt của đồng dao.
Rồi từ những sự vật như chú chuồn chuồn, chim sâu, bù nhìn rơm, cái kim, hạt mồng tơi, quả núi, ông mặt trời…, mọi sự vật đều được nhân hóa làm cho bức tranh thế giới trẻ thơ đa sắc màu và có tính gợi cảm cao. Và thơ ông không chỉ chắp cánh ước mơ mà còn góp phần mở ra chân trời tưởng tượng cho thế hệ mầm non “Ai phết lên đĩa trời/ Vệt sữa tươi mới lạ/ Ai múc cạn Ngân Hà/ Treo Thần Nông vào hạ” .
Trên cơ sở đó để bồi dưỡng cho các em óc thẩm mĩ, bước đầu biết suy ngẫm, dự cảm những điều lớn lao trong cuộc sống “Mới năm nảo năm nào/ Treo ngược cây diều sáo/ Người ta bảo trời cao/ Cũng rụng nhiều giông bão”. Tuy vậy có lúc vì quá chú ý đến điều này nên ở một vài bài thơ còn thể hiện suy nghĩ quá già dặn vượt qua lứa tuổi:
Có lật đật đâu bởi hồn trong trẻo
Năm tháng trốn tìm lật đật mang theo
Giọt mồ hôi khuya lối mòn khuất nẻo
Rung reo chuông lật đật năm nào.
(Lật đật)
Đã bước vào thời kỳ thơ chín, thơ viết cho thiếu nhi của tác giả Lê Văn Lộc là món quà quí với các bạn nhỏ, hứa hẹn “Thu lành treo trái chín/ Treo cả vành trăng xinh/ Ru chú Cuội đêm rằm/ Trên trời cao ca hát”.
Thế Quynh
Các tin khác
Khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội đặc biệt để bắt đầu một chuyến du ngoạn vòng quanh châu Âu trên màn bạc thông qua bộ sưu tập phim phong phú được giới thiệu trong Liên hoan phim châu Âu 2014, diễn ra từ 16 – 19/5/2014 tại Việt Nam.
Với tỷ lệ bình chọn 52% từ khán giả, Nhật Thủy đã vượt qua Minh Thùy và giành ngôi vị "Thần tượng Âm nhạc" mùa thứ 5.
Thuyết phục ban giám khảo sau 4 phần thi trang phục áo dài, trang phục áo tắm, trang phục dạ hội và vấn đáp, Đỗ Thị Huệ (ảnh - 23 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính ngân hàng) đã đăng quang đêm chung kết Người đẹp Hạ Long 2014 với chủ đề Người đẹp Hạ Long, Tuần Châu - Hội tụ và lan tỏa, diễn ra đêm 10.5 tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh).
Tối 10/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức khai mạc Lễ hội hoa phượng đỏ lần thứ ba với chủ đề “Hải Phòng sắc màu hoa phượng đỏ” và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà. Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà.