Bảo tồn và phát huy hơn nữa di sản Dân ca Ví, Dặm
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 7:55:36 AM
Để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh đã trải qua một quá trình bảo tồn và phát triển lâu dài.
Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh rất say mê làn điệu truyền thống của mình.
|
Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014, tại Paris, Pháp. Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết: “Việc Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể”.
Dân ca Ví, Dặm được quan tâm bảo tồn
“Không phải bây giờ được vinh danh, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện bảo tồn mà thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Ví, Dặm đã được tỉnh, ngành và nhân dân các địa phương thực hiện từ lâu nay. Đó là việc truyền nối những lời ca, điệu hò trong cuộc sống hằng ngày; đó là những hoạt động bền bỉ, hiệu quả của hàng chục câu lạc bộ dân ca ở các địa phương thu hút đông đảo người dân tham gia…”, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh Bùi Đức Hạnh, từ năm 1996, ngành VHT&DL, Hội Văn nghệ dân gian đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai Chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình (chủ yếu là Ví, Dặm) với sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân.
Sở VHTT&DL cũng phối hợp với Sở GD&ĐT hai tỉnh thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, nhất là các trường phổ thông cơ sở với giáo trình cụ thể để dạy hát dân ca, trong đó tập trung vào Dân ca Ví, Dặm. Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL còn biên tập và xuất bản sách, cung cấp nhiều băng đĩa hát dân ca để làm tài liệu cho các trường; tổ chức phong trào “Thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học”; tổ chức tập huấn cho giáo viên trong trường.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An, NSƯT Phạm Tiến Dũng cũng cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng hệ thống câu lạc bộ đàn và hát dân ca, những hạt nhân để lưu giữ và phát huy Dân ca Ví, Dặm”.
Hằng năm tỉnh đều tổ chức tập huấn các CLB để trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc mở các trại sáng tác ca khúc phát triển từ các làn điệu dân ca địa phương đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc.
Các hội diễn, hội thi liên hoan văn nghệ hát Dân ca Ví, Dặm được thường xuyên tổ chức với nhiều chủ đề; lồng ghép trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen hằng năm, phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức “Liên hoan nối những câu hò” 6 tỉnh Bắc miền Trung…
Công tác sưu tầm, thống kê, lưu giữ cho thấy Dân ca Ví, Dặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh. Trên địa bàn hai tỉnh hiện có gần 100 CLB Dân ca Ví, Dặm cùng 803 nghệ nhân.
Các nghệ nhân dân gian đã có vai trò công sức rất lớn trong việc bảo tồn phát huy làn điệu Dân ca Ví, Dặm. Họ chính là kho tư liệu sống lưu giữ các làn điệu, là cầu nối để truyền đạt lại loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này lại cho các thế hệ kế tiếp.
Bảo tồn di sản là trách nhiệm chung
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thị Bích Liên sự kiện vinh danh Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành trách nhiệm đối với cả quốc gia và nhân loại.
Danh hiệu di sản mang lại niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn của mỗi người dân, đặc biệt là chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ cam kết quốc tế về bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản.
Thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng cho biết Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu Dân ca Ví, Dặm. Đặc biệt chú trọng tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, phát triển hệ thống các CLB đàn và hát dân ca ở cơ sở, tiến tới năm 2015 có 30-40% số xã có CLB Dân ca Ví, Dặm.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
UBND Thành phố Hà Nội hôm qua (24/12) đã chính thức cho phép UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm ở số 2 Lê Thái Tổ…
Gala "Chào 2015" được phát sóng vào ngày đầu tiên của năm mới (1/1) với hàng loạt ca khúc nhạc phim nổi tiếng sẽ là món quà âm nhạc đặc biệt VTV gửi tới khán giả...
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.