Độc đáo nghệ thuật hát múa Ải Lao ở hội Gióng làng Phù Đổng
- Cập nhật: Chủ nhật, 14/2/2016 | 3:34:05 PM
Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống, chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhưng lại do phường (tương tự một đoàn) Ải Lao thuộc làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hành.
|
Hát múa Ải Lao là nghệ thuật dân gian độc nhất vô nhị, lời hát theo một nhịp điệu đặc biệt mang tính nhân văn cao, mang khát vọng hòa bình của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Hinh, trưởng đoàn hát múa Ải Lao kể rằng, thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang có giặc Ân phương Bắc xâm lược. Ông Gióng làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt phá cường Ân, khi qua sông Thiên Đức, đám trẻ trâu làng Hội Xá đã buộc trâu bò, đi theo ông Gióng đánh giặc.
Trong đoàn quân đi theo ông Gióng có ông Hoàng Hổ, là một trong những thiên tướng nhà Trời được sai xuống đi theo Thánh Gióng đánh giặc. Thắng giặc rồi, ông Gióng lên đỉnh núi Sóc Sơn, cả người cả ngựa bay về trời. Mẹ ông Gióng không thấy con về, bà buồn rầu, thương nhớ. Đám trẻ trâu được lệnh nhà Vua đã đến bên mẹ Gióng hát múa cho bà vơi đi nỗi buồn. Từ đó có tên phường hát múa Ải Lao.
Nhà nghiên cứu Cao Huy Đính, người đã có nhiều công nghiên cứu về hát múa Ải Lao xác định hai từ Ải Lao theo Hán cổ là buộc trâu bò. Vì vậy, đám trẻ trâu Hội Xá buộc trâu bò theo ông Gióng đánh giặc được gọi là phường Ải Lao.
Tại hội Gióng đền Phù Đổng vào tháng ba Âm lịch hàng năm, hát múa Ải Lao được coi là một trong những nghi lễ quan trọng. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội quân tổng hợp, đã đoàn kết một lòng vùng lên đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Trước khi ông Gióng ra trận, đoàn Ải Lao thực hiện nhiệm vụ khám đường (kiểm tra đường, bãi đánh trận). Sau khi trận thắng của ông Gióng kết thúc, lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân tổ chức trong không khí rộn rã của lời ca, điệu múa của phường Ải Lao. Các nhà nghiên cứu văn hóa đều khẳng định, hát múa Ải Lao góp phần tạo nên nét đặc sắc của hội Gióng, nhất là các bài hát Ải Lao còn có ý nghĩa tâm linh.
Trong hát múa Ải Lao có các lớp lang văn hóa, câu chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Trong thời gian diễn ra hội Gióng, phường Ải Lao thực hành nhiều bài hát: Hát khi vào đền dâng lễ, hát thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu, hát sử, hát kéo hội đi đường, hát rước hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về cây tre, hát săn hố, hát về đền sau khi thắng trận. Tùy từng thời gian, địa điểm mà phường hát các bài hát cho phù hợp hoàn cảnh. Về múa cũng tương tự, có hai điệu múa chính là múa hành lễ và múa nghi lễ.
Việc trình diễn hát múa Ải Lao thường được phân bổ trách nhiệm theo giáp trong làng. Hàng năm, mỗi giáp trong làng Hội Xá đến phiên phục vụ hội Gióng thì lập đội hát Ải Lao. Nam thanh niên ở các giáp đều được truyền dạy và biết hát múa Ải Lao, đến phiên giáp sẽ chọn những người hát giỏi, thuộc bài hát vào phục vụ hội Gióng.
Người tham gia phường Ải Lao đều phải trai đinh của các giáp, ngoại tộc không được tham gia. Hiện nay, các thành viên của phường Ải Lao đều từ 35 tuổi trở lên, nhiều người trên 60 tuổi.
Tuy nhiên, nỗi trăn trở của những người trong phường Ải Lao là, mỗi năm chỉ có hai cơ hội biểu diễn gây khó khăn cho họ, nhất là những người cao tuổi trong việc thuộc lòng các bài hát. Bởi hát Ải Lao có 12 bài, các bài lại dài, cách hát lại phải bẻ chữ, đảo từ, đảo câu, thêm từ láy. Hơn nữa việc trẻ hóa phường Ải Lao để giúp tăng cường tính nghệ thuật của nghệ thuật biểu diễn đang trở thành nhu cầu cấp bách.
Ông Nguyễn Trọng Hinh, trưởng đoàn hát múa Ải Lao chia sẻ: Chúng tôi mong muốn vận động được thanh niên trong làng tham gia học tập, rèn luyện thành thạo những bài hát, điệu múa của nghệ thuật Ải Lao, đưa họ vào làm thành viên của phường Ải Lao để thay thế những người lớn tuổi hiện nay. Ông cũng cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật hát múa Ải Lao, nhất thiết phải có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngành văn hóa Hà Nội đã có sự quan tâm đến nghệ thuật hát múa Ải Lao. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, cơ quan này đã hoàn thành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tập quán xã hội hát múa Ải Lao là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện hồ sơ đã gửi về Cục Di sản văn hóa, hy vọng lễ hội Gióng năm 2016, hát múa Ải Lao sẽ được vinh danh.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - “Đụng lợn” - tết xưa đã trở lại và dường như người dân đang từng bước chuyển dần từ “ăn ngon - mặc đẹp” thành “mặc đẹp - ăn nghệ thuật” để giữ lại nếp xưa.
YBĐT - Lời hát Sình ca của Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh khi cất lên làm mê đắm lòng người đặc biệt là các khúc hát mừng xuân mới, với cách lấy hơi, nhả chữ luyến láy khó ai bì kịp. Giữa bạt ngàn rừng quế mang tiếng hát Sình ca như giục mùa xuân đến sớm.
YBĐT - Âm nhạc luôn đem lại nguồn cảm xúc xuân tươi mới, rộn ràng. Những người nghệ sỹ, diễn viên là những “người mang mùa xuân đến sớm”. Tiếng hát cất lên là món quà đầy ý nghĩa mà những người nghệ sỹ, diễn viên đã gửi gắm cả tình cảm, tâm huyết của mình trong từng ca từ gieo niềm vui cho tất cả mọi người, mọi nhà trước mùa xuân mới.
YBĐT – Cùng với các món ăn truyền thống, cành đào, bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên làm nên hương vị tết cuộc sống đủ đầy, khí xuân tràn ngập mỗi gia đình còn bởi sắc hoa tươi hiện diện ở mỗi không gian trang trí ngày tết. Chơi hoa là một trong những nét đẹp văn hóa tinh thần, thể hiện sắc đẹp, sự tinh tế, thanh tao, hồn người đón xuân của Tết Việt.