Triển lãm bản đồ, tư liệu Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
- Cập nhật: Thứ bảy, 12/11/2016 | 8:08:09 AM
Tối 11/11, tại Quảng trưởng thành phố Vĩnh Long, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Khách thăm quan triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý,” tại Ninh Bình.
|
Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ trước đến nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, các tài liệu trưng bày tại triển lãm là một phần những bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước và các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Theo đó, phiên bản các văn bản Hán-Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Tiếp đến là phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954-1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến khi Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/1/1974.
Đặc biệt, tại Triển lãm còn trưng bày 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay… Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh phát hành vào năm 1908 và Chính phủ Trung Hoa dân quốc tái bản vào các năm 1917, 1919, 1933 đã thể hiện rõ cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như Trung Quốc vẫn tuyên bố hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen - người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, trong đó có bản đồ Partie de la Cochinchine khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm còn trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của huyện đảo Trường Sa trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Vĩnh Long; hình ảnh về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng triển lãm là cơ hội để đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có điều kiện trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu các nguồn tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền, pháp lý và lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm cũng giúp cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cũng như những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo; động viên thế hệ trẻ cùng nhân dân cả nước chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý,” tại Vĩnh Long diễn ra đến hết ngày 15/11 tới.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào nhận giải người có đóng góp lớn cho nền kiến trúc châu Á với phần thưởng trị giá 20.000 USD.
YBĐT - Người Khơ Mú quan niệm dù giàu hay nghèo, dù nhà to hay nhà bé, một gia đình phải có “bốn góc nhà, ba góc bếp” tức là, trên sàn mỗi gia đình phải có đủ 3 bếp.
Sáng 9/11, tại tòa nhà Lotte Center đã diễn ra buổi họp báo Liên hoan âm nhạc Châu Âu lần thứ 15 tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Công văn số 4496/ BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng, quán bar.